Mặc dù tuyên bố không có ý định làm trung gian hòa giải cho những bất đồng hiện nay, nhưng khó có thể phủ nhận những lợi ích mà Nga có thể nhận được trong chuyến thăm chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Nga tới Vùng Vịnh, kể từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra cách đây hơn 2 tháng qua.

lavrov_zczd.jpg
Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) và người đồng cấp Qatar Thani. Ảnh: Anadolu.

Trong chuyến thăm tới Kuwait, ông Lavrov ủng hộ sáng kiến của quốc gia này làm hòa giải cuộc khủng hoảng Arab giữa 4 quốc gia Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất với Qatar. Theo Ngoại trưởng Nga, sáng kiến của Kuwait có tác động tích cực đối với tình hình khu vực. Nga sẵn sàng hỗ trợ để đưa ra giải pháp có thể chấp nhận được đối với tất cả bên. Bên cạnh  đó, Ngoại trưởng Nga và các nhà lãnh đạo Kuwait cũng thảo luận những biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, tình hình Vùng Vịnh và các vấn đề quốc tế các bên cùng quan tâm. Trong chuyến thăm tới Vùng Vịnh, ông Lavrov cũng đến thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar.

Kể từ khi khủng khoảng ngoại giao Arab nổ ra, Nga luôn khẳng định vai trò trung lập đối với các bên trong cuộc khủng hoảng, hối thúc các nước thỏa hiệp để đảm bảo lợi ích hòa bình và ổn định khu vực.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Nga không vui khi chứng kiến mối quan hệ giữa các nước đối tác của mình đang trở nên xấu đi. Chúng tôi luôn mong muốn giải quyết bất cứ bất đồng nào thông qua đối thoại, có sự tôn trọng lẫn nhau”.

Không tuyên bố là nhà hòa giải hay tìm kiếm hòa bình, ông Lavrov cho biết, chuyến thăm đến Kuwait nhằm thực hiện các thỏa thuận đã kí trong chuyến thăm của Quốc vương Kuwait tới Nga cách đây 2 năm và các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Trong chuyến thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hôm qua,  ông Lavrov cũng nhấn mạnh vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thay vì cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh vừa qua. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov  - một quan chức cấp cao nhất của Nga tới Vùng Vịnh kể từ khi khủng hoảng nổ ra cho thấy những bước đi chiến lược của quốc gia này.

Trước hết, Nga đang cố gắng đảm bảo bất đồng xung quanh vấn đề Qatar không gây ra bất ổn tại Syria - nơi Nga đang nỗ lực thúc đẩy giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Qatar là quốc gia có ảnh hưởng lớn đến lực lượng đối lập Syria. Nếu giành được “thiện cảm” của Qatar qua chuyến thăm lần này thì điều đó sẽ giúp củng cố tiếng nói và vai trò của Nga không những tại Syria mà còn cả trong khu vực. Xung đột ngoại giao leo thang cũng có thể gây bất ổn đối với thị trường năng lượng, đặc biệt đến cam kết của Qatar trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC, ít nhiều tác động đến một nước xuất khẩu dầu lớn như Nga.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga cũng diễn ra vào thời điểm được đánh giá là “thích hợp”, sau những nỗ lực hòa giải ngoại giao không biết mệt mỏi của Mỹ, Liên minh châu Âu và Kuwait trong những tháng qua nhưng không đạt được bất cứ kết quả tích cực nào. Đặc biệt trong tháng này Qatar tuyên bố đưa Đại sứ trở lại Iran, đánh dấu một nấc thang căng thẳng mới với các nước Vùng Vịnh.

Thực tế nỗ lực hòa giải của các nước thời gian qua không thành công do những lợi ích chiến lược đan xen với các bên trong cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên với Nga- một quốc gia được đánh giá là có mối quan hệ tốt với cả Saudi Arabiavà Qatar sẽ thuận lợi và đáng tin cậy hơn.

Sau những nỗ lực hòa giải liên tiếp của các nước không đạt được hiệu quả, chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga đến Vùng Vịnh lần này nếu mang lại bất cứ kết quả cụ thể nào đó giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng sẽ một lần nữa khẳng định sức ảnh hưởng và vai trò của Nga trong khu vực. Và điều quan trọng hơn cả là vấn đề đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Nga trong khu vực. Cuộc khủng hoảng hiện nay là một cơ hội tốt để Nga tiến gần hơn với các đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực là Qatar hay Saudi Arabia, củng cố mối quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran và dần khẳng định vai trò không thể thiếu của Nga trong việc giải quyết các vấn đề xung đột nóng quốc tế./.