Tăng cường các nỗ lực quân sự hay nhanh chóng rút chân khỏi “bãi lầy” Nam Á luôn là bài toán hóc búa đối với các chính quyền tại Mỹ và Tổng thống Donald Trump.

trump_waves_dlpc.jpg
Tổng thống Donald Trump lên đường đến trại Davis họp bàn chiến lược mới cho Afghanistan. (Ảnh: AP)

Trưa 18/8, Tổng thống Donald Trump đã có mặt tại trại Davis (Davis Camp), nằm cách thủ đô Washington khoảng 100 km về phía Bắc và nhanh chóng bước vào các cuộc thảo luận với nhóm cố vấn an ninh quốc gia, trong đó có phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ McMaster.

Tuy nhiên, đến cuối ngày, Tổng thống Mỹ vẫn chưa thể đưa ra quyết định cụ thể nào liên quan tới vấn đề Afghanistan.

Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, Người phát ngôn Nhà trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống đang xem xét, cân nhắc các lựa chọn của mình và sẽ thông báo tới người dân Mỹ, các đồng minh, đối tác và toàn thế giới vào một thời điểm thích hợp.

Đây là điều không hề bất ngờ, bởi Afghanistan không phải là vấn đề của “ngày một ngày hai”, mà đã đeo bám nước Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua, kể từ sau cuộc khủng bố 11/9 và bị đánh giá là cuộc chiến tranh tại lãnh thổ nước ngoài kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Việc Tổng thống Donald Trump chọn thời điểm hiện nay để họp nhóm an ninh quốc gia không chỉ nhằm sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng, mà còn được cho là nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi vụ bạo loạn ở Charlottevilles, Virginia, cuối tuần trước.

Trên thực tế, Mỹ đã đổ vào chiến trường này hàng trăm tỷ USD song vẫn không thể giúp ổn định Afghanistan như lời hứa ban đầu, trong khi 2.400 lính Mỹ đã phải bỏ mạng. Hiện Mỹ vẫn đang tiếp tục phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.

Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng này cũng phải thừa nhận, liên minh "không phải đang giành thắng lợi".

Không chỉ Mỹ, mà cả Afghanistan cũng phải gánh chịu những tổn thất nặng nề. Chính quyền trung ương bị suy yếu, trong khi các nhóm nổi dậy và khủng bố không ngừng lợi dụng tình hình để “ăn sâu bám rễ”. Ngoài Taliban, tổ chức khủng bố Al Qaeda cũng đang kiểm soát một phần lãnh thổ tại Afghanistan, trong khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang nhen nhóm phát triển ở đất nước này sau khi bị công kích dồn dập ở Iraq và Syria.

Chính quyền Afghanistan mới đây đã buộc phải tăng cường các biện pháp an ninh trên khắp cả nước, đặc biệt là thủ đô Kabul. Tuy nhiên đây chỉ là các giải pháp mang tính tạm thời.

“Chúng tôi đã thiết lập các điểm kiểm soát an ninh tại các khu vực trọng yếu và sẽ luân phiên nhân viên tại những điểm này”, ông Saalem Ehsas, chỉ huy trưởng cảnh sát tỉnh Kabul cho biết. “Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên thay đổi vị trí của các trạm kiểm tra an ninh, cũng như huấn luyện nhằm đảm bảo lực lượng cảnh sát có đủ khả năng đảm trách nhiệm vụ”.

Các đời Tổng thống Mỹ, từ cựu Tổng thống George W. Bush và mới đây nhất là cựu Tổng thống Barack Obama đều đưa ra những cách tiếp cận khác nhau và những chiến lược mới nhằm sớm khép lại cuộc chiến dai dẳng tại Afghanistan song kết quả không được như mong đợi. Tổng thống Donald Trump cho tới nay vẫn chưa nói nhiều về những gì sẽ làm với Afghanistan, song khẳng định Mỹ không muốn đổ thêm tiền vào cuộc xung đột này.

“Chúng tôi đang đi gần hơn tới một quyết định”, ông Donald Trump nói. “Tôi đã tiếp nhận một mớ hỗn độn và chúng tôi sẽ giải quyết nó. Song đây  không phải một việc dễ dàng. Afghanistan là cuộc chiến tranh tại lãnh thổ nước ngoài kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ và chúng tôi sẽ sớm đưa ra quyết định”.

Một số các chuyên gia quân sự cho rằng, ít có khả năng ông Donald Trump sẽ thực hiện một chính sách quá khác biệt so với người tiền nhiệm, nhất là trong bối cảnh bạo lực và các vụ tấn công khủng bố có dấu hiệu gia tăng thời gian vừa qua.

“Mỹ không muốn đổ thêm tiền vào cuộc xung đột”, nhưng không có nghĩa là Mỹ sẽ chọn giải pháp đơn giản nhất, như bỏ mặc Afghanistan. Bởi về lâu dài, đây sẽ là một thảm hoạ trong chính sách đối ngoại Mỹ khi tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố và cực đoan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng nhiều lần đề xuất tăng thêm quân tới Afghanistan, song chỉ điều này thôi là không đủ. Mỹ cần phải kêu gọi được sự hỗ trợ về vật chất cũng như nguồn lực từ bên ngoài.

Thực tế cho thấy, không có giải pháp đơn giản và dễ dàng nào cho Tổng thống Donald Trump trong hồ sơ này và chắc chắn đây sẽ tiếp tục là vấn đề khiến chính quyền Mỹ đau đầu trong thời gian tới./.