Theo giới quan sát, một trong những mục tiêu của Nga khi can dự quân sự trực tiếp vào Syria đó là hóa giải bất đồng với phương Tây đang ở mức thấp nhất từ sau chiến tranh lạnh sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra.

Theo các nguồn tin tại Lebanon, hàng trăm binh lính Iran đã đến Syria để tham gia chiến dịch trên bộ hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi hôm qua, tuyên bố sẵn sàng ủng hộ các cuộc không kích của Nga trên lãnh thổ nước này đối phó với IS. Những dấu hiệu này cho thấy cuộc nội chiến Syria đang chuyển sang qui mô khu vực và toàn cầu.

syria_xali.jpg
Thành phố Aleppo, Syria bị đánh bom tan hoang. (ảnh: Reuters)

Chuyên gia phân tích Alexander Baunov thuộc Viện nghiên cứu chiến lược tại Moscow cho rằng, Nga có lợi ích khi quyết định tham gia vào cuộc chiến tại Syria. Nước này có thể đang tìm cách hóa giải bất đồng giữa phương Tây bằng việc tham gia vào chống kẻ thù chung IS. Mặc dù bày tỏ khá thận trọng nhưng Mỹ, Anh và Pháp đều lên tiếng ủng hộ quyết định của Nga không kích nhằm vào mục tiêu IS tại Syria.

Ông Baunov cho rằng, có nhiều khả năng Nga và phương Tây sẽ tham gia vào một lực lượng chống IS: “Đối với Nga, một trong những mục tiêu can dự vào Syria đó là ủng hộ đồng minh và hóa giải bất đồng với phương Tây. Nếu Nga bắt đầu không kích chống IS,  thì nước này và Mỹ đã  bắt đầu hành động chống kẻ thù chung mặc dù không có thỏa thuận . Tôi thấy phản ứng của phương Tây đối với hành động của Nga tại Syria một mặt khá thận trọng, nhưng mặt khác cũng không lên án quyết liệt.”

Tuy nhiên một trong những điều dư luận lo ngại hiện nay đó là cùng mục tiêu chung chống IS, nhưng cách tiếp cận khác nhau giữa Nga và Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria có thể khiến cuộc chiến chống IS trở nên không hiệu quả. Mỹ và các đồng minh cho rằng, Tổng thống Assad cần phải từ chức trong bất cứ một giải pháp hòa bình nào.

Trong khi đó, Nga ủng hộ Tổng thống Assad và cho rằng chính phủ Syria nên là trung tâm nỗ lực quốc tế chống IS. Mỹ và các nước phương Tây lo ngại Nga đang tận dụng chiến dịch quân sự tại Syria để hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Assad đối phó với lực lượng đối lập.

Bảo vệ quyết định của mình, Tổng thống Nga Putin hôm qua khẳng định, mục tiêu của Nga can thiệp quân sự vào Syria là chống các tổ chức khủng bố và không gây thương vong cho dân thường.

Ông Putin nói: “Các nước khác đang tiến hành không kích trên lãnh thổ Syria hơn 1 năm qua mà không có nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và không nhận được yêu cầu của chính quyền Syria. Chúng tôi lại nhận được những yêu cầu như vậy  từ chính quyền Syria. Nga có mục tiêu khi can thiệp quân sự vào Syria là chống các tổ chức IS”.

Các quan chức quốc phòng Nga và Mỹ hôm qua cũng có cuộc thảo luận nhằm đảm bảo an toàn cho chiến dịch tại Syria, tránh những đụng độ có thể xảy ra giữa hai bên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook cho biết: “Cuộc họp này là bước đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ  nhất trí đầu tuần này để tránh đụng độ xảy ra . Mỹ cũng đưa ra đề xuất nhằm tăng cường an toàn và tránh đụng độ có thể xảy ra trong chiến dịch quân sự tại Syria, có thể làm leo thang căng thẳng giữa các bên. Phía Nga cũng đưa ra ý tưởng của mình. Hai bên nhất trí xem xét đề xuất và sẽ đưa ra phản hồi trong những ngày sắp tới”.

Nga không kích Syria là quyết định can thiệp quân sự lớn nhất của nước này tại Trung Đông trong nhiều thập kỉ. Có nhiều phản ứng khác nhau trước động thái của Nga. Tuy nhiên, rõ ràng bước đi của Nga được đánh giá đúng thời điểm khi cuộc chiến chống IS của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu kéo dài hơn 1 năm qua nhưng chưa đạt được kết quả.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang bị đình trệ do cuộc khủng hoảng Ukraine , sự tham dự của Nga vào cuộc chiến chống mục tiêu chung IS có thể là “ cú hích” thúc đẩy quan hệ song phương. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến này không đơn thuần chỉ là chống IS như phương Tây lo ngại hay không có sự phối hợp giữa các bên liên quan, khi đó xung đột tại Syria không chỉ là một cuộc nội chiến mà sẽ trở thành một cuộc xung đột khu vực và quốc tế./.