Hôm nay (11/10), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du hai ngày đến Ấn Độ, dự kiến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức lần thứ 2 với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Rất nhiều mục tiêu chiến lược đã được cả hai bên đặt ra trong bối cảnh, Bắc Kinh vừa đón tiếp Thủ tướng Pakistan ngay trước chuyến đi; và ông Tập Cận Bình dự kiến cũng sẽ có chuyến công du Nepal sau điểm dừng chân Ấn Độ.

hoc_gia_xglt.jpg
Ông Lekhanath Pandey, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế tại trường Đại học Tribhuvan, ở thủ đô Kathmandu của Nepal.

Đâu sẽ là trọng tâm chuyến công du Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc lần này? Hai bên đang tính toán tìm kiếm những lợi ích chiến lược gì từ đối phương? Ông Lekhanath Pandey, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế tại trường Đại học Tribhuvan, ở thủ đô Kathmandu của Nepal đã có những nhận định sâu sắc về vấn đề này.

PV: Thưa ông, dư luận cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ né tránh các vấn đề tranh chấp và tập trung vào các hợp tác kinh tế trong chuyến thăm Ấn Độ lần này? Ông bình luận thế nào về ý kiến này và lý giải những động lực chính của Trung Quốc trong chuyến thăm lần này?

Ông Lekhanath Pandey: Vâng, Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ là hai quốc gia lớn nhất ở châu Á, đây còn là những nền văn minh cổ xưa nhất; là một trong số những nền kinh tế lớn nhất châu Á và có dân số lớn nhất thế giới. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc có chung đường biên giới dài nhất với Ấn Độ trong số 5 nước láng giềng Nam Á. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay có mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Cả hai đều vừa coi nhau là đối tác vừa là đối trọng trong các loạt vấn đề từ kinh tế cho đến cạnh tranh địa chiến lược.

Vì vậy tôi cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc sẽ khá cẩn trọng trong các cuộc thảo luận với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bởi theo tôi đánh giá, mục đích chính của chuyến thăm này là làm sâu sắc thêm quan hệ song phương Trung - Ấn cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Đây có thể nói cũng là bước tiếp nối của Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức giữa hai nhà lãnh đạo này tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi năm 2018, nhằm mục tiêu bình thường hóa mối quan hệ sau nhiều tuần xung đột giữa quân đội hai nước ở cao nguyên Doklam tại khu vực biên giới hai nước.

Một điểm nữa, chuyến đi này còn đặc biệt ở chỗ, nó diễn ra sau khi Ấn Độ loại bỏ tình trạng quy chế tự trị đặc biệt của 2 bang Jammu và Kashmir vào đầu năm nay, vốn bị cả Pakistan và Trung Quốc lên án. Nhưng có một thực tế, hai bên có lẽ sẽ tập trung vào mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu sắc giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trong bối cảnh, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây thời gian qua đang xấu đi, đặc biệt là hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ trở thành động lực để Bắc Kinh gạt bỏ mâu thuẫn để tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Ấn Độ.

PV: Nhưng có 1 thực tế, mối quan hệ Trung - Ấn còn quá nhiều rào cản địa chiến lược, điển hình là bộ 3 quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ - Pakistan. Và ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Pakistan đã gấp rút có chuyến thăm Trung Quốc. Theo ông, chuyến thăm này sẽ tác động ra sao đến thái độ của Bắc Kinh trong các cuộc thảo luận với phía Ấn Độ?

Ông Lekhanath Pandey: Tất nhiên, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ được cho là không thể tốt đẹp và “lành mạnh” như quan hệ Trung Quốc - Pakistan. Trung Quốc và Pakistan vốn có cùng quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực cũng như toàn cầu, bao gồm vấn đề Kashmir hay Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh; trong khi Trung Quốc và Ấn Độ là đối thủ của nhau trong nhiều hồ sơ nóng cũng như các vấn đề cạnh tranh địa chiến lược. Đặc biệt, Ấn Độ đến nay vẫn bảo vệ quan điểm cứng rắn đối với Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền hay minh bạch đầu tư.

Như chúng ta đã thấy, ngay trước khi ông Tập Cận Bình bay đến Ấn Độ, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã vội vã tới thăm Bắc Kinh. Chắc chắn, Thủ tướng Khan mong muốn phía Trung Quốc đề cập vấn đề Kashmir một cách cứng rắn nhất có thể trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Modi. Theo tôi, chắc chắn nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ có cách để xoa dịu mối quan ngại của Pakistan. Thế nhưng mặt khác, tôi lại không cho rằng, phía Trung Quốc sẽ thể hiện một thái độ mạnh mẽ và cứng rắn như phía Pakistan mong muốn. Điều này hoàn toàn phù hợp với những lợi ích chiến lược mà ông Tập Cận Bình đã tính toán như tôi đã phân tích.

PV: Thưa ông, về phần mình, với chủ trương cân bằng quan hệ, theo quan sát của ông, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có cách tiếp cận nào khác với phía Trung Quốc so với cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc tại Vũ Hán năm 2018?

Ông Lekhanath Pandey: Như tôi đã phân tích, chuyến thăm này là sự tiếp nối của Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Ấn tổ chức tại Vũ Hán, Trung Quốc năm 2018. Tôi dự đoán rằng, trong Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức lần thứ 2 này, phía Ấn Độ cũng sẽ tìm kiếm lập trường nhẹ nhàng hơn từ phía Trung Quốc về vấn đề Kashmir. Đáng chú ý, phía Ấn Độ có thể có một động thái nào đó để cảnh báo Bắc Kinh về nguy cơ mất cân bằng thương mại đối với Trung Quốc. Đây chắc hẳn là điều mà Bắc Kinh lo ngại, từ đó, phía Ấn Độ có thể tìm kiếm thêm các thỏa thuận đầu tư từ Trung Quốc vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng của nước này. Tất nhiên, đáp lại, phía Trung Quốc sẽ nhấn mạnh vấn đề hợp tác kinh tế cũng như cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác Ấn Độ trong dự án Vành đai - Con đường của mình.

PV: Thưa ông, trong mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ không thể không nhắc tới quốc gia có vị trí  địa chiến lược là Nepal. Dự kiến sau khi thăm Ấn Độ, ông Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm Nepal. Từ góc nhìn một chuyên gia người Nepal, ông có thể phân tích rõ hơn vai trò, vị thế của Nepal tại khu vực Nam Á cũng như trong mối quan hệ Trung - Ấn. Liệu Nepal kỳ vọng gì vào chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc đến Ấn Độ cũng như Nepal lần này?

Ông Lekhanath Pandey: Đúng là dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nepal sau khi đến Ấn Độ. Không nghi ngờ một thực tế là, Nepal có một vị trí địa chiến lược quan trọng, khi nước này nằm ở giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Dù vậy hiện nay, Nepal lại có ảnh hưởng khá hạn chế về kinh tế, chính trị hay chiến lược để có thể có vai trò hay tác động trong bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Tất nhiên mặt khác, vai trò của Nepal sẽ có sức nặng hơn nếu cả 3 nước đồng ý về bất kỳ hình thức hợp tác giữa ba bên trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù vậy theo tôi, hiện nay vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp!./.

PV: Cám ơn ông với những phân tích và bình luận vừa rồi!