Trong dòng tweet trên trang mạng xã hội cá nhân ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng “tên lửa đang đến Syria” đồng thời cảnh báo Nga nên sẵn sàng. Tuyên bố được đưa ra với cái cớ chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus.

doi_dau_nga_my_biua.jpg
Cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria nếu tổn hại dù chỉ 1 lính Nga cũng sẽ khiến Moscow đáp trả và đối đầu quân sự giữa 2 cường quốc là khó tránh. Ảnh: Reuters

Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh được những cáo buộc của Mỹ và phương Tây liên quan đến việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Douma. Bởi nếu có, Mỹ đã đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Mỹ lấy cớ tiếp tục ở lại Syria

Theo ông Gerhard Mangott, nhà phân tích chính trị đại học Innsbrook của Áo, đây chỉ là cái cớ để Mỹ tiếp tục ở lại Syria sau lời “nói hớ” của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ “sẽ sớm rút khỏi Syria”.

Trong vụ tấn công vũ khí hóa học ở Douma, tính hợp lý của thời điểm thực sự không ủng hộ ý tưởng rằng chính phủ Syria là bên chịu trách nhiệm.

Khi Tổng thống Donald Trump đầu tháng này tuyên bố rằng, Mỹ sẽ sớm rút quân khỏi Syria trong vòng vài tháng tới, đây là điều mà chính phủ Syria hoàn toàn mong đợi. Các lực lượng của Tổng thống Syria Basar al-Assad sẽ “không dại” gì tiến hành một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở thời điểm này. Nếu làm thế, Mỹ sẽ lại có một cái cớ hoàn toàn hợp lý để tiếp tục ở lại Syria.

Bên cạnh đó, thời điểm này cũng có một thỏa thuận được đàm phán về việc các phiến quân rút khỏi Đông Ghouta tới các tỉnh Idlib. Về lý mà nói, khi mà các phiến quân đằng nào cũng rời khỏi Đông Ghouta, tại sao chính quyền Syria còn cần phải tiến hành một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học?

Theo ông Gerhard Mangott, ai là người “đạo diễn” vụ tấn công vũ khí hóa học ở Douma thì cần phải có bằng chứng trên thực tế, chứ không thể chỉ dựa vào những đoạn video, các thông điệp đến từ phe đối lập.

“Những gì chúng ta cần là một cuộc xác minh độc lập về việc vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma để tìm ra ai mới là người “đạo diễn”. Các bên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không thể nhất trí về giải pháp thành lập cơ chế điều tra chung. Vì thế những gì chúng ta chờ đợi bây giờ là một phân tích độc lập của các chuyên gia thuộc Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW)”, ông Mangott nói.

Đối đầu Nga-Mỹ

Nói về dòng tweet của Tổng thống Donald Trump “tên lửa đang tới Syria”, ông Mangott cho rằng, “đây là một thông điệp cực kỳ vô trách nhiệm. Tôi không kỳ vọng Tổng thống của một quốc gia lại có một tuyên bố như vậy trên Twitter. Nếu ông ấy thực sự dùng tên lửa tấn công nhằm vào các cơ sở của chính phủ và quân đội Syria thì đó là một hành động bất hợp pháp”.

Ông Mangott nhấn mạnh, việc sử dụng vũ khí hóa học tất nhiên là điều vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ cùng các đồng minh như Pháp và Anh đang được cân nhắc hiện nay, cũng không phải là điều hợp pháp. Bên cạnh đó, một cuộc tấn công như vậy sẽ tạo ra một tình thế vô cùng nguy hiểm, bởi trên thực tế Syria đã là một chiến trường cực kỳ phức tạp với nhiều lực lượng của cả Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Syria, Iran, và cả các lực lượng người Kurd. Vì thế, nếu Mỹ tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Syria, chiến trường Trung Đông này sẽ như thùng thuốc súng phát nổ.

Tháng 4/2017, Mỹ từng tấn công Syria bằng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk sau cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Sau một năm, kịch bản này lại tái diễn. Và lần này, chắc chắn, Nga sẽ không để yên. Câu hỏi ở đây là Nga sẽ đáp trả thế nào?

Người đứng đầu Các Lực lượng Vũ trang Nga tuyên bố Nga sẽ đáp trả nếu bất cứ nhân viên quân sự nào của Nga bị thương trong cuộc tấn công của Mỹ. Vì thế, nếu cuộc tấn công tên lửa thực sự diễn ra và dẫn tới sự đáp trả của Moscow, thì đây sẽ là cuộc đối đầu quân sự lần đầu tiên trong lịch sử giữa Nga và Mỹ./.