Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (9/1) tuyên bố, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với  Iran sau loạt vụ tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ đồn trú của quân đội Mỹ ở Iraq. Nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran được xoa dịu với việc hai bên đều tuyên bố không muốn leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, với các màn trừng phạt và cảnh báo tấn công đáp trả lẫn nhau cho thấy bóng ma chiến tranh giữa Mỹ và Iran vẫn chưa qua đi.

myi_prhn.jpg
Các màn trừng phạt và cảnh báo tấn công đáp trả lẫn nhau cho thấy bóng ma chiến tranh Mỹ - Iran vẫn chưa qua đi sau một loạt căng thẳng giữa 2 bên. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump gần đây liên tiếp cam kết tăng cường các biện pháp trừng phạt để trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ không quân tại Iraq có lính Mỹ đồn trú.

Không đề cập chi tiết biện pháp trừng phạt mới, Tổng thống Trump hôm 9/1 cho biết: “Các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Iran nhưng  giờ sẽ được tăng cường hơn nữa. Tôi vừa mới thông qua các biện pháp trừng phạt mới và các bạn sẽ sớm biết đó là gì”.

Chính quyền Mỹ đã khôi phục hầu hết các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran nhưng vẫn còn khoảng trống để gia tăng hình phạt và gây áp lực tối đa nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Một số ý kiến cho rằng, Mỹ có thể kêu gọi tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran, mở rộng các lệnh trừng phạt hiện nay trong ngành năng lượng, tài chính quân sự, nhắm mục tiêu vào các quan chức hay cá nhân của Iran…

Trong khi Mỹ tiếp tục gia tăng trừng phạtnhằm vào quốc gia Hồi giáo này, Iran cũng lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi về một Hiệp ước hạt nhân mới với Mỹ, cùng cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt với hậu quả nếu không sớm rời khỏi khu vực. 

Chỉ huy không quân của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Tướng Amir Ali Hajizadeh hôm qua (9/1) khẳng định: “Tôi khuyến cáo người Mỹ cần phải học được bài học từ các cuộc tấn công của Iran. Người Mỹ nên rời khỏi khu vực khi hậu quả phải đối mặt chưa nhiều. Người Mỹ phải chấm dứt sự hiện diện không chỉ tại Iraq mà còn Afghanistan hay các nước Arab khác một cách tự nguyện”.

Lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh đã được xoa dịu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Iran đều kiềm chế sử dụng hành động quân sự để đáp trả lẫn nhau sau vụ không kích của Mỹ làm tướng Iran thiệt mạng. Với cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong năm nay, ông Trump muốn tránh sa lầy vào một cuộc xung đột lớn và Iran cũng cố gắng tránh đối đầu trực tiếp với lực lượng Mỹ hùng mạnh. Tuy vậy căng thẳng giữa Iran và Mỹ sẽ tiếp tục được đẩy lên với các biện pháp trừng phạt hay đáp trả lẫn nhau.

Với mục tiêu của Iran là chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực cho thấy quốc gia Hồi giáo này có khả năng sớm quay trở lại chiến thuật dựa vào những lực lượng ủy nhiệm để thực hiện các vụ tấn công. Ngoài ra, Iran cũng có thể lựa chọn thêm các cuộc tấn công bất đối xứng, đặc biệt là tấn công mạng nhằm vào các nước phương Tây, tiếp tục giảm cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm nay bày tỏ lo ngại, Iran có thể có vũ khí hạt nhân trong 1 đến 2 năm nếu nước này tiếp tục vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu hôm nay có cuộc họp khẩn để tìm kiếm giải pháp giúp Mỹ và Iran tránh đối đầu, với cảnh báo chỉ một tính toán sai lầm từ một phía cũng có nguy cơ đẩy xung đột thành một cuộc chiến tranh và khủng hoảng hạt nhân toàn diện./.