Chuyến thăm của ông Prayuth Chan-o-cha được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 4 vừa qua nhằm cải thiện quan hệ song phương trên các lĩnh vực. Đây là động thái đánh dấu sự thay đổi đáng kể về lập trường của Mỹ đối với Thái Lan kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014.

trump_chan_o_cha_irmu.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. (Ảnh: Getty Images)

Tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh thương mại sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm. Đây cũng là một trong những khía cạnh mà ông Donald Trump đã khẳng định trong cuộc điện đàm hồi tháng 4 năm nay với nhà lãnh đạo Thái Lan.

Theo thống kê của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại năm 2016 của Mỹ với Thái Lan ở mức 18,9 tỷ USD. Trong một thập kỷ qua, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Thái Lan đã tăng hơn 36%, với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Thái Lan tăng hơn 30% lên 10,6 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm máy móc, máy bay, các thiết bị y tế và nhiều mặt hàng khác.

“Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Thái Lan đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Hai bên đã có các cuộc đàm phán để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này”, Tổng thống Donald Trump nói. “Thái Lan là một đối tác giao thương tuyệt vời. Họ sản xuất các loại hàng hóa và rất nhiều thứ khác quan trọng đối với Mỹ. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ cố gắng bán nhiều hơn cho phía Thái Lan, nếu điều đó khả thi”.

Thái Lan là đồng minh lâu năm nhất của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau vụ đảo chính quân sự năm 2014 do ông Prayuth Chan-o-cha đứng đầu dẫn đến việc lật đổ chính phủ dân sự, quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Mỹ sau đó đã ngừng chương trình viện trợ và huấn luyện quân sự cho Thái Lan, một bước đi chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng đã khiến Thái Lan bất bình.

Giống như chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama, chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định chỉ khôi phục đầy đủ quan hệ với Thái Lan khi nước này trở lại nền dân chủ.

Tuy nhiên, việc mời và tiếp đón Thủ tướng Prayuth tại Washington đánh dấu sự chuyển hướng trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây là một ví dụ hiếm có về một nhà lãnh đạo thuộc chính quyền quân sự được tiếp đón tại Mỹ, thậm chí trước khi chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Với phương châm “Nước Mỹ là trên hết”, Tổng thống Donald Trump coi lợi ích thương mại và chiến lược của Mỹ là ưu tiên hàng đầu.

Giới phân tích cho rằng, việc thay đổi lập trường với Thái Lan nằm trong chuỗi nỗ lực của Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh tại châu Á để đảm bảo sự hợp tác của các nước này trong việc gây áp lực lên Triều Tiên. Đây cũng được coi là động thái nhằm đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực này, đặc biệt là Đông Nam Á.

Với Thái Lan, khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, Thái Lan đã tuyên bố sẽ thay đổi chính sách đối ngoại để phù hợp với tình hình. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cũng khẳng định, Thái Lan sẽ nỗ lực để tăng cường mối quan hệ thân thiết kéo dài hơn 180 năm với Mỹ./.