Mỹ và Trung Quốc ngày 15/6 đã có cuộc đối đầu thương mại khá căng thẳng khi hai nước lần lượt thông báo áp thuế 25% các mặt hàng nhập khẩu của nhau, với tổng giá trị lên tới 50 tỷ USD.

Những bước đi này cũng đồng nghĩa với sự đổ vỡ của những thỏa hiệp mà hai bên khó khăn lắm mới đạt được trong các cuộc đàm phán kéo dài suốt gần 1 tháng qua.

cuoc_chien_thuong_mai_my_trung_thii.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP)

Với lý do “không thể tiếp tục bỏ qua tình trạng đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ thông qua các quy định kinh tế không công bằng”, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/6 đã công bố danh sách các mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD bị áp mức thuế 25%, chủ yếu là sản phẩm công nghệ cao.

Cụ thể, theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế bắt đầu từ ngày 6/7 tới, liên quan tới 818 sản phẩm. Đối với 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại, Chính phủ Mỹ sẽ xem xét sau khi tiến hành tham vấn và điều trần công khai.

Gần như ngay lập tức, Chính phủ Trung Quốc cũng cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Cụ thể, 34 tỷ USD hàng hóa của Mỹ sẽ phải chịu mức thuế tương đương gồm nông sản, ô-tô và hải sản. Quyết định cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7 tới. 

Sự trả đũa thương mại lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã ngay lập tức khiến thị trường phố Wall giảm điểm ngày ngày 15/6.

“Vòng xoáy” căng thẳng thương mại Mỹ- Trung nóng trở lại không gây bất ngờ cho giới chuyên gia. Bởi cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố, nước này vẫn luôn sẵn sàng những biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc, dù hai nước đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc hôm 19/5 vừa qua sau những cuộc đàm phán căng thẳng tại cả Bắc Kinh lẫn Washington.

Hai nước cũng đã ấn định ngày 15/6 như thời hạn chót để thông báo các mức thuế mới. Ngay sau quyết định đánh thuế của Mỹ, chính phủ Trung Quốc ngày 15/6 tuyên bố vô hiệu hóa những thỏa thuận này.

“Trung Quốc nhất quán quan điểm rằng, nếu Mỹ áp đặt bất kỳ biện pháp bảo hộ đơn phương và gây thiệt hại cho lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ ngay lập tức có phản ứng và thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích của chúng tôi”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

Những diễn biến mới này trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại, có thể gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Tại Mỹ, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Brady, đứng đầu một trong những ủy ban có ảnh hưởng nhất tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của những biện pháp này đối với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, người lao động và người tiêu dùng Mỹ.

Trong khi đó, ông Thomas Donahue, Chủ tịch Tổ chức giới chủ thuộc Phòng thương mại Mỹ cũng cảnh báo những thiệt hại có thể đối với hàng triệu việc làm.

Lần bùng phát căng thẳng thương mại này giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra 1 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump đồng ý nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ, theo đó giúp Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc tránh được nguy cơ phá sản.

Nhiều nghị sỹ thuộc cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã phản ứng mạnh mẽ với quyết định này, chỉ trích Chính quyền Mỹ đã quá nhượng bộ với những đối thủ như Bắc Kinh, trong khi lại "mạnh tay" với các đồng minh chủ chốt.

Theo giới quan sát, Chính phủ Mỹ đang theo đổi những mục tiêu khá mâu thuẫn nhau khi vừa tìm kiếm một thỏa thuận về Triều Tiên với mong muốn nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc lại vừa muốn những nhượng bộ kinh tế từ phía Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại.

Chính vì thế, ngay trong quyết định mới này, chính quyền Mỹ vẫn để ngỏ khả năng cho đối thoại khi giảm gần một nửa số mặt hàng chịu mức thuế mới so với đề xuất đưa ra hồi tháng 4 vừa qua của Tổng thống Donald Trump và không đưa vào danh mục những hàng hóa mà người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng như tivi, điện thoại đi động,.../.