Cách đây 3 năm, khi quân đội Iran bắt 10 thủy thủ Mỹ đi lạc vào vùng biển Iran, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã liên lạc với nhau chỉ sau vài phút và đạt được nhất trí về việc phóng thích các thủy thủ này chỉ vài tiếng sau đó.
Liệu một cuộc khủng hoảng tương tự hiện nay có thể giải quyết nhanh chóng như vậy?
Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: KKTV. |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters gần đây, Ngoại trưởng Iran Zarif đã đưa ra câu trả lời là “Không”.
Thực tế ông Zarif và đương kim Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chưa nói chuyện trực tiếp với nhau bao giờ cả, theo phái đoàn ngoại giao Iran tại Liên Hợp Quốc. Thay vào đó, hai người có xu hướng giao tiếp thông qua mạng xã hội Twitter và thông qua truyền thông.
Ông Zarif nói: “Ông Pompeo lúc nào nói chuyện về Iran cũng lăng mạ tôi… Vì sao tôi lại phải trả lời điện thoại của ông ta chứ?”
Thái độ không ưa nhau một cách công khai này giữa hai Ngoại trưởng khiến dư luận ngày càng quan ngại về tình trạng thiếu kênh đàm phán trực tiếp khiến cho khả năng đối đầu quân sự dễ xảy ra trong trường hợp có hiểu lầm hoặc sai sót nào đó.
Tháng 5 này, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã ra lệnh triển khai một nhóm tàu tấn công của tàu sân bay, các oanh tạc cơ và tên lửa Patriot tới Trung Đông. Ông nêu lý do là thông tin tình báo về khả năng Iran chuẩn bị tấn công các lực lượng và các lợi ích Mỹ.
Thượng nghị sĩ Mỹ Angus King cho rằng mối nguy hiểm về xung đột bất ngờ nổ ra đang tăng lên từng ngày và ông kêu gọi đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Iran.
Một quan chức châu Âu cấp cao cũng cho rằng điều thiết yếu là các quan chức Mỹ và Iran phải nói chuyện với nhau để ngăn ngừa sự cố bùng phát trở thành khủng hoảng.
Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus từ chối nói về cách chính quyền Mỹ sẽ giao tiếp với Iran trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tương tự sự cố năm 2016. Tuy nhiên bà này cho biết, “Khi đến thời điểm phải đàm phán, chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi có phương tiện để thực hiện được điều đó”.
Theo bà Ortagus, “chiến dịch gây sức ép tối đa” của chính quyền Mỹ là nhằm buộc lãnh đạo của Iran ngồi vào bàn đàm phán.
Phát ngôn viên này nói: “Nếu Iran sẵn lòng thay đổi cách cư xử của họ như một quốc gia bình thường thì chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với họ”.
Ngoại giao Twitter
Năm 2016, ông Kerry và ông Zarif biết rõ về nhau sau các cuộc đàm phán phức tạp để đạt được thỏa thuận năm 2015 về giới hạn năng lực hạt nhân của Iran.
Ba năm sau, vào năm 2019, mối quan hệ ngoại giao cấp cao giữa Mỹ và Iran đã tan vỡ sau khi chính quyền ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời siết chặt trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran, và gần đây thì lại gọi một bộ phận của quân đội Iran là nhóm khủng bố. Các quan chức quân sự Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại ngày càng lớn về việc Iran phát triển tên lửa chính xác và ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Syria, Iraq, Yemen...
Thiếu vắng đàm phán trực tiếp, mạng xã hội Twitter đã trở thành diễn đàn chung để giới chức Mỹ và Iran “lời qua tiếng lại”.
Hôm 22/5 cố vấn Hesameddin Ashena của Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đăng bằng tiếng Anh lên mạng Twitter lời chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Pompeo về việc Mỹ đã triển khai quân sự để khiêu khích Iran.
Trước đó Tổng thống Mỹ Trump đã đăng trên Twitter lời đe dọa sẽ “chấm dứt” Iran nếu nước này muốn đánh nhau.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hồi tháng 2 từng dùng lời lẽ nặng nề để chỉ trích Ngoại trưởng Iran Zarif và Tổng thống Iran Rouhani qua Twitter. Ông Zarif đáp trả, dùng mạng xã hội này để lên án ông Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton là bị “ám ảnh thuần túy về Iran”.
