Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria cho thấy viễn cảnh đáng lo ngại khi những tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể lợi dụng những tình cảnh rối ren để vượt ngục và quay trở lại chiến trường.

Mắc kẹt giữa Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Chính quyền Damascus suốt 8 năm qua, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu giờ đây đã thừa nhận việc canh gác các tù binh IS đang là “ưu tiên thứ yếu” của họ.

sdf_canh_gac_tu_binh_is_qvkp.jpg
Lực lượng SDF đang đứng gác bên cạnh nhóm người đàn ông chờ kiểm tra sau khi được sơ tán khỏi sào huyệt của IS gần Baghouz ở miền Đông Syria tháng 2/2019. Ảnh: AP

Thiếu nhân lực?

Hiện có hơn 10.000 tù binh IS bị giam giữ trong khoảng 30 nhà tù và các căn cứ giam giữ tập thể trải khắp khu vực đông bắc Syria. Việc canh gác các nhà tù này vẫn đang là trách nhiệm của SDF và các lực lượng an ninh nội bộ liên kết của lực lượng này, cùng với sự hỗ trợ từ liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Trong khi đó, SDF cũng đang đảm nhận việc canh gác một khu trại riêng biệt với gần 70.000 người mất nhà ở tại Syria, một cơ sở có tên gọi là al-Hol, cũng nằm ở đông bắc Syria. Theo báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong số những người ở khu trại này, có hàng ngàn người là thành viên gia đình IS.

Các điều khoản của thỏa thuận được bảo trợ giữa SDF và chính phủ Syria cho phép chính phủ Syria triển khai lực lượng ở các khu vực trước đây SDF kiểm soát. Nguồn tin của cả 2 bên cũng khẳng định, các lực lượng chính phủ Syria sẽ triển khai chủ yếu ở các khu vực nhiều khả năng là mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ, như Manbij và các thị trấn khác ở biên giới, trong đó có cả thị trấn Kobani có đông người Kurd sinh sống.

Mặc dù không có tù nhân IS ở bất cứ địa điểm nào kể trên, nhưng sự hiện diện của lực lượng chính phủ ở các cùng lân cận cùng với mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tác động đến khả năng của SDF trong việc canh gác các tù nhân IS.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với NBC News tháng trước, Tướng Mazloum Kobani Abdi, Tổng tư lệnh của SDF, nói rằng ngày càng khó để bố trí nhân sự cho công việc canh gác các nhà tù giam giữ tù binh IS, bởi các thành viên của SDF đều muốn tới biên giới phía Bắc để chiến đấu với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù họ có được ra lệnh hay không.

Tuy nhiên, theo ông Haid Haid, nhà nghiên cứu về chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House ở Anh, vấn đề canh gác tù binh IS còn nhiều vấn đề khác, chứ không đơn thuần chỉ là thiếu nhân lực.

Theo các ước tính nội bộ, SDF hiện có khoảng 70.000 tay súng được triển khai khắp đông bắc Syria. Sẽ hợp lý khi cho rằng hàng ngàn người từ thành phần người Kurd trong SDF sẽ đặt ưu tiên đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ hơn các nhiệm vụ khác.

Tuy nhiên, cũng sẽ không hề vô lý khi cho rằng, các thành phần Arab – chiếm khoảng một nửa trong lực lượng SDF – vừa không muốn mạo hiểm chống lại chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ hay đụng độ với chính những người Syria [Quân đội Syria tự do] đang ở phe của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, họ có thể sẵn sàng cho nhiệm canh gác các tù binh IS.

Cũng có khoảng 30.000 người thuộc Lực lượng tự vệ (SPF) và Lực lượng an ninh nội bộ (ISF) có thể được huy động cho nhiệm vụ này.

SDF thay đổi chiến lược để gây sức ép với phương Tây?

Theo nhà nghiên cứu Haid, có thể khó hiểu về việc các binh sỹ muốn được chuyển tới tiền tuyến vì họ có gia đình trong khu vực hoặc họ đơn giản là muốn là một phần trong các chiến dịch chống lại những mối đe dọa sắp tới từ các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nếu, thay vào đó, việc tái triển khai các lực lượng của SDF cho thấy lực lượng này đang coi nhẹ việc canh gác tù binh IS, hoặc nếu nó được thực hiện để nhằm gây sức ép với phương Tây, thì đó là một bước chuyển chính sách – một chính sách mang tính khiêu khích.

Vấn đề canh gác tù binh IS có thể không nổi lên từ khả năng về nguồn lực mà là khả năng quản lý các tù binh này. SDF gần đây tuyên bố họ đang phân quyền để cho các hội đồng quân sự địa phương thêm linh động trong việc điều hành các vấn đề của mình, trong đó sẽ có thể bao gồm cả trách nhiệm đảm bảo an ninh tất cả các nhà tù giam giữ tù binh IS.

Dù vậy, SDF có thể sẽ phải đề nghị sự trợ giúp từ liên minh do Mỹ dẫn đầu. Bất chấp tuyên bố của Tổng thống Trump về việc sẽ rút các binh sỹ khỏi Syria, các quan chức Mỹ tại Syria đã khẳng định rằng các binh sỹ nước này vẫn còn ở đó, vẫn sẵn sàng và có thể đưa ra những hỗ trợ cả về tài chính lẫn chuyên môn cho các vấn đề liên quan tới IS.

Có một nhóm người khác mà gần như không mấy ai nói tới nhiều. SDF hiện cũng đang đảm bảo an ninh cho các khu trại tị nạn. Các khu trại này rất đông công dân địa phương. Dù họ không có quan hệ với IS nhưng họ lại không thể rời khỏi trại tị nạn vì vùng đất quê hương của họ không an toàn hoặc thiếu người bảo trợ ở bên ngoài – yếu tố cần thiết để rời khỏi các trại tị nạn.

Nếu có thể cho phép những người tị nạn này được chuyển tới các địa điểm mà chính họ lựa chọn, với sự hỗ trợ từ các tổ chức nhân đạo quốc tế và địa phương, điều đó sẽ không chỉ giúp họ có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường mà còn giải phóng nguồn lực của SDF cho nhiệm vụ quan trọng hơn  là canh gác tù binh IS.

Ông Haid cho rằng, bất cứ bước đi nào được thực hiện, dù là bởi SDF hay các lực lượng quốc tế - chỉ có thể là giải pháp ngắn hạn. Đặt một cái kết cho IS có nghĩa là giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đã khiến chúng trỗi dậy và điều đó đòi hỏi các chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, trong một bối cảnh rối ren hiện nay, sẽ khó có không gian cho những chiến lược như vậy./.