Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/9 đã đạt được thỏa thuận thiết lập khu vực phi quân sự tại tỉnh Idlib của Syria để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cơ quan y tế do Liên Hợp Quốc dẫn đầu cảnh báo rằng, 700.000 người có thể phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn nếu chính phủ Syria phát động chiến dịch tấn công quy mô lớn giành quyền kiểm soát Idlib- sào huyệt cuối cùng của phiến quân và phe đối lập.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gặp nhau tại Sochi ngày 17/9. Ảnh: AFP. |
Thỏa thuận của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã được truyền thông Arab khen ngợi vì góp phần ngăn chặn một cuộc chiến đẫm máu. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn hoài nghi liệu thỏa thuận có giúp mang lại hòa bình lâu dài cho Syria hay không.
Bước đột phá về mặt ngoại giao
Theo thỏa thuận, tất cả các loại vũ khí hạng nặng, kể cả xe tăng, pháo binh sẽ phải rút khỏi khu vực này trước ngày 10/10 như một phần trong nỗ lực giải quyết bế tắc. Các nhóm chiến binh cực đoan, trong đó có cả tổ chức khủng bố Hay’at Tahrir al-Sham (có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda) sẽ phải hạ súng và rút lui. Khu vực này sẽ được kiểm soát gắt gao bởi lực lượng tuần tra của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng thông tấn SANA của Syria cho biết, chính phủ Syria đã hoan nghênh thỏa thuận tạo ra vùng đệm phi quân sự tại tỉnh Idlib, đồng thời nói rằng đây là sản phẩm của “các cuộc tham vấn chuyên sâu” và “sự hợp tác chặt chẽ” giữa Nga và Syria. Chính phủ Iran cùng gọi đây là “một chiến thắng về mặt ngoại giao”.
Tờ al-Watan ủng hộ chính phủ Syria cho rằng, thỏa thuận sẽ giúp trả lại Idlib cho chính phủ Syria, chấm dứt “hành vi xâm lược mà Mỹ và các đồng minh đang chuẩn bị thực hiện” và tạo cơ hội cho các cơ quan nhà nước của Syria trở lại Idlib sau khi những tay súng đối lập nơi đây giao nộp vũ khí.
Ông Jamil al-Sayyed, thành viên của Quốc hội Lebanon, đồng thời là người ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad khẳng định: “Chính phủ Syria và các đồng minh đã giành được các mục tiêu của họ mà không cần phải thực hiện một cuộc chiến quân sự”. Theo ông, Mỹ muốn cuộc tấn công diễn ra để khai thác lợi ích từ đó, nhưng khu vực phi quân sự sẽ đẩy lùi khủng bố vào “một góc nhỏ” tại Idlib và đảm bảo an toàn cho người dân.
Vẫn nhiều hoài nghi và mâu thuẫn
Tuy nhiên, chính phủ Syria dường như vẫn hoài nghi về sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận này, bởi Thổ Nhĩ Kỳ trước đây từng hậu thuẫn phe đối lập chống lại Tổng thống Bashar Al-Assad. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Al-Jadeed, Đại sứ Syria tại Lebanon Ali Abdul Karim nhấn mạnh, thỏa thuận hiện giờ là phép thử để xem liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể giải giáp vũ khí của các nhóm cực đoan tại tỉnh Idlib hay không. “Chúng tôi không thực sự tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thỏa thuận rất hữu ích đối với Thổ Nhĩ Kỳ, giúp nước này có thể giải giáp vũ khí của các nhóm cực đoan”.
Ông Victor Shalhoub, cây bút của tờ al-Jadeed nhấn mạnh, theo lịch trình của thỏa thuận, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hành động nhanh chóng: “Thời gian thực hiện thỏa thuận chưa đầy một tháng và điều này không đủ để sơ tán hàng nghìn tay súng cùng vũ khí của họ ra khỏi Idlib”. Theo đánh giá của người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Mỹ, tướng Joseph Dunford, có khoảng 20.000 đến 30.000 phiến quân bên trong Idlib.
Trong khi đó, lực lượng đối lập Syria hy vọng thỏa thuận sẽ dẫn đến việc Idlib không được bàn giao trực tiếp cho chính phủ Syria. Điều này trái ngược với lời nhận xét trên tờ al-Watan cho rằng, các cơ quan nhà nước sẽ trở lại Idlib một khi phe đối lập đầu hàng.
Phát biểu với hãng tin Reuters, ông Jamil al-Sayyed, quan chức thuộc Quân Đội Tự do Syria (FSA) đối lập cho biết: “Thỏa thuận về Idlib giúp bảo vệ tính mạng của người dân và nhắm trực tiếp vào chính phủ Syria. Nó chấm dứt giấc mơ giành toàn quyền kiểm soát lãnh thổ quốc gia của Tổng thống Assad. Khu vực này sẽ vẫn nằm trong tay của FSA và điều đó sẽ buộc chính phủ Syria cùng lực lượng ủng hộ phải bắt đầu một lộ trình chính trị nghiêm túc, dẫn tới sự chuyển đổi thực sự, trong đó chấm dứt vai trò cầm quyền của ông Assad”.
