Từ 8 - 10/11, tại Paris diễn ra cuộc họp giữa Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và 60 Bộ trưởng Ngoại giao và Năng lượng các nước, chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21).

Hội nghị Thượng đỉnh COP21 tại Paris sẽ là cơ hội cho các quốc gia hàng đầu thế giới tìm cách ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP

Cuộc tổng diễn tập 

Chỉ cách COP21 hơn 3 tuần, hội nghị này, theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, được coi như một cuộc "tổng diễn tập", một "tiền Thượng đỉnh COP 21".

Đây là dịp để các Bộ trưởng, đại diện cho các nhóm thương lượng, bao gồm các nước phát khí thải chủ yếu, cũng như nhiều nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, đưa ra những đề xuất thỏa hiệp cụ thể nhằm tạo điều kiện đi tới thỏa thuận chung tại COP21.

Là nước chủ nhà của COP21, từ đầu năm, Pháp đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao để hội nghị thành công với một thỏa thuận chung "tham vọng và thiết thực", thay thế cho Nghị định thư Kyoto.

Tổng thống Pháp F. Holland đã mở đầu chiến dịch vận động cho COP 21 bằng chuyến thăm Philippines hồi tháng 2/2015. Đây là sự lựa chọn mang nhiều ý nghĩa, bởi Philippines là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, đồng thời lại có vị thế đang lên trên trường quốc tế bởi mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á (6,5%), một tiêu biểu của các nước đang phát triển, là nhân tố quan trọng thúc đẩy các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu. Với “Tuyên bố Manila”, Pháp đã thành công bước đầu trong việc kêu gọi những nỗ lực vì một thỏa thuận khí hậu mới.

Tiếp theo đó, COP21 có mặt trong hầu như tất cả chương trình nghị sự của các chuyến thăm các nước của Ngoại trưởng Fabius và nguyên thủ các nước tới Pháp. Hồi tháng 8, Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal đã thực hiện chuyến công du vận động một loạt các nước châu Phi. Pháp đặc biệt quan tâm tác động tới các nước lớn có nhiều ảnh hưởng như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...

Sự điều chỉnh thái độ của Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc, đồng thời cũng là hai nước có lượng khí thải CO2 (nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính) cao nhất thế giới, nhóm lên hy vọng thành công của COP21.

Với Mỹ, ngày 3/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố một kế hoạch lớn mang tên "Clean Power"- “Năng lượng sạch” từ nay đến năm 2030 giảm 32% khí thải CO2, cao hơn cam kết đưa ra trước đó là từ 26-28%. Đây là một quyết định khó khăn bởi tại Mỹ hiện có đến 40% năng lượng được sản xuất từ các nhà máy điện chạy than. 14 tiểu bang như Kentucky, Colorado hay Wyoming..., lượng điện sản xuất chủ yếu từ than đá.

Trung Quốc cho tới mãi gần đây, nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 6/2015 và chuyến thăm Trung Quốc ngày 2-3/11 của Tổng thống F. Holland, mới đưa ra hứa hẹn giảm 20%-25% năng lượng hóa thạch, giảm bớt 60%-65% nồng độ khí thải CO2 vào nội dung đóng góp cho COP21 và cam kết ủng hộ về nguyên tắc “một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý” tại hội nghị này.

Còn rất nhiều trở ngại để tiển tới một COP21 thành công

Theo quy định của Hội nghị COP20, để tạo thuận lợi cho việc đi tới thống nhất tại COP21, 195 nước thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC) phải chuẩn bị và bắt đầu từ 31/3 đến đầu tháng 10/2015 đệ trình Ban thư ký COP một bản “đóng góp”, phản ánh đầy đủ quan điểm và những cam kết của mình đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu. Cho tới nay, dù đã quá hạn, nhưng chỉ có 155 nước nộp đóng góp và có cam kết giảm khí thải CO2.

Vòng đàm phán gần đây nhất chuẩn bị cho COP21 tại Bonn (Đức) hồi cuối tháng 10 sa vào những tranh cãi nặng tính kỹ thuật và chính trị, kết thúc với một dự thảo thỏa thuận có độ dài lớn hơn dự kiến rất nhiều (55 trang). Bản dự thảo phản ánh nhiều sự khác biệt trong quan điểm và thái độ ứng xử với vấn đề biến đổi khí hậu giữa các nước, mâu thuẫn lớn giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển, cảnh báo nguy cơ khó đạt đồng thuận toàn cầu về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại COP21.

Một vấn đề cũng được bàn cãi nhiều là khoản tiền dự kiến 100 tỷ USD cho "Quỹ xanh", để hỗ trợ các nước dễ bị biến đổi khí hậu đe dọa nhất, chưa được các nước phát triển thực hiện nghiêm túc; những quy chế đóng góp và ràng buộc trách nhiệm với các thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC) trong thỏa thuận mới./.