Ngày 15/10, nội các Italy nhóm họp để phê chuẩn ngân sách năm 2019, dự kiến có mức thâm hụt ngân sách cao hơn nhiều so với chỉ tiêu chính phủ trước đó đưa ra.
Chính phủ Italy đã đưa ra khung tài chính cho ngân sách, nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách cho năm tới lên 2,4%. Mức chỉ tiêu thâm hụt ngân sách của Italy thực tế vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trần 3% của EU. Tuy nhiên, mức này tăng nhiều so với mục tiêu 1,8% trong năm nay. Ngoài ra, Italy hiện lại có mức nợ công cao thứ 2 trong EU, sau Hy Lạp, và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất. Do đó, Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại chỉ tiêu thâm hụt ngân sách này có thể làm gia tăng nợ công của Italy. Chính vì vậy, thời gian qua kế hoạch ngân sách của Italy đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của một số nước Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Slovenia Marjan Sarec nhận định: “Luôn luôn có lo ngại về nguy cơ một nước không đưa ra các chính sách tài chính đảm bảo sự bền vững. Lo ngại này không chỉ xuất hiện trong eurozone mà còn các nhóm tài chính khác nữa. Các nước cần phải có đóng góp phù hợp với mong đợi và tôi cho rằng các bên có thể tìm ra được giải pháp”.
Ngân sách của Italy sẽ được trình lên EU trước khi thông qua lần cuối cùng tại Quốc hội vào trước cuối năm nay. Tuy nhiên, một số Cao ủy EU trước đó cảnh báo có thể bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy.
Trước các bất đồng giữa EU và Italy, không chỉ là vấn đề ngân sách mà còn một loạt các bất đồng khác như di cư, cải cách khối… dư luận cảnh báo nguy cơ Italy có thể nối gót Anh rời khỏi EU. Một quan chức Chính phủ Italy trước đó nhấn mạnh rằng, Liên minh châu Âu đã không rút ra bài học về việc Anh ra đi và có thể buộc Italy phải cân nhắc về tư cách thành viên.
Trấn an dư luận cũng như lo ngại của thị trường về nguy cơ Italy ra khỏi EU, Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio ngày 14/10 đã bác bỏ khả năng này, cho rằng những đồn đoán như vậy là do các đối thủ chính trị phao tin nhằm gây hoảng loạn. Ông Luigi Di Maio khẳng định, “không ai phải lo ngại” về khả năng Italy rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu hoặc Liên minh Châu Âu. Hiện không hề có nguy cơ nào và Italy cũng không hề có ý định đó.
Italy kêu gọi các cuộc đối thoại xây dựng với EU về vấn đề ngân sách
Phó Thủ tướng Luigi Di Maio trước đó cũng khẳng định ngân sách của Italy không nhằm chống lại EU.
“Sẽ là không đúng khi nhận định rằng ngân sách của Italy là chống lại EU. Italy là một trong những nước thành lập Liên minh châu Âu và chúng tôi luôn khẳng định rằng, Italy không chỉ muốn duy trì mà còn muốn cải thiện liên minh này và làm cho nó trở nên dân chủ hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho các nước thành viên”, ông Luigi Di Maio nói.
Thực tế trong quá trình vận động tranh cử, cả đảng Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn đều đưa ra cương lĩnh chống châu Âu. Tuy nhiên, hai đảng này không hề đưa ra kế hoạch rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khi quyết định liên minh để thành lập chính phủ hồi tháng 6 vừa qua. Việc ở lại EU cũng là mong muốn của nhiều người dân Italy.
Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, 61% số người dân Italy muốn tiếp tục sử dụng đồng euro, cao hơn nhiều so với mức 27% ủng hộ trở lại sử dụng đồng lira.Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 14/10 cũng bày tỏ tin tưởng rằng, EU sẽ nới lỏng lập trường về vấn đề ngân sách sau khi chính phủ có cơ hội giải thích các chiến lược mục tiêu tăng trưởng đúng đắn của mình.
Bất chấp chỉ trích của các nước EU nhưng kế hoạch ngân sách của Italy dường như nhận được sự ủng hộ của người dân nước này. Một khảo sát do Hãng Demopolis cuối tuần qua cho thấy, 52% người dân được hỏi ủng hộ kế hoạch ngân sách, trong khi chỉ có 38% phản đối./.
Bất đồng vấn đề nhập cư, liệu có nguy cơ Italy rời EU?