Cảnh báo này được xem như động thái trả đũa của Nga sau khi Mỹ yêu cầu đóng 3 cơ sở ngoại giao của Nga tại Mỹ, bao gồm tòa nhà lãnh sự quán tại San Francisco và 2 cơ sở ngoại giao khác tại New York và Washington. Như vậy, những căng thẳng mới diễn ra giữa Nga và Mỹ được coi là một bước lùi trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, Nga có quyền quyết định về số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ được ở lại Nga. Tuy vậy, Nga sẽ chưa làm điều đó vào ngay lúc này.
Trước đó, Nga từng yêu cầu Mỹ cắt giảm số lượng nhân viên làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Nga từ hơn 1.000 xuống còn 455 người trước ngày 1/9, ngang bằng với số nhân viên trong các cơ quan đại diện Nga được phép ở lại Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga có thể tiếp tục cắt giảm 155 nhân viên ngoại giao của Mỹ xuống còn 300 người bởi vì theo Tổng thống Putin, phía Mỹ đã sai lầm khi tính cả 155 nhà ngoại giao Nga làm việc tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York.
Dù không trực tiếp chỉ trích người đồng cấp Mỹ nhưng Tổng thống Putin cho rằng: “Cắt giảm số cơ sở ngoại giao của chúng tôi trên đất Mỹ là quyền của Mỹ. Vấn đề là điều này được thực hiện quá mức, không cho Nga thấy được Mỹ là đối tác của mình”.
Tổng thống Putin cho biết tới đây sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao Nga có hành động pháp lý với việc Mỹ vi phạm quyền sở hữu tài sản của Nga.
“Về các tòa nhà và cơ sở ngoại giao của chúng tôi, đây là điều chưa có tiền lệ, là sự vi phạm rõ ràng quyền sở hữu tài sản của Nga. Vì thế tôi sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao đưa vụ việc đến tòa án, và để xem bộ máy tư pháp của Mỹ, lâu nay vẫn được khen có hiệu quả, sẽ làm việc thế nào”.
Dù chính phủ Nga lên tiếng mạnh mẽ, nhưng trong trường hợp này, phía Mỹ đã có phản ứng khá nhẹ nhàng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, ngoài việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco (bang California), Mỹ cũng yêu cầu Nga giảm số lượng nhân viên của mình tại 2 cơ sở thuộc Đại sứ quán ở thủ đô Washington và Tổng lãnh sự quán tại New York.
Theo bà Nauert, khi tiến hành cắt giảm như vậy, cả Nga và Mỹ sẽ đều có 3 tổng lãnh sự quán với tổng cộng 455 nhân viên ngoại giao. Bà Nauert cho biết, Mỹ hy vọng sẽ không có thêm hành động trả đũa nào nữa với Nga.“Quan hệ Nga - Mỹ phải bắt đầu lại hoặc bị tan vỡ hoàn toàn”
Trước đó, hôm 31/8, Mỹ đã yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán ở San Francisco cùng hai cơ sở ngoại giao tại Washington và New York. Đây là động thái trả đũa việc chính phủ Nga quyết định trục xuất 755 nhân viên ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Nga. Sau hành động trả đũa này của Mỹ, mỗi nước sẽ có 3 lãnh sự quán đặt ở nước kia.
Nguyên nhân của chuỗi hành động "ăn miếng trả miếng" giữa 2 nước là lệnh trừng phạt do Quốc hội Mỹ thông qua hồi cuối tháng 7 và được Tổng thống Donald Trump phê duyệt sau đó. Đây là biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, sau các biện pháp trừng phạt vì vụ sáp nhập Crimea vào Nga hồi đầu năm 2014 và cáo buộc từ phía Mỹ rằng Nga đã can thiệp cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm ngoái./.Đem “hổ giấy” ra dọa Nga, Mỹ hy vọng và được gì?