Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/1 cho rằng, 33 tỷ USD dành cho Pakistan đã không phát huy được hiệu quả trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, ngầm ám chỉ khả năng sẽ cắt viện trợ cho một trong những đồng minh chủ chốt tại khu vực.Quân đội Pakistan. Ảnh: Indian Defence Review.
Trong phát biểu chính trị đầu tiên của năm 2018 được đăng tải trên trạng mạng cá nhân Twitter, ngay sau lời chúc mừng năm mới gửi tới hơn 45 triệu rưỡi người theo dõi, Tổng thống Donald Trump cho rằng, Mỹ đã “dại dột” khi quyết định chi tới 33 tỷ USD viện trợ cho Pakistan trong 15 năm qua và cái nhận được chỉ là “sự lừa dối”, coi các nhà lãnh đạo Mỹ như “những kẻ ngốc”.
Nhắc lại lập trường từng được đề cập trong bài phát biểu công bố chiến lược mới tại Afghanistan hồi giữa năm ngoái, ông Donald Trump tiếp tục chỉ trích Pakistan cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố mà Mỹ và các đồng minh đang săn lùng ở Afghanistan và cho rằng, tình trạng này là không thể tiếp diễn.
Không lâu sau dòng Twitter của ông Donald Trump, các quan chức chính phủ Pakistan đã ngay lập tức có phản ứng khi cho rằng, họ đã làm nhiều việc cho Mỹ, giúp "xóa sổ" tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda trong khi cái nhận lại chỉ "những lời trách móc và sự nghi ngờ".
Đây không phải là thông tin gây bất ngờ, bởi ngay tuần trước, Thời báo New York đưa tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét “rất cẩn trọng” khả năng giữ lại khoản viện trợ 255 triệu USD cho Pakistan vốn đã bị trì hoãn do thất bại trong việc loại bỏ các nhóm khủng bố ở nước này. Và càng không bất ngờ, nếu nhìn lại mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan thời gian qua. Trong suốt 8 năm cầm quyền của mình, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhiều lần chỉ trích “tính hai mặt” của Pakistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là đối với nhóm phiến quân Taliban tại quốc gia láng giềng Afghanistan mà Mỹ đang hỗ trợ truy quét từ năm 2001.
Tuy nhiên, mối quan hệ này không hề được cải thiện mà thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong phát biểu công bố chiến lược an ninh quốc gia mới hồi tháng 12/2017, người đứng đầu nước Mỹ từng cảnh báo sẽ không giúp đỡ Pakistan nữa khi đặt ra câu hỏi liệu việc Mỹ dành các khoản tài chính khổng lồ hàng năm cho Pakistan có mang lại lợi ích?
Hay trong chuyến thăm bất ngờ tới Afghanistan cũng trong tháng 12 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định trước các lực lượng quân đội Mỹ rằng, Tổng thống Donald Trump “đang quan sát” Pakistan. Ông Pike nói: “Mỹ không sẽ phớt lờ những mối nguy cơ mà các bạn phải đối mặt, nhất là khi chúng lại xuất hiện từ phía bên kia bên giới của Afghanistan. Pakistan đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho Taliban và nhiều tổ chức khủng bố trong một thời gian quá dài và tình trạng này sẽ không thể tiếp tục.”
Pakistan triệu đại sứ Mỹ vì phát biểu của Tổng thống Donald Trump
Tuy nhiên điều khiến dư luận bất ngờ là thời điểm đưa ra những tuyên bố này cho thấy, Pakistan sẽ là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm 2018 này. Hơn hết những lời lẽ được đánh giá là “khá nặng nề” mà người đứng đầu nước Mỹ dành Pakistan cũng phần nào cho thấy mức độ không hài lòng ngày càng tăng của Mỹ đối với một trong những nước đồng minh chủ chốt tại khu vực này.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ “đồng sàng dị mộng” giữa Mỹ và Pakistan về thực chất đã đứng trên bờ vực đổ vỡ sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ tự ý tiến hành vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan hồi tháng 5/2011. Đối với Mỹ, đây như một cách để "nhắc nhở" Pakistan rằng,Mỹ sẵn sàng hành động và có thể hành động đơn phương một khi hành động đó bảo vệ được lợi ích của nước Mỹ.
Dẫu vậy, các lợi ích và quan tâm chung đã khiến cả hai nước dù "bằng mặt nhưng không bằng lòng" về nhau đã phải gác lại những hiềm khích để mối quan hệ không bị đẩy tới bước đổ vỡ hoàn toàn. Pakistan vẫn cần sự ủng hộ của Mỹ, cả về vật chất lẫn "chiếc ô" an ninh để phát triển đất nước, trước mắt là vực dậy nền kinh tế đang giảm sút và đối phó tình trạng bạo lực tràn lan.
Còn Mỹ muốn sử dụng "lá bài" Pakistan trong "ván cờ chiến lược" nhằm xoay trục an ninh sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước mắt là hoàn tất quá chiến lược mới tại Afghanistan. Và hơn hết yếu tố chính chi phối mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan vẫn là kho vũ khí hạt nhân của Pakistan, mà các nước đối tác, đặc biệt là Mỹ không hề muốn bị rơi vào tay các nhóm cực đoan./.