Pháp đang nỗ lực vận động hành lang các cường quốc trên thế giới tham dự cuộc họp về Hòa bình Trung Đông do nước này đề xuất, theo đó đặt nền tảng cho các cuộc đối thoại hòa bình giữa Israel và Palestine trước cuối năm nay.

israel_palesinte_rrvv.jpg
Hòa bình giữa Israel và Palestine vẫn là điều gì đó xa vời. Ảnh AP

Tổng thư kí Liên đoàn Arab Nabil al-Araby ngày 28/5 cho biết, một giải pháp hai nhà nước có thể đạt được cho cuộc xung đột Trung Đông với 2 điều kiện: một cơ chế điều hành và khung thời gian cụ thể.

Tuyên bố của ông al-Araby đưa ra sau cuộc gặp Ngoại trưởng các nước Arab tại Ai Cập để thảo luận sáng kiến của Pháp, tái khởi động các cuộc đối thoại hòa bình Israel và Palestine.

Tại phiên họp, các ngoại trưởng Arab đã hoan nghênh sáng kiến của Pháp và nỗ lực của Paris nhằm đưa Palestine và Israel trở lại bàn đàm phán. Theo ông al-Araby, trong giai đoạn đầu, Israel và Palestine sẽ không được mời tham dự.

Cuộc họp có sự tham gia của khoảng hơn 20 nước và tổ chức bao gồm Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Liên đoàn Arab cho đến khi nhất trí được 2 điều kiện quan trọng.

Ông al-Araby cho biết: “Có 2 vấn đề được nêu ra trong cuộc gặp sẽ quyết định được thành công của hội nghị. Trước tiên đó là cần thành lập một cơ chế điều hành, thứ 2 đó là thực hiện trong một khung thời gian cụ thể.

Mục tiêu của chúng ta không chỉ đưa hai bên ngồi vào bàn đối thoại – điều đã xảy ra 25 năm qua mà không có bước tiến. Những gì cần đó là tạo ra một cơ chế điều hành để thực hiện những quyết định này trong một khung thời gian cụ thể”.

Trong bài phát biểu của mình tại cuộc họp, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc, sáng kiến hòa bình Arab 2002 và các thỏa thuận đã ký trước đó giữa Israel và Palestine sẽ được tham khảo tại hội nghị hòa bình quốc tế sắp diễn ra tại Paris.

Theo Tổng thống Abbas, đây là thời điểm huy động ý chí quốc tế và Arab để người dân Palestine có được tự do và tìm kiếm giải pháp cân bằng: “Tôi xin nhấn mạnh một số lập trường mà Palestine thông báo về sáng kiến này.

Trước tiên đó là mục đích của hội nghị phải được thực hiện trên quan điểm 2 nhà nước, dựa trên thỏa thuận các đường biên giới 1967 và thủ đô của Palestine ở phía Đông Jerusalem. Vì vậy, hai nước có thể cùng tồn tại trong hòa bình, an ninh và ổn định nếu Israel mong muốn tìm kiếm hòa bình”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande tuần trước cho biết, hội nghị quốc tế, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 tại Paris nhằm tái khởi động các cuộc đối thoại hòa bình, sẽ bị hoãn lại để đảm bảo sự tham dự của Mỹ.

Theo nguồn tin ngoại giao Pháp, cuộc họp sẽ diễn ra trước lễ Ramadan, bắt đầu vào khoảng mùng 6/6 tới và Mỹ đã đưa ra một số đề xuất tích cực cho chương trình nghị sự của cuộc họp.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault trong tháng này cũng có chuyến thăm Israel và Palestine để kêu gọi sự ủng hộ đối với sáng kiến hòa bình của Pháp.

Chính quyền Palestine hoan nghênh sáng kiến này và đang vận động các nước ủng hộ nỗ lực của Paris. Tuy nhiên, Israel phản đối, cho rằng hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Israel và Palestine, chứ không phải thông qua các diễn đàn quốc tế.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định những nỗ lực ngoại giao của Pháp cứu vãn hòa bình Trung Đông sẽ không đạt được bước tiến nếu không có sự hỗ trợ tích cực của Mỹ.

Sau nhiều tuần do dự, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cuối cũng đã nhất trí tham dự cuộc họp. Tuy nhiên, Mỹ vẫn bày tỏ lo ngại về khả năng thất bại của sáng kiến lần này có thể ảnh hưởng đến triển vọng xây dựng hòa bình lâu dài.

Chuyên gia phân tích của viện nghiên cứu các vấn đề Vùng vịnh tại Mỹ Hussein Ibish cho rằng, đề xuất của Pháp khó có thể thành công với 2 rào cản lớn.

Trước tiên đó là phía Israel không hợp tác với sáng kiến của Pháp, trong khi Mỹ dường như đang muốn giữ “mô hình 3 bên”  mà theo đó Mỹ là bên thứ 3 cùng với Israel và Palestine, mặc dù mô hình này thực tế đã hoàn toàn thất bại.

Theo ông Ibish, sự do dự của Mỹ tham dự cuộc họp cho thấy Mỹ vẫn mong muốn là nước có vai trò đầu tàu trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên chuyên gia phân tích cũng khẳng định không thể từ bỏ vai trò quan trọng của Mỹ, vì Israel không tin tưởng bất cứ nước nào có ý nguyện cũng như khả năng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Chính vì vậy, thiếu vắng sự ủng hộ của Mỹ có thể khiến bất cứ sáng kiến hòa bình Trung Đông nào lâm vào bế tắc./.