Chính sách đối ngoại tập trung vào những diễn biến ở Trung Đông

Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Trump cho biết Mỹ đang "nỗ lực nhằm chấm dứt các cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông".

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bảo vệ quyết định của mình khi yêu cầu giết chết Tướng Iran Qassem Soleimani. Quyết định này từng làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng như khiến nhiều người lo ngại về một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra.

trumpthongdiep_wjxd.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Iran đã đáp trả bằng cách tấn công vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. Ban đầu Tổng thống Trump thông báo không có binh lính nào bị thương song sau đó Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nhiều binh lính Mỹ được chẩn đoán chấn thương não sau sự việc này.

Nhận định về chính sách với Iran, ông Trump cho biết: "Do các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của chúng tôi, nền kinh tế Iran đang ngày càng tồi tệ. Chúng tôi có thể giúp họ tốt lên trong một thời gian ngắn nhưng có lẽ họ quá tự hào hoặc quá ngu ngốc nên đã không yêu cầu sự giúp đỡ. Chúng tôi vẫn ở đây. Hãy xem họ lựa chọn con đường nào. Quyết định là hoàn toàn phụ thuộc vào họ".

Tổng thống Trump cũng nhắc lại cam kết sẽ rút quân khỏi Afghanistan song vẫn chưa rõ kế hoạch cụ thể là gì. Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad đã nhận định với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đầu tuần này rằng không có bất kỳ tiến triển nào đạt được trong các cuộc trao đổi giữa ông với phía Taliban. Ông Khalilzad bày tỏ hy vọng có thể làm giảm tình trạng thù địch giữa các bên song vẫn chưa đưa ra khung thời gian cụ thể.

Trong bài thông điệp liên bang, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề cập đến kế hoạch Trung Đông mới được công bố - một kế hoạch bị người Palestine phản đối kịch liệt.

Tổng thống Trump đã nhận được những tràng vỗ tay lớn sau khi nhắc lại sự kiện thủ lĩnh của IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt vào năm ngoái trong chiến dịch không kích của Mỹ tại Syria.

"Hiện nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị phá hủy 100% và kẻ sáng lập đồng thời là thủ lĩnh của IS - tên sát nhân khát máu Al-Baghdadi đã chết", ông Trump khẳng định.

Nhấn mạnh vào những thành tựu kinh tế

Tổng thống Trump đã dành phần lớn bài phát biểu để nhấn mạnh vào những thành tựu kinh tế, trong đó có tỷ lệ thất nghiệp giảm và điều đó đã cải thiện đời sống của các công nhân và tầng lớp trung lưu ra sao so với thời Tổng thống tiền nhiệm là ông Barack Obama.

"Chúng ta đang phát triển với tốc độ không thể tưởng tượng được chỉ trong 1 thời gian ngắn ngủi[...] Từ khi tôi trúng cử, chúng tôi đã tạo ra 7 triệu công việc mới - nhiều hơn 5 triệu công việc mà các chuyên gia chính phủ đặt ra dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong hơn 1 nửa thế kỷ qua".

"Điều đáng nói là tỷ lệ thất nghiệp trung bình dưới thời chính quyền của tôi thấp hơn bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử nước Mỹ. Nếu chúng ta không đảo ngược chính sách kinh tế thất bại của chính quyền tiền nhiệm, thế giới giờ đây sẽ không thể chứng kiến thành tựu kinh tế vĩ đại của nước Mỹ".

Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh đến những thỏa thuận thương mại mới mà ông đã đàm phán được, trong đó có thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc và Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada được ký kết vào tháng trước.

"Một trong những lời hứa lớn nhất với người dân Mỹ mà tôi đã thực hiện là thay thể thỏa thuận thương mại NAFTA tồi tệ. Trên thực tế, vấn đề thương mại bất bình đẳng có lẽ là lý do lớn nhất tôi quyết định tranh cử Tổng thống", ông Trump khẳng định trong bài thông điệp liên bang ngày 4/2 (giờ địa phương).

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhận định: "Nhiều chính trị gia đã đến và đi, cam kết thay đổi hoặc thay thế NAFTA nhưng hoàn toàn không làm gì cả. Không giống như nhiều người tiền nhiệm, tôi đã giữ lời hứa của mình. Cách đây 6 ngày, tôi đã thay thế NAFTA và ký kết Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada mới (USMCA)".

Theo ông Trump, USMCA đã tạo ra gần 100.000 công việc được trả lương cao cho người dân Mỹ và thúc đẩy xuất khẩu cho những người nông dân, chủ trang trại và công nhân các nhà máy.

