Chiến dịch không kích liên tục của Nga tại Syria bắt đầu từ ngày 30/9 đến nay có thể được xem là một chiến thắng của Nga trước phương Tây. Những đợt không kích dồn dập do phi công thiện chiến Nga thực hiện, động thái bất ngờ sử dụng tên lửa hành trình với độ chính xác cực cao, và sự phối hợp với lực lượng quân đội Syria trên mặt đất mà báo chí Nga phản ánh đã cho thấy tính hiệu quả so với chiến dịch kéo dài hơn 1 năm qua của liên minh do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria.
Ngay từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria, phương Tây cũng lập tức lên án sự can thiệp của Nga vào cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này, đồng thời tuyên bố không hợp tác với Nga. Bên cạnh đó, cả Moscow và phương Tây đều đang cố giành chiến thắng trong cuộc chiến truyền thông.
Su-25 của Nga tham gia không kích IS tại Syria. Ảnh: Sputnik |
Lý do nào khiến Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria?
Theo các chuyên gia, việc Moscow can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Syria có vẻ như là một giải pháp bắt buộc. Sau khi mất quyền kiểm soát các mỏ dầu và không còn nhận được sự ủng hộ từ bên ngoài, chính quyền của ông Assad đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Ngay cả viện trợ quân sự từ Nga và sự giúp đỡ của Iran cũng không đủ giúp ông Assad lật ngược tình thế.
Bên cạnh đó, mặc dù những đối thủ của ông Assad [gồm cả IS và các phe phái đối lập khác tại Syria] thường xuyên đấu đá với nhau nhưng điều đó cũng không giúp quân đội chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực trọng điểm. Quân đội chính phủ Syria đã bị tổn thất nặng nề và lãnh thổ do chính phủ al-Assad kiểm soát đang bị co lại.
Mặt khác, dù mọi sự chú ý đang đổ dồn vào "cơn lũ" người tị nạn đang đổ về châu Âu nhưng cũng không nên quên rằng hiện đang còn rất nhiều người Syria đang phải chạy nạn ngay trên đất nước của họ. Chính phủ Syria hiện đang phải trợ giúp cho khoảng 3,5 triệu người phải dời bỏ nhà cửa của họ do cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại nước này. Chính vì vậy, chiến thắng cho chính quyền Syria hiện tại cũng sẽ giúp một phần lớn các nạn nhân trở về nhà của mình và giảm bớt gánh nặng cho chính phủ.
Bản thân Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp với Tổng thống Syria al-Assad khi ông này có chuyến thăm đến Moscow tối 20/10 vừa qua cho rằng, Nga buộc phải hành động ở Syria bởi mối đe dọa từ tổ chức khủng bố IS đặt ra đối với an ninh của chính nước Nga.
Ông Putin bày tỏ lo ngại rằng, ít nhất 4.000 tay súng là công dân thuộc các nước Liên Xô cũ đang chiến đấu cho IS tại Syria. Ông Putin cũng cho biết sẽ không cho phép chúng quay trở lại Nga sau khi đã trải qua kinh nghiệm chiến trường và bị "nhồi sọ" bằng những tư tưởng cực đoan.
Quân đội Syria chiến đấu với IS tại tỉnh Latakia. Ảnh: Tass |
Vì sao chiến dịch không kích của Nga tại Syria được coi là thành công?
Mỗi khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo kết quả đạt được trong chiến dịch không kích IS tại Syria, câu hỏi thường được đặt ra là làm thế nào một lực lượng tương đối nhỏ [của không quân Nga] lại có thể làm được điều này trong khi phương Tây không thể làm điều tương tự ở Iraq và Syria?
Theo các chuyên gia, câu trả lời đơn giản là phương Tây đang hoạt động trên vùng đất không được “thân thiện”. Tại Syria, NATO không nhận được sự hỗ trợ thực sự nào, trong khi đó tại Iraq - đất nước bị chia rẽ bởi xung đột nội bộ sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ - cũng chỉ là đồng minh "lỏng lẻo" của NATO ngay cả khi họ muốn giải phóng lãnh thổ đang bị IS chiếm giữ.
Trong khi đó, các hoạt động quân sự của Nga tại Syria được đánh giá là hiệu quả bởi nó dựa trên các thông tin nhận được từ các cơ quan tình báo của Syria và Iran [nước được cho là đang tích cực hỗ trợ cho quân đội của ông al-Assad]. Trong vài tháng qua, tình báo Syria và Iran được cho là đã thu thập được rất nhiều thông tin tình báo về căn cứ của IS cũng như các cơ sở công nghiệp hiện nằm dưới quyền kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng này.
