Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4. |
Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo được đánh giá có thế lực nhất châu Âu, đã đi đến kết luận sau cuộc họp xuyên Đại Tây Dương kéo dài ba ngày rằng nước Mỹ của Tổng thống Trump không còn là đối tác tin cậy mà Đức và châu Âu dựa vào như trước đây.
Tỏ rõ sự thất vọng với lập trường của ông Trump về các vấn đề NATO, Nga, biến đổi khí hậu và thương mại, phát biểu tại Munich, thành phố miền Nam nước Đức, vào ngày 28/5, bà Merkel cho hay các liên minh truyền thống không còn vững chắc như trước đây và châu Âu cần chú ý hơn đến lợi ích của mình và "thực sự nắm lấy trong tay vận mệnh của mình”.
Phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels và cuộc họp G7 tại Italy, bà Merkel nói: “Thời gian chúng ta có thể hoàn toàn phụ thuộc vào nước khác không còn nữa".
Những lời khẳng định mạnh mẽ của bà Merkel cho thấy khả năng chuyển đổi gây chấn động trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này. Trong khi Mỹ ít có khuynh hướng can thiệp ở nước ngoài, Đức đang trở thành một cường quốc ngày càng có ưu thế trong quan hệ với Pháp.
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ thiện chí hợp tác với Đức và giúp Liên minh châu Âu (EU) thoát khỏi cơn bĩ cực. Nữ Thủ tướng Đức nhìn thấy tương lai của Đức ngày càng gắn chặt hơn với liên minh 27 nước không bao gồm Anh bởi nước này biểu quyết rời EU.
Ông Ivo Daalder, cựu đặc phái viên Mỹ tại NATO và hiện là Giám đốc Hội đồng các Vấn đề Toàn cầu Chicago nhận định: "Tuyên bố này dường đặt dấu chấm hết cho một thời đại trong đó Mỹ dẫn đầu và châu Âu đi theo. Ngày nay, Mỹ đang chuyển hướng sang những vấn đề mà dường như hoàn toàn đối lập với mục tiêu mà châu Âu hướng tới. Những lời bình luận của bà Merkel là sự thừa nhận thực tiễn mới này".
Bà Merkel nhấn mạnh châu Âu cần đứng dậy bảo vệ quyền lợi của chính mình sau khi ông Trump từ chối công khai tán thành học thuyết của NATO về phòng vệ tập thể hay nhất trí với lập trường chung của châu Âu về thương mại toàn cầu, giải pháp với Nga hay về việc hạn chế những ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu.
Bà Merkel phát biểu: "Chúng ta cần biết rằng chúng ta phải đấu tranh vì tương lai của chính mình, vì vận mệnh của những người châu Âu".
Hai Hội nghị thượng đỉnh ở châu Âu: Những vấn đề bỏ ngỏ
Bà Merkel còn nói về quyết định rời EU của nước Anh đồng nghĩa với việc khối này sẽ mất đi nền kinh tế lớn thứ hai EU và là một trong hai cường quốc nguyên tử. Sự ra đi của nước Anh cũng sẽ làm yếu đi quan hệ xuyên Đại Tây Dương và đưa EU đứng trước nhiều rủi ro hơn trước đây.
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế mới này, bà Merkel cho biết: "Tôi chỉ có thể nói rằng người châu Âu chúng ta thực sự cần nắm lấy vận mệnh của mình, dĩ nhiên trong quan hệ hữu nghĩ với Mỹ, với Anh và như những nước láng giềng tốt dù ở đâu có thể trong quan hệ với các nước khác, ngay cả với Nga".
Với tuyên bố của mình, bà Merkel dường như kêu gọi các cử tri Đức làm quen với vai trò năng động hơn của châu Âu và với khả năng Berlin sẽ tham gia nhiều hơn trong cuộc khủng hoảng tại EU cũng như những vấn đề toàn cầu ảnh hưởng tới tương lai châu Âu. Nữ Thủ tướng Đức đang phấn đấu giành nhiệm kỳ thứ 4 trước cuộc bầu cử nghị viện sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.
Bà Merkel tỏ ta bất an sau cuộc họp mặt với ông Trump tại Washington vào tháng 3 và đã từng lo ngại rằng nếu ứng viên Marine Le Pen thắng cử tổng thống Pháp vào đầu tháng này, nước Đức sẽ bị cô lập và EU có nguy cơ tan vỡ.
