Bất chấp những nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, tình hình thực địa tại Syria đang ngày càng trở nên phức tạp khi các nước lớn cùng quyết tâm lao vào một cuộc chiến khác nhằm tranh giành ảnh hưởng tại khu vực điểm nóng này.

nga_my_syria_axgz.jpg
Nga, Mỹ đối đầu ở Syria. Ảnh minh họa: Global Research.

Nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ tại chiến trường Syria đang trở thành vấn đề đáng lo ngại trong những ngày gần đây khi các hoạt động của lực lượng Mỹ và đồng minh tại quốc gia Trung Đông được đẩy mạnh, đe dọa trực tiếp đến lợi ích và các mục tiêu mà Nga đang bảo vệ. 

Quyết định chớp nhoáng của Tổng thống Mỹ khi phát lệnh phóng 59 quả tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ không quân al-Shayrat của Syria được coi như lời thách thức rõ ràng đối với hệ thống phòng không mà Nga triển khai tại đây, mở màn cho nguy cơ đối đầu trực diện giữa 2 cường quốc.

Thỏa thuận tránh đụng độ với đường dây nóng được thiết lập từ lâu đã một lần nữa bị Mỹ bỏ qua khi điều máy bay chiến đấu bắn hạ cường kích Su-22 của Syria để bảo vệ lực lượng đối lập dưới mặt đất.

Những sự cố liên tiếp này chính là hệ quả từ nỗ lực gia tăng can thiệp quân sự của Washington tại chiến trường Syria đã dần đẩy Nga và Mỹ vào thế đối đầu trực diện. Thậm chí trong ít ngày gần đây, cả hai bên đều đưa ra những lời lẽ cứng rắn cùng hàm ý không khoan nhượng với những hành động xâm phạm lợi ích từ đối phương.

Tại cuộc họp báo diễn ra hôm qua (28/6), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã không ngần ngại đề cập đến phản ứng của nước này nếu Mỹ tiếp tục lựa chọn hành động quân sự để chống chính quyền Syria khi tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng và thích hợp đối với tình huống leo thang. Ông Rex Tillerson đã gọi điện cho tôi để thông báo rằng Mỹ có thông tin về cái được cho là sự chuẩn bị một cuộc tấn công hóa học tiếp theo của chính phủ Syria chống lực lượng đối lập”.

Nga và Mỹ đã luôn cố gắng tránh đụng độ quân sự trực tiếp tại chiến trường Syria, nhưng nếu các đồng minh và đối tác của họ tiếp tục bị bên đối phương tấn công triệt hạ thì sự kiềm chế này khó có thể kéo dài.

Mới đầu tuần này, Nhà Trắng đã công khai đe dọa sẽ buộc Syria phải “trả giá đắt” nếu tiến hành một cuộc tấn công hóa học mà Mỹ đang nghi ngờ. Máy bay, tên lửa của Mỹ một lần nữa tấn công quân đội Chính phủ Syria và Nga sẽ trực tiếp ra tay can thiệp bằng biện pháp quân sự là một kịch bản tồi tệ đang ngày càng được nhiều người nhắc đến.

Một loạt các hành động quân sự mạnh tay của Mỹ tại Syria trong những ngày vừa qua có thể nằm trong sự tính toán về một chiến lược mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm hạ bệ Tổng thống al-Asssad và làm suy yếu tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Moscow.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy Mỹ đang cảm nhận rõ sự suy yếu trong vai trò của mình đối với cuộc khủng hoảng và buộc phải thử phản ứng của Nga về khả năng đối đầu trực tiếp với liên minh Nga – Syria.

Nếu đụng độ quân sự Nga – Mỹ bùng nổ tại chiến trường Syria, 2 nước không những sẽ không thể tìm được lợi ích của mình ở đây mà còn chịu nhiều tổn thất to lớn khôn lường. Chính bởi vậy, viễn cảnh này sẽ khó có khả năng xảy ra khi cả 2 bên cùng xác định không thể liều lĩnh lao vào một canh bạc mạo hiểm đánh đổi các lợi ích an ninh sống còn của mình ở khu vực.

Tarek Alabed, chuyên gia phân tích chính trị tại Damacus, Syria nhận định: “Cả Nga và Mỹ rõ ràng đều không muốn bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng hoặc bị đẩy đến đối đầu trực tiếp tại Syria. Nga cần Mỹ xác định rõ hơn vai trò của Moscow tại đây và không muốn Mỹ đóng vai trò lãnh đạo để giải quyết khủng hoảng”.

Thay vì đối đầu trực tiếp, kịch bản có khả năng cao nhất diễn ra trong thời gian tới là cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai phía sẽ trở nên khốc liệt hơn khi tổ chức khủng bố ISdần bị đẩy lùi để lại những khoảng trống địa lý khiến Damascus và lực lượng đối lập cùng tranh giành quyền kiểm soát. Nga và Mỹ sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn mà sẽ tiếp tục can dự sâu hơn vào cuộc khủng hoảng khiến tình hình càng thêm rối loạn.

Đất nước Syria vốn bị bom đạn cày nát suốt cuộc khủng hoảng kéo dài 6 năm qua có thể tiếp tục là bãi thử vũ khí của các nước lớn trong thời gian tới. Cuộc khủng hoảng tại Syria chưa thể đi đến hồi kết trong tương lai gần./.