Trong tuần qua, các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới (bao gồm Mỹ, Mexico, Canada) đạt được nhiều đột phá mới, với việc Mỹ và Mexico đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, Thỏa thuận thương mại 3 bên, có giá trị thương mại lên tới 1.000 tỷ USD, có nguy cơ thiếu vắng thành viên thứ 3 là Canada sau các cuộc đàm phán nhằm sửa đổi hiệp định này giữa Mỹ và Mexico kết thúc ngày 31/8 vừa qua mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (1/9) đã đe dọa gạt Canada ra khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nhấn mạnh: "Việc giữ Canada trong một thỏa thuận NAFTA mới không phải là điều bắt buộc về mặt chính trị. Nếu chúng ta không có được một thỏa thuận công bằng cho Mỹ sau hàng chục năm bị chèn ép, thì Canada sẽ bị gạt ra ngoài".
Tuyên bố đầy tự tin của Tổng thống Donald Trump đưa ra sau khi Mỹ và Mexico đạt một thỏa thuận đột phá về NAFTA và đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico, khiến Canada bị đẩy vào thế cô lập. Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray trước đó cũng ủng hộ quan điểm này khi cho rằng, Mexico sẽ tiếp tục thúc đẩy NAFTA với Mỹ kể cả khi không có Canada.
“Nếu vì một lí do nào đó, chính phủ Canada và Mỹ không thể đạt được nhận thức chung như giữa Mỹ và Mexico, sẽ có một thỏa thuận thương mại tự do giữa Mexico và Mỹ, độc lập với những gì được thảo luận trong các cuộc đàm phán với Canada. Tất nhiên, có sự tham gia của Canada là điều chúng tôi mong muốn. Tuy nhiên với việc Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận, câu hỏi hiện nay sẽ là đây là một thỏa thuận ba bên như chúng ta mong muốn hay là thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Mexico”, ông Videgaray nói.
Nhà Trắng sẽ còn 30 ngày trước khi trình văn bản đầy đủ của thỏa thuận mới với Mexico lên Quốc hội. Đây chính là thời gian để Mỹ và Canada nỗ lực giải quyết các bất đồng còn tồn đọng để có thể đi tới một NAFTA sửa đổi giữa ba bên. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Mỹ cảnh báo Thỏa thuận đạt được với Mexico khó có thể nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội nếu Canada bị loại trừ. Sự góp mặt của Canada được các nhóm kinh doanh tại Mỹ đánh giá cao.Tổng thống Trump cảnh báo Quốc hội không can thiệp vào đàm phán NAFTA
Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ nhấn mạnh, bất cứ thỏa thuận thương mại tự do nào mà thiếu đi sự hiện diện của Canada cũng sẽ không nhận được cái gật đầu của Quốc hội và sẽ mất đi sự hỗ trợ cần thiết. Trong một thông điệp gửi tới Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Quốc hội không nên can thiệp vào các cuộc đàm phán này.
Các quan chức Canada và Mỹ nhất trí sẽ có cuộc gặp tiếp theo vào ngày mùng 5/9. Trong ngày đàm phán cuối cùng giữa hai bên, các vấn đề về thị trường trứng, sữa Canada được cho vẫn là trở ngại chính và phía Canada chưa có dấu hiệu nhượng bộ.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho rằng, Canada đang nỗ lực để đưa ra bước tiến. Tuy nhiên Canada sẽ chỉ kí thỏa thuận nếu mang lại lợi ích cho Canada và người dân nước này. Mặc dù vậy, bà vẫn bày tỏ hi vọng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận.
“Đây là một thỏa thuận phức tạp và chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận. Như tôi đã nói, mục tiêu đó là làm mới và sửa đổi NAFTA theo hướng có lợi cho người dân Canada, người dân Mỹ và Mexico. Chúng tôi biết rằng, thỏa thuận có lợi cho các bên là hoàn toàn có thể đạt được và đó là điều mà chúng tôi đang nỗ lực hướng tới. Với sự linh hoạt và thiện chí từ tất cả các bên, tôi hi vọng chúng ta có thể đạt được kết quả”, bà Freeland nhấn mạnh.
Việc đạt được thỏa thuận NAFTA sửa đổi có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thời điểm hiện nay. Đây sẽ là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Trump trong cuộc chiến tranh thương mại mà ông đã phát động với nhiều đối tác thế giới bao gồm Mexico, Canada, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Chiến thắng này cũng mang lại uy tín cho Tổng thống Trump trong việc thực hiện các cam kết tranh cử, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ đang đến gần./.
Canada nối lại đàm phán NAFTA
Mỹ và Mexico đạt thỏa thuận thương mại hướng tới thay thế NAFTA