Ấn Độ là nước đầu tiên nằm trong danh sách mua vũ khí của Nhật.
Có thể nói, trong thời gian qua, Nhật Bản và Ấn Độ có nhiều động thái tăng cường quan hệ song phương lên tầm chiến lược trong bối cảnh thế giới chứng kiến những sự trỗi dậy không ngừng của các thế lực mới trong khu vực.
Việc sẵn sàng xuất khẩu vũ khí tới Ấn Độ được dư luận cho là một phần trong tầm nhìn chiến lược của Nhật Bản nhằm giảm sự ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.
Nhật Bản từng chịu đựng sự hủy diệt khủng khiếp của bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Cho đến nay đất nước này chỉ sản xuất vũ khí để phòng vệ và thực hiện chính sách theo chủ nghĩa hòa bình liên quan đến xuất khẩu vũ khí. Trong những năm qua, Nhật Bản chỉ nhập khẩu các vũ khí cần thiết từ Mỹ thông qua sự chuyển giao công nghệ. Thế nhưng trong bối cảnh an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, Nhật Bản đang muốn phá vỡ tình trạng này.
Khu trục hạm lớp Murasame của Nhật (ảnh: Military Today) |
Để thực hiện mục tiêu trở thành nước lớn về quân sự, chính phủ Nhật Bản chủ trương dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí để tăng ngân sách quốc phòng nhằm hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là lực lượng không quân và hải quân nhằm tăng cường sự can dự, đối phó với mọi thách thức tại khu vực... Quyết định mời chào mua sắm vũ khí của Nhật Bản vừa qua bao gồm các thiết bị tác chiến điện tử, tàu tuần tiễu và các thiết bị công nghệ cao.
Vấn đề đáng chú ý ở đây là việc Nhật Bản chọn Ấn Độ là nước đầu tiên để bán các thiết bị quân sự đã cho thấy mối quan hệ hợp tác chiến lược ngày càng được tăng cường giữa hai nước. Quan hệ này không là kết quả của một sự tình cờ mà xuất phát từ sự cần thiết. Tình trạng bất ổn do nạn cướp biển ngày càng lan rộng (trong khi hai nước này lệ thuộc gần như hoàn toàn thương mại hàng hải), những đe dọa từ bán đảo Triều Tiên với các vụ thử hạt nhân, bắn tên lửa liên lục địa… đã dẫn hai nước đến chỗ có cùng quan điểm và lợi ích chiến lược chung. Nhưng đó chưa phải là những lý do chính yếu nhất khiến hai nước này sát lại gần nhau. “Sự trỗi dậy” mạnh mẽ của Trung Quốc với việc tăng cường sức mạnh quân sự của mình ở khu vực châu Á trong thời gian qua mới là lý do khiến cả Nhật Bản và Ấn Độ không thể “ngồi yên”.
Nhật Bản và Ấn Độ đều có những mối quan hệ “đầy trúc trắc” với người láng giềng Trung Quốc. Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc có thể soi chiếu qua lăng kính của các tranh chấp song phương trong lịch sử, nhất là tranh cãi dọc đường biên giới. Thêm vào đó, việc Trung Quốc thúc đẩy chiến lược “chuỗi ngọc trai” ở các nước ven bờ Ấn Độ Dương như Pakistan, xây dựng căn cứ quân sự cho tàu chiến viễn dương, muốn thâm nhập Ấn Độ Dương cũng khiến Ấn Độ không hài lòng.
Còn với mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, có thể nói đỉnh điểm của trạng thái căng thẳng giữa hai nước chính là tại thời điểm này khi tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang ngày một phức tạp, có nguy cơ đẩy hai nước vào một vòng xoáy mới. Rõ ràng, những diễn biến phức tạp trong khu vực đang góp phần tạo nên chất xúc tác mới cho quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản.
Ngoài câu chuyện mua bán vũ khí, vào cuối năm nay, lần đầu tiên, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tiến hành một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn. Ngoài ra các cuộc thảo luận cấp phái đoàn giữa lực lượng hải quân hai nước dự kiến cũng sẽ diễn ra tại Tokyo vào cuối tháng 11 tới. Tất cả những động thái này phản ánh thực tế cả Ấn Độ và Nhật Bản đều đang mong muốn có cái bắt tay chặt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc phòng nhằm gia tăng sự hiện diện quân sự và đối phó với mọi thách thức tại khu vực và quan trọng hơn là để tạo thế đối trọng với Trung Quốc.
Năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ-Nhật Bản, do đó có thể sẽ có rất nhiều sự kiện và hợp tác song phương giữa hai nước, vốn đã rất ấn tượng, có thể phát triển sâu rộng hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Sự tăng cường hợp tác giữa hai nước này không chỉ có ý nghĩa song phương mà chắc chắn còn ảnh hưởng tới tương quan giữa các nước lớn trong khu vực trong thời gian tới./.