Song ông Marcon, người lần đầu gặp ông Trump, xem ra có ít ấn tượng xấu hơn bà Merkel về kết quả cuộc đàm phán với ông Trump. Trong cuộc họp báo sau khi Hội nghị Thượng định G7 kết thúc, ông Marcon phát biểu rằng trên hết ông tin rằng cho dù ông Trump trước đây có những lời lẽ thiếu thân thiện đối với NATO, song chủ nghĩa đa phương không suy suyển và hai bên có chung tầm nhìn ở một số lĩnh vực.
Cương lĩnh vận động tranh cử của ông Trump nhằm vào một loạt các vấn đề như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chủ nghĩa dân tộc, sự hoài nghi về chủ nghĩa đa phương và biến đổi khí hậu. Đây là tất cả những vấn đề mà hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đều không tán thành. Người châu Âu còn lệ thuộc vào NATO về hệ thống phòng thủ và quan ngại hơn ông Trump về đối sách với Nga, mặc Bộ trưởng Quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ quả quyết rằng Tổng thống Mỹ hoàn toàn ủng hộ Điều 5 của NATO về quy định tất cả các nước thành viên phải đứng lên bảo vệ an ninh của bất cứ nước nào trong liên minh khi bị tấn công.
Tổng thống Donald Trump muốn phá vỡ trật tự thế giới truyền thống?
Ông Daalder nhận định: "Đây là 'nước Mỹ trên hết', một chính sách chú trọng đến lợi ích riêng hẹp hòi và xoá bỏ tư tưởng cho rằng cách tốt nhất để nâng cao an ninh và sự thịnh vượng là tập hợp các liên minh mạnh và dẫn đầu trên phạm vi toàn cầu trong quá trình theo đuổi những giá trị và lợi ích chung".
Khi quay trở lại Mỹ vào cuối tuần qua, các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump đã thành công trong việc chuyển tải một thông điệp thẳng thắn về sự tự lực đến các liên minh của Mỹ tại châu Âu.
Theo các quan chức này, quyết định chỉ trích các nước thành viên NATO không đóng góp công bằng cho liên minh của ngài Tổng thống sẽ làm giảm thiểu gánh nặng tài chính mà Mỹ đang phải gánh vác vì sự an toàn của EU. Các quan chức này còn cho biết lập trường cứng rắn của ông Trump về vấn đề thương mại sẽ góp phần bảo vệ các công ty Mỹ khỏi những các hành vi không công bằng.
Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ đề nghị giấu tên cho biết: "Đây là hội nghị mà ở đó các mục tiêu và những ưu tiên của Mỹ và của Tổng thống thực sự được cảm thấu. Ông Trump đã làm thay đổi cách mà nhiều người trên thế giới tư duy về những vấn đề này”.
Các quan chức Nhà Trắng ít lo ngại về những cuộc tiếp xúc cá nhân giữa Tổng thống Mỹ và các vị nguyên thủ quốc gia khác. Quan chức này cho biết ông Trump đã xây dựng được "một quan hệ đặc biệt với các nhà lãnh đạo khác".
Bà Merkel dường như đặc biệt thất vọng vì ông Trump đã từ chối lên tiếng ủng hộ thương mại tự do và tán thành Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu trong tuyên bố của G7 sau các cuộc đàm phán tại Taormina, Sicily. Có nhiều báo cáo cho thấy ông Trump có ý định bãi bỏ thoả ước về khí hậu mà 195 nước đă đặt bút ký vào năm 2015 vì cho rằng hiệp ước này gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.
Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là minh chứng sinh động nhất về sự bất đồng giữa Mỹ và các liên minh. Song ông Trump khi có mặt tại Brussels cũng đã nhắc lại rằng Đức "rất tệ bạc” vì số dư thương mại của mình và đề cập đến cứ liệu cho thấy một số hãng xe hơi Đức sản xuất xe tại Mexico để xuất sang Mỹ, thậm chí mặc dù nhiều công ty trong đó sản xuất xe ở các nhà máy Mỹ và tuyển dụng nhân công Mỹ.
Vào ngày 27/5, bà Merkel đã bất ngờ trực tiếp đề cập đến cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu mà theo bà là đáng thật vọng. Đây vốn là một vấn đề quan trọng đối với nhiều cử tri Đức và là một chủ đề mang dấu ấn của thủ tướng Đức vì bà người đầu tiên chỉ đạo về một thoả thuận toàn cầu về môi trường vào thập niên 1990.