Trận tử chiến cuối cùng tại chảo lửa Idlib, Syria: Ai là bên quyết định?
Ai có lợi?
Một số chuyên gia đặt câu hỏi về việc tại sao Nga ký kết thỏa thuận khi trước đó nước này khẳng định giúp chính phủ Syria giành lại Idlib từ tay khủng bố. Trả lời cho câu hỏi này, ông Aron Lund, chuyên gia về Syria nhận định, nhìn chung thỏa thuận có lợi cho phía Nga hơn.
Bên cạnh việc tạo ra những thay đổi trên thực địa, thỏa thuận còn giúp Nga tránh làm tổn hại quan hệ đối tác chiến lược quan trọng của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ và giành được những mục tiêu riêng tại Syria. “Nga không ưa phe nổi dậy tại Idlib và muốn giúp ông Assad giành được chiến thắng lịch sử, nhưng Nga cũng có những động cơ mạnh mẽ để xây dựng quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga tại Ankara, ông Timur Akhmetov cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ dường như sẽ phải gánh trách nhiệm nặng nề hơn. “Thổ Nhĩ Kỳ duy trì cam kết của nước này với tiến trình đàm phán hòa bình về Syria tại Astana và tiếp tục hỗ trợ các vấn đề liên quan. Nước này cũng đảm nhận trách nhiệm ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố nhằm vào các căn cứ quân sự của Nga. Trên thực tế, Ankara không chỉ gánh trách nhiệm giúp Idlib và phe đối lập khỏi một cuộc giao tranh lớn mà còn chịu nhiều rủi ro khi phải chống lại các nhóm cực đoan”.
Thỏa thuận này giải quyết một số vấn đề hiện tại của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga mong muốn dừng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ Hmeimim của nước này tại Latakia và đề xuất thiết lập vùng phi quân sự có thể giúp nước này đạt được mục tiêu theo cách này hay cách khác. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có nhiều trạm quan sát quân sự tại Idlib muốn trì hoãn cuộc tấn công của chính phủ Syria để giúp nước này có thêm thời gian đối phó với các nhóm cực đoan và ngăn chặn làn sóng tị nạn đổ về khu vực biên giới.
Giải pháp lâu dài cho Syria?
Thỏa thuận thiết lập khu vực phi quân sự tại Syria mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ được xem là bước đi đầu tiên trong việc giải quyết vấn đề tại Idlib – vốn ngày càng trở nên phức tạp hơn trong vài năm qua. Nhiều thách thức, gồm cả ngoại giao lẫn quân sự vẫn còn hiện hữu.
Quan trọng nhất là câu hỏi Nga có thể thành công trong việc kiềm chế các nỗ lực giàm quyền kiểm soát Idlib của chính phủ Syria trong thời gian bao lâu và liệu Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn sàng thực hiện các cam kết mang tính nhạy cảm về an ninh mà nước này đưa ra? Cuối cùng là câu hỏi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm thế nào để phân tách phe đối lập ôn hòa với các nhóm cực đoan mà không gây ảnh hưởng đến người dân và đe dọa an ninh của Syria về lâu dài?.
Phát biểu với hãng tin Tân Hoa Xã, chuyên gia nghiên cứu về Syria Osama Danura cho rằng, sẽ khó có thể thành lập khu phi quân sự lâu dài tại tỉnh Idlib. “Tôi cho rằng giải pháp này chỉ là tạm thời, không mang tính lâu dài và toàn diện”. Thỏa thuận do các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí chỉ giúp trì hoãn cuộc chiến giữa quân đội Syria và phe đối lập, cũng như tạo thêm thời gian cho Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với các lực lượng cực đoan tại Idlib. Ông nhấn mạnh, chính phủ Syria sẽ không chấp nhận sống chung với “khủng bố” tại Idlib và do đó tình hình tại Idlib sẽ khó có thể bình ổn như hiện tại trong một thời gian dài.
Dẫu còn nhiều hoài nghi, nhưng giới phân tích cho rằng điều quan trọng là thỏa thuận mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được đã ngăn ngừa được một thảm họa nhân đạo và một cuộc giao tranh đẫm máu tại Idlib. Các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận rằng thỏa thuận thiết lập khu phi quân sự tại Syria dù chỉ là tạm thời, nhưng trước mắt nó giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất có thể phủ bóng đen lên quan hệ tương lai của cả hai nước./.
Chiến sự nóng Syria: Thổ Nhĩ Kỳ có ngăn được đòn sấm sét giáng vào Idlib?