Ngày 24/10, lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), Ủy ban châu Âu (EC) đã bác kế hoạch ngân sách của Italy, với lý do thâm hụt ngân sách dự kiến quá cao và đặc biệt là mức nợ công khổng lồ lên tới hơn 130% GDP. Đây thực sự là một cơn địa chấn đối với Italy.

eu_italy_bhwa.jpg
(Ảnh minh họa: Reuters)

Quyết định được 28 ủy viên đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban châu Âu ở Strasbourg, Pháp. Các nguồn tin cho biết, Ủy viên về các vấn đề kinh tế của EU Pierre Moscovici sẽ sớm gửi yêu cầu buộc chính quyền dân túy của Italy phải xem xét lại kế hoạch chi tiêu, đồng thời đặt cho nước này thời hạn 3 tuần để trình một dự thảo phù hợp.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban châu Âu phải yêu cầu một nước thành viên phải sửa đổi kế hoạch ngân sách” - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nhấn mạnh. “Chúng tôi đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu chính quyền Italy phải làm như vậy. Chúng tôi cũng nhất trí dành cho Italy tối đa 3 tuần để cung cấp kế hoạch ngân sách sửa đổi cho năm 2019.”

Tuy nhiên, câu trả lời của liên minh cầm quyền giữa đảng Phong trào 5 sao và đảng Liên đoàn tại Italy cũng gây bất ngờ khi khẳng định “sẽ không có chuyện xem xét lại kế hoạch”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính phủ Italy sẽ không đưa thêm bất kỳ kế hoạch ngân sách mới nào theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu.

Xung đột ngân sách giữa Italy và Liên minh châu Âu ngay lập tức đã trở thành câu chuyện xuất hiện trên trang nhất hầu hết các tờ báo lớn tại Italy trong ngày 24/10.

“Đối đầu toàn diện với Liên minh châu Âu” là nhan đề bài viết được in nổi bật trên trang nhất tờ La Repubblica số ra 24/10, trong đó ghi lại cảm xúc của người dân Italy sau quyết định của Ủy ban châu Âu, cũng như những tuyên bố của thủ lĩnh Phong trào 5 sao Luigi Di Maio. Vị Bộ trưởng trẻ tuổi của Italy không hề ngạc nhiên trước sự lựa chọn của Ủy ban châu Âu. Theo ông, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề ngân sách của Italy trở thành mục tiêu chỉ trích của Liên minh châu Âu, song lại là sự lựa chọn của nhân dân.

Trong khi đó Nhật báo Il Dubbio thì nhắc lại những phát biểu của Lãnh đạo đảng Liên đoàn, đồng thời là phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini cho rằng, Ủy ban châu Âu đang thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào nhân dân Italy.

Tuy nhiên, vấn đề ngân sách mặt khác cũng đang cho thấy sự chia rẽ trên chính trường Italy.

Trái ngược với quan điểm của các nhà lãnh đạo trong liên minh cầm quyền, Tổng thống Italy Sergio Mattarella lại không dưới 1 lần cảnh báo nguy cơ một sự đứt gánh giữa Italy và Liên minh châu Âu.

Một số ý kiến cũng cho rằng, dường như Italy đã quá tự tin khi cho rằng EU sẽ không thể bỏ rơi nước này sau khi vừa để mất một thành viên sáng lập là nước Anh. Đây là một tính toán nhiều rủi ro, bởi các biện pháp trừng phạt có thể làm trầm trọng hơn vấn đề ngân sách của Italy, với mức nợ công hiện chỉ thua mỗi Hy Lạp trong khi tăng trưởng kinh tế lại chậm nhất.

Dù kịch bản tồi tệ nhất cho mối quan hệ giữa Italy và EU gần như đã bị loại trừ vào thời điểm hiện nay, song nếu thời gian càng kéo dài lâu, thì mối quan hệ giữa Italy và EU sẽ ngày càng bị tổn thương và các vấn đề của Italy cũng ngày một trầm trọng hơn.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire mới đây cũng cảnh báo các nước vẫn phải tạo áp lực dần dần lên Italy. Bởi việc tuân thủ các quy định giờ càng trở nên quan trọng bội phần, nhất là trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với nhiều mối đe dọa nảy sinh từ các phong trào dân túy, từ đó có nguy cơ gây nguy hiểm cho sự tồn vong của Khu vực đồng tiền chung châu Âu./.