Tổng thống Italy Giorgio Napolitano hôm 22/3 đã trao cho lãnh đạo đảng Dân chủ Pier Luigi Bersani trọng trách thành lập chính phủ mới, sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng trước mà không đảng phái hoặc liên minh nào giành được thắng lợi rõ ràng.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi mà các đảng phái tại nước này vẫn còn chia rẽ sâu sắc.

Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với các chính đảng, Tổng thống Italy Napolitano bày tỏ tin tưởng, lãnh đạo đảng Dân chủ Trung tả sẽ đủ khả năng giành được sự ủng hộ của cả 2 viện Quốc hội.

“Tôi đã trao cho lãnh đạo Đảng Dân chủ trọng trách thành lập một chính phủ mới tại Italy,” ông Napolitano nói. “Ông Bersani sẽ phải nỗ lực để giành được sự ủng hộ của Quốc hội để thành lập chính phủ. Và tôi tin rằng, ông ấy có đủ khả năng để giành được sự tín nhiệm của cả 2 viện Quốc hội.”

lanh%20tu%20trung%20ta%20y.jpg
Ông Bersani (ảnh: Getty Images)

Về phần mình, ông Bersani khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành trọng trách được giao: “Tôi sẽ nỗ lực hết sức và làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổng thống đã trao, đó là thành lập một chính phủ nhận được sự ủng hộ của 2 viện Quốc hội.”

Trong vài ngày tới, ông Bersani sẽ tham vấn các chính đảng nhằm tìm kiếm đủ sự ủng hộ để thành lập một chính phủ có khả năng vượt qua những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cần thiết tại cả hai viện Quốc hội. 

Tuy nhiên trọng trách này được dự báo là rất khó khăn, nhất là khi luật bầu cử  hiện hành của Italy được đánh giá là khá phức tạp và khó có đảng nào có thể giành thế đa số tại cả 2 viện Quốc hội, trong khi cả hai cơ quan này đều có tiếng nói quan trọng ngang nhau trong đời sống chính trị Italy.

Vì thế, để hoàn thành trọng trách được trao ông Bersani sẽ buộc phải nhận được sử ủng hộ của cả 2 viện trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Song điều này là không dễ dàng bởi liên minh của ông Bersani chỉ giành được đa số tuyệt đối tại Hạ viện.

Hiện ông Bersani vẫn đang tìm cách thuyết phục sự ủng hộ của Phong trào 5 sao, đảng về thứ 3 trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Tuy nhiên lãnh đạo đảng này  cho đến nay vẫn giữ  lập trường không liên minh với bất kỳ chính đảng nào. Trong khi đó, khả năng phe trung tả cộng tác với phe trung hữu để lập nên một liên minh ít có khả năng xảy ra do ông Bersani đã từng bác bỏ khả năng này.

Trong bối cảnh này đã xuất hiện một số thông tin đồn đoán rằng, một chính phủ chuyển tiếp có thể được thành lập như thời điểm cựu Thủ tướng Mario Monti lên nắm quyền hồi cuối năm 2011.

Nhưng, một chính phủ theo kiểu “điền vào chỗ trống” như vậy sẽ không thể điều hành đất nước được lâu, đặc biệt trong bối cảnh Italy cần một quyết tâm chính trị đủ mạnh để thực hiện những cải cách kinh tế khó khăn như hiện nay.

Người dân Italy, giới kinh doanh, các chủ ngân hàng và lãnh đạo các nước trên thế giới đều hy vọng Italy sẽ sớm tìm ra một giải pháp để phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị và thành lập một chính phủ có khả năng tiến hành những cải cách cần thiết nhằm đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái./.