Ngày 23/3, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – nhóm người Kurd được Mỹ hậu thuẫn tuyên bố đã loại bỏ được hoàn toàn cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo”, giành lại toàn bộ lãnh thổ bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng.

is_ylvj.jpg
Các tay súng IS. Ảnh: spiked-online.

“Đây là một chiến thắng không chỉ cho chúng tôi mà cho cả thế giới”, Adnan Afrin - một chỉ huy của SDF nói với NPR.

Trước đó, hôm 22/3, trong chặng hành trình tới Florida trên chiếc Air Force One, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo rằng phiến quân IS đã bị đánh bật hoàn toàn khỏi lãnh thổ của cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” ở Syria.

Bà Sanders cũng nói thêm rằng, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã thông báo tóm tắt tình hình tới Tổng thống Mỹ Donald Trump và thông tin cụ thể, chi tiết sẽ được Lầu Năm Góc cung cấp cho báo giới.

Tuy nhiên, một vị quan chức của Lầu Năm Góc sau đó nói với phóng viên của NPR rằng thông báo của Tổng thống về những diễn biến mới nhất ở Syria đã khiến Bộ Quốc phòng bị “bất ngờ”. Phóng viên Ruth Sherlock của NPR có mặt ở Beirut, Lebanon cũng cho hay, lực lượng Mỹ trực tiếp tham chiến chống lại IS trên thực địa bị bất ngờ trước thông báo sớm nói trên.

Tổ chức IS từng có thời điểm kiểm soát diện tích lãnh thổ rộng lớn ở Syria và nước láng giềng Iraq tương đương với diện tích của Vương quốc Anh. IS chiếm giữ các thành phố lớn như Mosul và Raqqa với số dân lên đến hàng triệu người.

Tổ chức khủng bố này đã áp dụng luật lệ độc đoán để cai trị những vùng đất chúng chiếm được, công khai chặt đầu những người chống đối. Ngoài ra, IS cũng bố trí chân rết để tuyển thêm các chiến binh, tuyên truyền, kích động các cuộc tấn công nhằm vào các nước phương Tây.

Mỹ đã dẫn đầu cuộc chiến chống IS dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tổng thống Trump kế thừa những gì chính quyền cũ để lại và gia tăng nỗ lực để đẩy mạnh cuộc chiến. Tuy nhiên, dường như chính việc muốn nhanh chóng “dứt điểm” mà ông Trump đã đưa ra một số tuyên bố gây nhiều tranh cãi.

Ngày 19/12/2018, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng ông đã quyết định rút toàn bộ 2.000 lĩnh Mỹ khỏi Syria vì IS đã bị đánh bại. Sau đó, ông “chữa” lại tuyên bố của mình bằng việc cho biết, sẽ có 400 lính Mỹ tiếp tục ở lại. Hôm 15/2 vừa qua, ông Trump tiếp tục khẳng định IS sẽ bị đánh bại trong vòng 24 giờ.

Không phải sau đó một ngày, phải đến ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đưa ra tuyên bố rằng IS đã bị đánh bại 100% tại Syria. Ông Trump đưa ra tuyên bố này và minh họa cho các phóng viên bằng 2 tấm bản đồ, 1 tấm thể hiện IS từng chiếm đóng một khu vực lớn, trong khi tấm còn lại cho thấy IS không còn hiện diện tại Syria.

“Đã từng có IS tại đây và đây là những gì họ có lúc này”, ông Trump nói, chỉ tay vào 2 bản đồ.

Tuyên bố về sự thất bại của “Vương quốc Hồi giáo” đã được đưa ra và dưới đây là 5 điều cần lưu ý sau diễn biến này:

IS chưa bị đánh bại hoàn toàn

Các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn đã chiếm lại gần như toàn bộ các khu vực nhỏ ở Syria bị IS kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều chiến binh IS được cho là đã trà trộn vào các cộng đồng địa phương. Theo ông Russ Travers, Phó Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia, ước tính có khoảng 14.000 tay súng IS vẫn đang ở Syria và Iraq.

