TheoSputnik, nhận định trên được nhà nghiên cứu Beatriz Hernández tại Đại học University of Diego Portales ở Chile đưa ra trong bối cảnh, căng thẳng giữa Catalonia và chính quyền trung ương Tây Ban Nha đang leo thang sau khi Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, buộc Chính phủ Madrid phải áp dụng Điều 155 Hiến pháp để giải tán chính quyền khu tự trị này.
Ảnh minh họa: Reuters
Động thái nói trên cũng tạo điều kiện cho Chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy sớm thực hiện một cuộc bầu cử tại khu tự trị này vào tháng 12 tới dù theo bà Beatriz Hernández, “chẳng ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử đó” ngoại trừ việc cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong một bầu khí “cực kỳ căng thẳng”.
Bà Beatriz Hernández cũng đặt ra 3 câu hỏi mà theo bà có thể giúp nhận định rõ tình hình Catalonia sẽ tiến triển như thế nào trong tương lai:
1. Tại sao chính quyền Madrid chậm trễ trong việc áp dụng Điều 155?
Cuộc trưng cầu dân ý về quyền độc lập của Catalonia diễn ra ngày 1/10, tuy nhiên, mãi đến ngày 27/10 chính quyền Madrid mới quyết định áp dụng Điều 155 Hiến pháp.
Theo bà Beatriz Hernández, có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự chậm trễ này. Trong đó, đáng chú ý là “sự khác biệt quá lớn” giữa các đảng phái tại Tây Ban Nha bất chấp việc hầu hết các Thượng nghị sĩ nước này ủng hộ việc áp dụng Điều 155.
“Tình hình hiện nay tại Catalonia đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc không chỉ giữa các đảng phái trong Quốc hội Tây Ban Nha mà còn cả ở Catalonia và thậm chí là cả giữa những người ủng hộ việc Catalonia đòi độc lập”, bà Beatriz Hernández nhận định.
Ngoài ra, việc Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont ngày 10/10 ký tuyên bố độc lập nhưng sau đó tạm dừng với lý do dành thời gian để tiến hành đối thoại với chính quyền Madrid cũng khiến cho Chính phủ Tây Ban Nha “không biết có nên can thiệp ngay vào quyền tự trị của Catalonia hay không?”, bà Beatriz Hernández nói thêm.
Hơn thế nữa, việc chính quyền Tây Ban Nha và Catalonia thiếu một kênh liên lạc cần thiết cũng dẫn đến việc cả hai bên không tìm được tiếng nói chung buộc các đảng phái tại Quốc hội phải liên minh với nhau để đạt được đa số phiếu buộc Chính phủ Tây Ban Nha phải áp dụng Điều 155. Quá trình này, theo bà Beatriz Hernández cũng khá mất thời gian.
Khủng hoảng Catalonia: Sự bừng tỉnh của “đa số im lặng”
2. Cựu Thủ hiến Carles Puigdemon sẽ lĩnh án tù?
Trong thời gian qua, truyền thông Tây Ban Nha cũng đưa tin, Tổng Công tố Tây Ban Nha đang chuẩn bị hồ sơ giấy tờ để cáo buộc cựu Thủ hiến Tây Ban Nha Carles Puigdemont với lý do ông Carles Puigdemont có tham gia vào việc Catalonia đơn phương tuyên bố đòi độc lập.
Ngoài ra, ông Carles Puigdemont cũng bị cáo buộc phớt lờ quyết định giải tán ban lãnh đạo xứ Catalonia và khẳng định ông vẫn là Thủ hiến được bầu một cách hợp pháp của khu tự trị này.
Theo bà Beatriz Hernández, khả năng ông Carles Puigdemont bị bắt giữ là không cao, dù vậy, trong tình huống xấu nhất, nếu phải đối mặt với một phiên tòa, trên lý thuyết ông Carles Puigdemont hoàn toàn có thể lĩnh án 15 năm tù.
“Việc kết án ông Carles Puigdemont sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết không chỉ tại Catalonia mà còn trên toàn Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, ông Carles Puigdemont sẽ phải đối mặt với án tù tối đã là 15 năm. Án phạt cũng có thể áp dụng với các quan chức Catalonia tham gia bỏ phiếu ủng hộ khu tự trị độc lập với Tây Ban Nha”, bà Beatriz Hernández nói.
Tuy nhiên, bà Beatriz Hernández cũng lưu ý, dù có thể đối mặt với lệnh bắt giữ để điều tra và bị kết án, ông Carles Puigdemont cùng nhiều quan chức có liên quan đến việc Catalonia đòi độc lập đều đã bay sang Brussels. Dù ông Carles Puigdemont tuyên bố không tìm kiếm quy chế tị nạn tại Bỉ và sẽ sớm về Tây Ban Nha, nhiều khả năng ông sẽ chỉ làm như vậy nếu nhận được “một lời bảo đảm” từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha về tương lai của ông.
Ảnh: Catalonia và Tây Ban Nha đứng trước nguy cơ nội chiến?
3. Cuộc bầu cử ngày 21/12 tại Catalonia sẽ ra sao?
Theo bà Beatriz Hernández, cuộc bầu cử ngày 21/12 sẽ không giúp gì nhiều cho cuộc khủng hoảng tại Catalonia nếu xét đến tình hình chia rẽ nghiêm trọng trong khu vực. Ngay cả những người ủng hộ việc Catalonia đòi độc lập cũng bất đồng về việc cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 được tổ chức như thế nào cũng như việc có nên tiếp tục ủng hộ chính quyền địa phương đơn phương tuyên bố độc lập hay không.
Bà Beatriz Hernández cho rằng, “Chính quyền Madrid hy vọng cuộc bầu cử ngày 21/12 sẽ giúp làm giảm số lượng người Catalonia ủng hộ việc đòi độc lập và làm tăng số lượng người dân địa phương muốn ở lại với Tây Ban Nha.
Cũng theo bà Beatriz Hernández, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 1/10 cho thấy chỉ có 34% người dân Catalonia tham gia và chỉ có 38% trong số này bỏ phiếu đòi độc lập. Như vậy, “số người muốn độc lập chỉ là thiểu số”.
“Chúng ta chưa thể biết được kết quả của cuộc bầu cử ngày 21/12 sẽ như thế nào nhưng ít nhất, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 1/10 cũng là một tín hiệu tốt lành khi “đám đông im lặng” đã bắt đầu thể hiện sự ủng hộ của mình với một Tây Ban Nha thống nhất”, bà Beatriz Hernández kết luận./.
Chính phủ Tây Ban Nha và chính quyền Catalonia đối đầu trực tiếp