Ngày 16/10, theo giờ Mỹ, lãnh đạo phe Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận chấm dứt bế tắc tài chính và giúp cho nước Mỹ tránh được tình trạng vỡ nợ. Với tỷ lệ 285 phiếu thuận và 144 phiếu chống, cuối cùng Hạ viện Mỹ cũng thông qua dự luật đã được Thượng viện thông qua ngay trước đó, cho phép mở cửa chính phủ và nâng mức trần nợ công. Đợt đóng cửa kéo dài 16 ngày kết thúc và nguy cơ nước Mỹ không thể hoàn trả các khoản nợ bị lẩy lùi. Phóng viên VOV online phỏng vấn Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Chuyên gia kinh tế hiện đang làm tại Tập đoàn ERS Group Inc của Mỹ.

chinh-phu-my.jpg
Tổ chức Standard & Poor vừa cho biết, việc một số cơ quan chính phủ Mỹ đóng cửa trong vòng hơn 2 tuần qua đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới này thiệt hại 24 tỷ USD và bị hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý 4 năm nay. (ảnh: AFP)

PV:Thưa Tiến sĩ, ông có bình luận như thế nào về việc Chính phủ Mỹ chính thức mở cửa trở lại sau 16 ngày đóng cửa?

TS Trần Vinh Dự:Đây là một kết quả được dự báo từ trước. Dù thế nào thì Quốc hội Mỹ cũng không thể để đất nước rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Chuyện phải tạm thời cho một phần cơ quan của chính phủ nghỉ trong 2 tuần qua là một việc tuy khó về mặt chính trị nhưng đã có nhiều tiền lệ. Trước đó, năm 1995 dưới thời Tổng thống Mỹ Clinton cũng đã xảy ra chuyện tương tự. Còn chuyện vỡ nợ là chuyện khác. Theo cách nói của ông Obama là “chưa từng có tiền lệ”. Hệ lụy của một cuộc vỡ nợ nghiêm trọng hơn nhiều so với chuyện đóng cửa một số cơ quan chính phủ trong một thời gian ngắn.

PV:

Theo ông, việc 2 ĐảngDân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện đạt được thỏa thuận, phải chăng các mâu thuẫn đã được giải quyết?

TS Trần Vinh Dự:Vấn đề hai Đảng không thỏa hiệp được dẫn đến việc Chính phủ phải đóng cửa một phần trong thời gian qua không liên quan đến việc chính phủ hoạt động hiệu quả hay không. Thỏa hiệp vừa được hai Đảng đạt được chỉ mang tính tình thế để tránh vỡ nợ. Sau đó họ sẽ có 3 tháng để tiếp tục đàm phán với nhau.

Theo tôi, mâu thuẫn vẫn còn đó. Về phía Đảng Dân chủ muốn tăng trần nợ và biện minh rằng mức trần nợ này vẫn an toàn so với với triển vọng kinh tế của Mỹ và cũng không muốn dừng chương trình Obamacare.

Bên Đảng Cộng hòa muốn chỉ nâng trần nợ nếu Đảng Dân chủ đồng ý hoãn thực hiện hoặc không cấp vốn cho chương trình Obamacare (chương trình cải tổ y tế của Tổng thống Obama). Việc này có khả năng sẽ còn kéo dài chưa có hồi kết.

PV:Ông dự đoán liệu trong tương lai chính quyền của ông Obama có lặp lại kịch bản này?

TS Trần Vinh Dự: Điều này sẽ phải phụ thuộc vào 3 tháng tới hai đảng sẽ đạt được thỏa hiệp như thế nào. Nếu không có thỏa hiệp sau 3 tháng nữa chúng ta lại thấy câu chuyện này lặp lại như vậy.

PV:Xin cảm ơn ông!.