Bên cạnh đó, các đồng minh của Nga có thời gian để điều phối các chiến dịch trên bộ. Trái ngược với quân đội Iraq mất tinh thần, quân đội Syria biết chính xác những gì và tại sao họ chiến đấu.
Sau vài tuần được hỗ trợ bởi các cuộc không kích ồ ạt bằng máy bay tiêm kích và trực thăng chiến đấu của Nga, lực lượng trung thành với Tổng thống al-Assad đang giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực đã bị mất trước đó.
Một lý do khác được cho là làm nên sự thành công trong chiến dịch không kích của Nga tại Syria là các phi công được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm cùng với các loại vũ khí hiện đại, đặc biệt là tên lửa không đối đất.
Các loại chiến đấu cơ SU-34 và SU-30SM lần đầu tiên có sự kiểm nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế và có vẻ nó đã cho thấy sức mạnh của mình. Đồng thời, Nga cũng có cơ hội để thử nghiệm các phiên bản nâng cấp của tên lửa có độ chính xác khác nhau trong điều kiện chiến đấu thực tế và chứng minh hiệu quả của nó với thế giới.
Hầu hết các chuyên gia tin rằng, việc Nga phóng tên lửa hành trình tầm xa-SS-N-30A Kalibr từ các tàu chiến ở biển Caspian đánh trúng các mục tiêu IS tại Syria nhằm mục đích cho thấy tên lửa của Nga không thua kém với tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Tổng thống Syria (trái) bất ngờ có chuyến thăm Nga và gặp Tổng thống Putin. Ảnh: Sputnik |
Nga sẽ chưa dừng chiến dịch quân sự tại Syria
Mới đây, Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao của lực lượng ủng hộ chính quyền Syria cho biết, 3 binh sĩ Nga đã thiệt mạng do trúng đạn pháo của lực lượng đối lập tại Syria hôm 20/10. Tuy nhiên, Moscow đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Theo các chuyên gia, bất chấp những rủi ro, tổn thất [ví dụ như máy bay bị bắn rơi và phi công bị bắt], Nga cũng sẽ không dừng chiến dịch quân sự tại Syria vào thời điểm này.
Các hoạt động không kích của Nga tại Syria vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch. Với sự hỗ trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã chiếm lại được làng Mansoura và Lahaya tại tỉnh Hama và đang chuẩn bị tấn công vào thành phố Aleppo.
Theo các chuyên gia, rõ ràng mục tiêu của Nga nhằm hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống al-Assad giành lại quyền kiểm soát một số mỏ dầu tại Syria và mở rộng khu vực chính phủ kiểm soát tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó sẽ cho phép Damascus bắt đầu lại hoạt động kinh doanh dầu từ lâu đã rơi vào tay IS.
IS hiện không chỉ kiểm soát các giàn khoan dầu mà còn rất nhiều nhà máy lọc dầu tại Syria. Phiến quân IS bán các sản phẩm dầu với giá thấp hơn thị trường, xuất khẩu chúng bằng đường bộ qua Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác.
Chính vì vậy, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria chắc chắn khiến hoạt động kinh doanh béo bở này của IS gặp nguy hiểm. Điều này được thể hiện ở việc giá dầu đã tăng trong nửa tháng 10 này. Tuy nhiên nếu có thể giúp Damascus chiếm lại các cơ sở sản xuất dầu thì Nga sẽ không cần phải đánh bom vào các cơ sở này nữa.
Trong bất kỳ trường hợp nào, việc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu do IS nắm giữ cũng sẽ khiến phương Tây giận dữ và ngay lập tức cáo buộc Nga gây ra thảm họa sinh thái và giết hại thường dân bị ép làm việc cho IS để kiếm kế sinh nhai.
Dù thế nào, quân đội Nga cũng sẽ phải hứng chịu những cáo buộc này bởi IS không dễ gì từ bỏ các cơ sở sản xuất dầu mỏ đó mà không chiến đấu quyết liệt. Và nếu phải rút lui, chúng sẽ cố phá hủy những cơ sở này. Điều này sẽ kéo theo những tuyên bố rằng không quân Nga cố tình phá hủy những cơ sở nói trên bằng mọi giá bất chấp những hệ lụy về môi trường nhằm mở đường cho chế độ Assad./.