Đánh golf là môn thể thao ưa thích của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào dịp cuối tuần và khi có thời gian rảnh để xả stress và cũng là một trong những trò chơi mà ông từng sử dụng để tạo bầu không khí gần gũi, thân thiện với các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Tuy nhiên, ít người mong đợi sẽ được chứng kiến Tổng thống Trump xuất hiện trên sân golf cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi lãnh đạo hai nước có cuộc gặp tại Florida trong tuần này.
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng xa hoa Mar-a-Lago ở Palm Beach vào ngày 6-7/4.
Đây được cho là sự kiện định hình quan hệ của hai nước trong những năm tới. Trong tuyên bố xác nhận về cuộc gặp, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ “thảo luận về các vấn đề toàn cầu, khu vực, và song phương mà cả hai cùng quan ngại”.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để lãnh đạo hai nước có thể tìm kiếm mối quan hệ “gần gũi” hơn thông qua cuộc đấu trên sân golf, giống như những gì Tổng thống Mỹ trước đó từng áp dụng với các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vốn được biết đến như một người hâm mộ bóng đá chứ không phải người đam mê môn golf và bản thân ông cũng đang tiến hành một “cuộc chiến” chống lại môn thể thao này tại quê nhà.
Kể từ khi lên nắm quyền gần 5 năm trước, ông Tập Cận Bình đã cho đóng cửa rất nhiều sân golf trên khắp Trung Quốc. Ông Dan Washburn, tác giả của cuốn sách ‘Trò chơi bị cấm: Golf và Giấc mơ Trung Quốc’ nhận định: “Đối với Chủ tịch Trung Quốc, golf là một chủ đề nhạy cảm. Nó giống như biểu tượng của tham nhũng mà ông ấy muốn chống lại”.
Theo ông Dan Washburn, ông Tập Cận Bình đã dành không ít thời gian và công sức cho cuộc chiến chống tham nhũng và vì vậy, thật khó có thể tưởng tượng rằng, vị quan chức hàng đầu của Trung Quốc lại sẵn sàng tham gia vào trò chơi được gắn mác “dành riêng cho giới thượng lưu”.
Trò chơi của nhà giàu
Trên thực tế, kể từ năm 1949, golf đã bị cấm ở Trung Quốc vì những lý do khác nhau. Sau khi Trung Quốc tiến hành mở cửa, từ giữa những năm 1980, làn sóng phát triển sân golf nổi lên ở nước này, chủ yếu là để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, đã có nhiều ý kiến phản đối xen lẫn ủng hộ phát triển bộ môn thể thao golf ở Trung Quốc.Trung Quốc bất ngờ dịu giọng trước cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình
Đến năm 2004, Trung Quốc ban hành lệnh cấm mở các dự án sân golf mới trên toàn quốc để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh nước này đối mặt với nguy cơ thiếu nước và đất canh tác trầm trọng.
Tuy nhiên, các quan chức ở địa phương vì món lợi khổng lồ trước mắt từ việc bán đất đã thường xuyên phớt lờ lệnh cấm nói trên và chỉ đến khi ông Tập Cận Bình “siết lại” các quy định về phát triển sân golf, trật tự mới được lập lại.
Việc quản lý chặt các dự án sân golf được cho là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động nhằm xoa dịu sự bất mãn trong dân chúng trước đà phát triển kinh tế chậm lại và khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng.
Năm 2015, Trung Quốc đã ban hành một “bộ quy tắc ứng xử” trong Đảng, cụ thể hóa một loạt các hành vi bị cấm, trong đó có việc sử dụng công quỹ để chơi golf hay chi tiêu phung phí cho chiêu đãi và những chuyến đi nước ngoài.
Bộ quy tắc cũng yêu cầu thu phí thật cao đánh vào những người chơi golf. Với chi phí hàng nghìn USD/năm, để trở thành thành viên của một câu lạc bộ golf- vượt xa mức lương của hầu hết các quan chức nước này, thực chất đây cũng có thể hiểu là một lệnh cấm.
Sở thích chơi golf của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Ông Trump được coi là Tổng thống Mỹ "cầm gậy ra sân" sớm nhất sau khi nhậm chức, trong khi những người tiền nhiệm thì phải mất hàng tháng trời mới có thời gian rảnh rỗi để chơi golf. Phải 4 tháng sau khi nhậm chức, ông Obama mới đi chơi golf, trong khi ông George W. Bush (Bush con) là 5 tháng rưỡi.
Tổng thống Mỹ mời Thủ tướng Nhật Bản chơi golf khi ông Abe có chuyến thăm Mỹ hồi tháng 2/2017. (Ảnh: Reuters) |
Theo thống kê, sau khi ông Trump nhậm chức được 7 tuần, ông đã chơi golf đến 9 lần.
Ngoài những lần chơi golf "ngoại giao" như lúc đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 11/2, Tổng thống Trump còn nhiều lần chơi golf lúc rảnh rỗi.
Hôm 19/2, Tổng thống Trump chơi cùng tay golf nổi tiếng người Bắc Ireland - Rory McIlroy. Theo dự định ban đầu, hai người chỉ đánh vài lỗ, nhưng sau đó "cao hứng" chơi tất 18 lỗ. Siêu sao McIlroy sau đó bị chỉ trích và phải đăng đàn giải thích rằng: "Đó không phải sự ủng hộ hay tuyên bố chính trị gì. Đơn giản đó chỉ là chơi một trận golf".
Gần đây nhất, hồi cuối tháng 3 vừa qua, sự xuất hiện của ông Trump tại một câu lạc bộ golf Virginia đã gây ra làn sóng tranh cãi khi các trợ lý của Tổng thống Mỹ cho rằng, ông Trump đang làm việc tại Nhà Trắng vào cùng thời điểm người ta thấy ông trên sân golf.
Những nhà phê bình thậm chí còn cho rằng, ông Trump chỉ biết nói suông khi từng tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử hồi mùa hè năm ngoài rằng: “Tôi sẽ làm việc cho các bạn. Tôi sẽ không có thời gian để chơi golf”.Cuộc gặp Trung - Mỹ đầu tiên dưới thời ông Trump sẽ khó khăn
Ngoại giao bóng bàn có là giải pháp thay thế?
Cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng sau khi ông Trump cho rằng, cuộc gặp được nhiều người kỳ vọng giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ bao gồm nhiều vấn đề mà hai nước bất đồng như Triều Tiên, hay các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, có thể là một cuộc gặp “vô cùng khó khăn”.
Với việc ông Tập Cận Bình chắc chắn không hưởng ứng xuất hiện trên sân golf với Tổng thống Trump, hai nhà lãnh đạo sẽ cần phải tìm kiếm một “sợi dây kết nối khác” – có lẽ đó là một cái gì đó hấp dẫn trực quan nhưng không đòi hỏi quá nhiều về thể chất.
Đây rõ ràng là một nhiệm vụ khó khăn và có thể là ông Trump cần phải học tập kinh nghiệm từ cố Tổng thống Richard Nixon – người đã mời đội bóng bàn Trung Quốc đến Mỹ để thi đấu giao hữu, dẫn đến việc hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao./.Lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc đối thoại trực tiếp lần đầu tiên vào tuần tới