Sự thất vọng của bà Merkel về vấn đề này không hoàn toàn được ông Marcon chia sẻ, bởi tân Tổng thống Pháp cho rằng ông Trump ít nhất đã lắng nghe những tranh luận của các nhà lãnh đạo G7 khác.
Tuy nhiên, bà Merkel tỏ ra bi quan hơn. Bà nói: "Toàn bộ quá trình thảo luận về khí hậu diễn ra rất khó khăn hay có thể nói là không đạt như mong muốn. Tình hình là có 6 nước nếu kể cả Anh là 7 phải đối chọi lại một". "Đây hoàn toàn không phải là một thoả thuận lỗi thời, mà là một hiệp định trọng tâm để định hình quá trình toàn cầu hoá. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ ở lại hay rút lui khỏi Hiệp ước Paris".
Ông Macron đã lý giải về cái bắt tay siết chặt của mình với ông Trump hiện nay đang 'gây bão' là một hành động chủ ý để chứng tỏ rằng ông không để tổng thống Mỹ lấn lướt. Phát biểu trên tờ nhật báo Journal du Dimanche vào ngày 28/5, ông Macron cho hay đó là "khoảnh khắc của sự thật” cho thấy rằng ông phải là người dễ dụ dỗ và là thông điệp gửi cho các nhà lãnh đạo EU.
Ông Macron nói: "Cái bắt tay của tôi với ông ta hoàn toàn không vô tư. Anh phải cho đối phương thấy rằng anh sẽ không nhượng bộ cho dù là những nhiều điều nhỏ nhất, thậm chí là mang tính chất tượng trưng song cũng không nên làm rùm beng mọi chuyện".
Tổng thống Macron không phải là cứu tinh, cả EU phải tự cứu lấy mình
Mối quan hệ 'nảy nở' giữa bà Merkel và ông Marcon có ý nghĩa quan trọng và bà Merkel đã nhanh chóng 'bám chặt' ông Marcon vì nhận thức rõ rằng ông Marcon vẫn cần phải cố gắng để giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 6 để trở thành một đối tác hữu hiệu. EU theo truyền thống luôn mạnh nhất khi hai cường quốc lớn nhất liên minh này phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Các quan chức Đức cho biết bà Merkel và các trợ thủ đắc lực của mình đã tổ chức một cuộc họp song phương vào tối ngày 26/5 với ông Marcon tại Sicily và các quan chức hàng đầu của ông ta. Đáng chú ý nhất là phu nhân và phu quân của hai nhà lãnh đạo này cũng tham dự. Rất hiếm khi chồng bà Merkel, ông Joachim Sauer, tháp tùng bà trong các chuyến công du nước ngoài song ông Sauer đã làm điều đó. Bà Brigitte Marcon cho dù mới đảm nhận vai trò Đệ nhất Phu nhân Pháp song là người ông Marcon luôn tín nhiệm vì những lời tư vấn chính trị quý giá.
Nhìn chung, ông Marchon đã khẳng định quan hệ hữu nghị với nước Đức qua việc bổ nhiệm những quan chức ủng hộ Đức vào các vị trí quan trọng như thủ tướng, cố vấn trưởng về chính sách đối ngoại và bộ trưởng quốc phòng. Tổng thống mới đắc cử Pháp còn giữ truyền thống thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Berlin và ông đã làm điều này trong ngày nhậm chức đầu tiên.
Còn đối với ông Trump, ông ta nói chuyến công du đến châu Âu đã là một thành công vang dội. Vào ngày 28/5, sau một thời gian vắng bóng trên mạng Twitter khi công cán ở nước ngoài, ông Trump đã quay trở lại với thói quen 'đăng đàn' trên mạng Twitter trong đó có thông điệp: "Vừa quay trở lại từ châu Âu. Chuyến đi là một thành công lớn đối với nước Mỹ. Làm việc tuy có vất vả song kết quả thật ngọt bùi!".
Song ông Daalder không cho là vậy. Ông nói: "Việc ngài Tổng thống không lên tiếng tán thành Điều 5 trong bài phát biểu tại trụ sở đầu não của NATO và tiếp tục công kích Đức và các nước liên minh khác về thương mại cũng như việc tỏ rõ quyết định sẽ dứt bỏ Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, tất cả những điều đó cho thấy nước Mỹ ngày càng ít quan tâm đến vai trò lãnh đạo trên phạm vi toàn cầu như đã từng đảm đương trong 70 năm qua"./.
Tổng thư ký NATO: Tổng thống Mỹ vẫn cam kết với NATO