Hơn nữa, hệ tư tưởng của IS vẫn còn khá mạnh mẽ và tiếp tục truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công ở châu Âu và Afghanistan. Ít có khả năng IS còn đủ sức chỉ huy các cuộc tấn công khủng bố trên toàn cầu nhưng những vụ tấn công quy mô nhỏ, đơn lẻ có sự ảnh hưởng của tổ chức này vẫn là mối đe dọa thường trực.

Quân đội Mỹ sẽ ở lại Syria

Khoảng 200 lính Mỹ sẽ ở lại khu vực phía Đông Bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, 200 quân còn lại sẽ đồn trú ở al –Tanf gần biên giới với Iraq. Giới chức quân sự Mỹ nói rằng, mục đích duy trì quân đội ở Syria là nhằm mục đích giám sát và chống khủng bố. Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, Mỹ muốn bảo vệ các đồng minh người Kurd của họ trước mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara đã không ít lần lên tiếng đe dọa sẽ tấn công các nhóm vũ trang người Kurd ở Syria – lực lượng mà họ coi là khủng bố.

Số phận bấp bênh của những người có liên quan đến IS

Cuộc sống của vợ, con hàng nghìn chiến binh IS hoặc những người có liên quan đến IS hiện đang trong tình trạng bấp bênh, một số thậm chí bị ngược đãi. Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chỉ riêng ở miền bắc Iraq – một góc nhỏ của cuộc chiến, người Kurd đang giam giữ khoảng 1.500 trẻ em dưới 18 tuổi, nhiều người trong số đó bị bị tra tấn.

Số phận của hàng nghìn công dân phương Tây từng đứng trong hàng ngũ IS và những người liên quan hiện cũng là dấu hỏi lớn. Có khoảng 1.800 phụ nữ và trẻ em từ châu Âu và một số khu vực khác đang bị giam cầm trong các nhà tù ở Đông Bắc Syria. Bản thân các quốc gia liên quan cũng ngần ngại trong việc đưa công dân của họ trở về bởi không biết phải làm gì với các đối tượng này.

Syria và Iraq vẫn bất ổn

Những điều kiện hiện nay ở Iraq và Syria vẫn được cho là môi trường thuận lợi cho xung đột và nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan. Chiến tranh đã phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng ở hai quốc gia này, đẩy hàng triệu người vào cảnh vô gia cư, phải sống trong các trại tị nạn. Một cuộc “đại tái thiết” là nhu cầu cấp thiết nhưng như ở Syria, hiện các bên liên quan chưa hề có kế hoạch nào để làm điều đó.

Nhiều ý kiến đổ lỗi Mỹ và những tay súng do họ hậu thuận thậm chí còn gây thiệt hại nhiều hơn cả IS. Ở Iraq, những người Hồi giáo dòng Sunni nói rằng họ bị phiến quân nổi dậy dòng Shiite lạm dụng trả thù vô cớ khi coi họ là đồng phạm với những kẻ cực đoan đứng trong hàng ngũ IS. Những nạn nhân đương nhiên muốn trả thù. Nên nhớ, mâu thuẫn sắc tộc chính là một trong những yếu tố IS tập trung khai thác khi tổ chức này bắt đầu nổi lên và đánh chiếm các thành phố lớn ở Iraq và Syria.

Thủ lĩnh IS Baghdadi còn sống hay đã chết

Số phận của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi cho đến nay vẫn là dấu hỏi lớn. Thông tin Baghdadi bị tiêu diệt đã xuất hiện đến cả chục lần nhưng vẫn chưa một lần được xác thực. Năm 2017, một nhà lập pháp Nga cho biết, cuộc không kích của máy bay Nga “gần như 100%” đã giết chết Baghdadi.

Tuy nhiên, các quan chức quân đội Mỹ tin rằng, Baghdadi vẫn còn sống và đang ẩn náu trong khu vực sa mạc gần biên giới Syria-Iraq dựa trên các thông tin tình báo và lấy cung các tù nhân IS. Tháng 8 năm ngoái, IS đã phát hành một bản ghi âm giọng nói được cho là của Baghdadi nhưng kể từ đó đến nay chưa có thêm bất kỳ thông tin nào về nhân vật này./.