Đề cập đến cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump khẳng định: "Cách đây vài ngày, chúng ta đã ký kết một thỏa thuận mới đột phá với Trung Quốc nhằm bảo vệ người lao động, tài sản sở hữu trí tuệ của chúng ta cũng như mang về hàng tỷ USD cho ngân sách của đất nước và mở cửa cho những thị trường mới được thành lập và phát triển ngay tại đây, ngay trên nước Mỹ này".

Cho rằng "trong hàng thập kỷ, Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ" song Tổng thống Trump khẳng định: "Hiện nay, chúng ta đã thay đổi điều này. Chúng ta có lẽ đang ở trong mối quan hệ tốt đẹp nhất từng có với Trung Quốc, trong đó có cả Chủ tịch Tập Cận Bình".

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc để đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona gây nên. "Chính quyền của tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân của chúng ta khỏi mối đe dọa này".

Không 1 lần đề cập đến từ “luận tội”

Bài thông điệp liên bang của ông Trump diễn ra chỉ một ngày trước khi cuộc điều tra luận tội Tổng thống kết thúc với kết quả được cho là Thượng viện sẽ miễn tội cho Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không một lần nhắc đến từ luận tội, cũng như không hề đề cập đến vấn đề này.

Dù vậy, không khí căng thẳng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về vấn đề này vẫn bao trùm toàn bộ sự kiện trên và thể hiện rõ nhất qua thái độ của những người trong cuộc.

Đầu tiên, khi ông Trump bước lên bục chuẩn bị đọc bài thông điệp liên bang, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã chìa tay để bắt tay với Tổng thống nhưng nhà lãnh đạo Mỹ đã "ngoảnh mặt làm ngơ" từ chối cái bắt tay này.

Sau đó, như một động thái đáp trả, khi buổi đọc thông điệp liên bang kết thúc, bà Pelosi đã thẳng tay xé toạc bản thảo bài thông điệp liên bang của ông Trump ngay trước khán phòng.

Những gì diễn ra tại buổi đọc thông điệp liên bang của Tổng thống Trump còn cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong lưỡng đảng Mỹ. Nếu như đảng Cộng hòa vỗ tay cổ vũ đầy hào hứng và hét lên rằng "thêm 4 năm nữa" khi ông Trump phát biểu thì các thành viên đảng Dân chủ chỉ giữ im lặng với những khuôn mặt nghiêm túc.

Ngay sau đó trên Twitter, bà Pelosi đã tweet rằng: "Đảng Dân chủ chưa bao giờ dừng mở rộng bàn tay hữu nghị để công việc được hoàn thành #chongườidân. Chúng tôi sẽ hợp tác để tìm kiếm các điểm chung ở những khía cạnh mà chúng tôi có thể nhưng vẫn giữ vững lập trường ở những điều mà chúng tôi không thể".

Dù vậy, động thái xé bản thảo của bà Pelosi cũng đã vấp phải sự chỉ trích của Nhà Trắng.

Khơi dậy tinh thần nước Mỹ

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, Tổng thống Trump cũng đề cập đến các vấn đề khác như giáo dục, y tế, nhập cư trái phép hay an ninh biên giới, đặc biệt nhấn mạnh đến những "giá trị Mỹ" để thu hút sự ủng hộ của cử tri: "Chúng ta là những người Mỹ. Chúng ta là những người tiên phong. Chúng ta là những người đi tìm đường. Chúng ta đã sắp xếp một thế giới mới, chúng ta đã xây dựng một thế giới hiện đại và chúng ta đã thay đổi lịch sử mãi mãi bằng cách chấp nhận một sự thật trường tồn rằng mọi người đều được đối xử bình đẳng dưới bàn tay của Chúa".

"Mỹ là nơi mọi thứ có thể xảy ra! Mỹ là nơi bất cứ ai cũng có thể phát triển. Và ở đây, trên vùng đất này, trên lục địa này, những giấc mơ khó tin nhất cũng có thể thành sự thật!".

Tổng thống Trump đã khép lại bài phát biểu của mình bằng một tuyên bố về tinh thần của nước Mỹ: "Tinh thần của chúng ta vẫn trẻ, Mặt Trời vẫn đang lên, Chúa vẫn đang chiếu cố cho chúng ta và hỡi những người bạn Mỹ của tôi, điều tuyệt vời nhất vẫn còn ở phía trước!"./.