Các phương án của Mỹ
Các quan chức, nhà ngoại giao và nhà lập pháp Mỹ cho biết họ ngờ rằng Ngoại trưởng Iran Zarif sẽ từ chối nhận một cuộc gọi điện từ Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trong trường hợp nổ ra khủng hoảng.
Nhưng trong một cuộc họp báo gần đây, ông Pompeo có vẻ tự tin về khả năng kết nối liên lạc và đàm phán với Iran.
“Có nhiều cách để chúng tôi có thể thiết lập được một kênh liên lạc”, ông Pompeo nói.
Giới ngoại giao nói rằng Oman, Thụy Sĩ và Iraq là các quốc gia có mối liên hệ với cả Mỹ và Iran, và những nước này có thể giúp truyền thông điệp giữa 2 bên.
Iran đe dọa dùng vũ khí bí mật đánh chìm tàu Mỹ ở vùng Vịnh
Tuy nhiên, hạ nghị sĩ Mỹ Michael Waltz nói rằng ông thích đóng băng ngoại giao để ép Iran nghiêm túc đàm phán. Ông Waltz từng là cựu quan chức Lầu Năm Góc.
Trong khi đó cựu phó đô đốc Mỹ Kevin Donegan thì lại e ngại rằng cách gửi thông điệp gián tiếp qua trung gian như trên có thể sẽ rất lích kích trong bối cảnh khủng hoảng có thể diễn biến rất mau chóng.
Donegan, hiện giờ là cố vấn cao cấp cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cho rằng việc giao tiếp như trên đòi hỏi thời gian và sẽ không tạo cơ hội giảm leo thang tình huống căng thẳng ở cấp chiến thuật xảy ra mau lẹ.
Cả Donegan và Waltz đều cho rằng nếu giữa quân đội Mỹ và Iran có một hình thức đường dây nóng nào đó thì điều đó sẽ rất có ích nhưng Donegan và các chuyên gia khác hoài nghi việc Iran sẽ đồng ý với phương án này.
Kênh liên lạc thông qua Nga?
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, sau khi có thông tin tình báo về khả năng Iran chuẩn bị tấn công lực lượng và lợi ích Mỹ, phía Mỹ đã gửi thông điệp của mình tới Iran thông qua “một bên thứ 3”.
Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cũng đã nói với Quốc hội Mỹ vào hôm 8/5 rằng các thông điệp được gửi đi “để bảo đảm rõ ràng với Iran rằng chúng ta đã nhận rõ mối đe dọa và ở vào tư thế sẵn sàng đáp trả”.
Cụ thể, ông Waltz cho biết, tướng Dunford đã nói với giới lập pháp trong một phiên điều trần kín rằng ông đã gửi 1 thông điệp tới tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran Qassem Soleimani, cảnh báo ông này rằng Iran sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu một trong các lực lượng ủy nhiệm của Iran tấn công người Mỹ.
Một quan chức khác cho biết Mỹ đã để cho Iraq nói cho người Iran biết rằng không có khả năng phủ nhận về các cuộc tấn công vào quân Mỹ ở Iraq.
Joseph Votel, cựu tướng từng chỉ huy quân Mỹ ở Trung Đông cho đến tháng 3 vừa rồi, đã lưu ý vào đầu năm 2019 rằng quân đội Mỹ có thể gián tiếp gửi một thông điệp cho quân đội Iran thông qua một đường dây nóng đang tồn tại với Nga, dùng để tránh các xung đột ngẫu nhiên ở Syria.
Theo ông Votel, Iran có thể nói chuyện với Nga. “Chúng tôi có một kênh liên lạc chuyên nghiệp đã được thiết lập vững chắc với người Nga”.
Nhưng triển vọng dựa vào chính phủ Nga để đưa Mỹ thoát khỏi khủng hoảng với Iran là điều mà nhiều quan chức hiện nay và cựu quan chức Mỹ không tin tưởng lắm.
Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Obama, cho rằng đây là một sự lựa chọn rủi ro./.