Nhưng chỉ trong một năm, Chính phủ của ông Tsipras đã mất nửa năm vật lộn trong các cuộc đàm phán với chủ nợ quốc tế, tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về các điều khoản xin cứu trợ và trải qua một cuộc bầu cử sớm mà mà kết quả là Đảng cánh tả Syriza một lần nữa giành chiến thắng.
Vượt qua chặng đương gian truân đó cùng với những khó khăn của cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay, có thể nói Đảng Syriza chưa có đủ thời gian và cơ hội tạo được những chuyển biến mà cử tri mong đợi.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu sau một năm cầm quyền. (ảnh: AFP). |
Hơn một năm trước, phát biểu trước đám đông trong ngày tranh cử cuối cùng, nhà lãnh đạo Đảng Syriza, khi đó mới 40 tuổi, đã kêu gọi cử tri trao cho Đảng cánh tả này quyền điều hành đất nước với lời cam kết sẽ chấm dứt các gói cứu trợ đòi hỏi việc thực hiện các chính sách thắt lực buộc bụng
Ông Tsipras đã khẳng định rằng lá phiếu của họ là “lá phiếu bầu cho sự ổn định” và trao cho Đảng Syriza “sức mạnh để đưa Hy Lạp lên những tầm cao mới”.
Nhưng tình thế sau đó đã buộc ông Tsipras phải quay đầu để cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ rời khỏi khu vực Eurozone. Thủ tướng Tsipras đã nỗ lực dùng cuộc trưng cầu ý dân về các điều khoản xin cứu trợ để tạo sức ép buộc các chủ nợ nhân nhượng song rút cuộc vẫn không tránh được tình trạng bờ vực phá sản khiến chính phủ phải áp dụng các biện pháp kiếm soát dòng vốn và đóng cửa hệ thống ngân hàng trong vòng 3 tuần.
Lãnh đạo Đảng Syriza đã phải chấp nhận cắt giảm thêm các khoản chi tiêu và tiền lương hưu, tăng thuế và thúc đẩy cải cách kinh tế cũng như thị trường lao động để được nhận khoản vay 86 tỷ euro trong vòng 5 năm tới, bất chấp những biện pháp thắt lưng buộc bụng đi kèm khắc nghiệt hơn đã gây chia rẽ sâu sắc trong chính nội bộ đảng cầm quyền của ông.
Phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm một năm cầm quyền của Đảng Syriza ngày 24/1 với khẩu hiệu “Một năm của cánh tả, một năm của đấu tranh, chúng ta vẫn tiến lên phía trước”, Thủ tướng Tsipras thừa nhận, trận chiến đưa đất nước này trở lại quỹ đạo vẫn chưa kết thúc.
Thay vì những lời hứa hùng hồn của một năm trước, ông Tsipras của ngày hôm nay phải kêu gọi sự ủng hộ đối với kế hoạch cắt giảm tiền lương dự kiến đưa ra Quốc hội thông qua vào tháng sau.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Hy Lạp vẫn nhấn mạnh rằng: “Có một điều mà tất cả chúng ta cần phải nhớ, đó là chừng nào người dân còn ủng hộ những nỗ lực của chúng ta thì chúng ta cần phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt hơn nữa cả bên trong và bên ngoài Hy Lạp. Ở trong nước, cuộc đầu tranh là để thay đổi tình trạng tham nhũng, còn ở ngoài nước, chúng ta đấu tranh với những ai nghĩ rằng họ có thể khiến cho dân tộc này phải cúi đầu mãi mãi”.
Thủ tướng Tsipras cũng cam kết sẽ tận dụng mọi cơ hội và sự linh hoạt trong đối thoại để có thể giúp những đối tượng dễ bị tổn thương nhất như doanh nghiệp nhỏ, nông dân và những người tự làm công ăn lương được hưởng “sự thay đổi công bằng hơn”. Nhưng ông vẫn giữ nguyên kế hoạch cắt 1,8 tỷ euro ngân sách tiền lương hưu năm nay.
Hy Lạp trông đợi vào tân Thủ tướng trẻ tuổi
Theo các nghiệp đoàn, nếu kế hoạch này được thông qua việc tăng tiền đóng góp cho các quỹ lương hưu, cùng với các khoản tăng thuế khác, sẽ khiến nhiều nhóm nghề nghiệp phải mất 70-85% thu nhập đóng cho ngân khố quốc gia.
Trong những tuần qua, hàng nghìn nông dân, công chức viên chức, người hưởng lương hưu, thậm chí luật sư, bác sỹ, kỹ sư tại Hy Lạp đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch cắt giảm tiền lương này. Liên đoàn lao động khối tư nhân lớn nhất Hy Lạp GSEE và liên đoàn lao động khối nhà nước ADEDY đại diện cho tổng cộng 2,5 triệu công nhân viên và hưu trí dự định tổ chức một cuộc tuần hành lớn vào ngày 4/2 tới.
Chủ tịch Hiệp hội hưu trí khối tư nhân Dimos Koubouris chia sẻ: “Chúng tôi đoàn kết với các công nhân vì chúng tôi đang phải đối mặt với cùng một vấn đề. Chính phủ đang phá hủy hệ thống an sinh xã hội, hủy hoại quyền của chúng tôi. Chúng tôi phải đấu tranh để thay đổi những chính sách của Liên minh châu Âu, của chính phủ và của những ai phục vụ cho họ”.
Thế những đối với các chủ nợ thì các biện pháp của Chính phủ Hy Lạp vẫn là chưa đủ. Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici mới đây cảnh báo rằng cam kết mới nhất của Hy Lạp về việc cắt giảm ngân sách dành cho hệ thống hưu trí mang đầy tham vọng, song có thể vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu của các chủ nợ.
Trong một nỗ lực khác nhằm tạo nguồn tài chính giải quyết núi nợ công khổng lồ của mình, Chính phủ Hy Lạp hôm 20/1 vừa qua cũng đã thông báo bán lại 67% cổ phần của bến cảng lớn nhất nước này là Piraeus cho COSCO - Tập đoàn vận tải biển lớn nhất Trung Quốc, với giá 368,5 triệu euro. Chính phủ Hy Lạp sẽ cần thêm thời gian cũng như thêm những nỗ lực như thế để có thể làm giảm bớt những tác động của chính sách khắc khổ không được lòng dân trong suốt 5 năm tới./.