Hôm 5/6, tại Đại học Nhân văn ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga, đã diễn ra cuộc hội thảo bàn tròn mang tên “Những tranh chấp lãnh hải và quyền hòa bình trong kỷ nguyên hiện đại”. 

Hàng chục chuyên gia, học giả, nhiều nhà Việt Nam học đã tham gia với những tham luận, nghiên cứu về vấn đề Biển Đông và những tranh chấp trong khu vực, đe dọa hòa bình thế giới.

nga_bien_5_copy_dpwn.jpg
Hội thảo bàn tròn về vấn đề Biển Đông diễn ra tại Moscow ngày 5/6

Cuộc hội thảo được tổ chức trong một phạm vi không lớn nhưng nhận được sự quan tâm tích cực của nhiều đối tượng, từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cả các giảng viên, sinh viên thuộc trường Đại học Nhân văn (Moscow). Đặc biệt, các đơn vị phối hợp cùng tổ chức như Trung tâm “Quyền Hòa bình”, Đại học Pháp lý Quốc gia... cùng sự tham gia của các nhà khoa học và nghiên cứu vốn đã được nhiều người biết tiếng là các chuyên gia đầu ngành về phương Đông học và Việt Nam học càng làm tăng giá trị của Hội thảo.

Các tham luận tại hội thảo tập trung nêu những diễn biến mới nhất trong khu vực Biển Đông liên quan đến các hành động của Trung Quốc như tiến hành xây dựng, gia cố ở các đảo, tuyên bố và hạn chế hoạt động giao thông, khai thác hải sản trong khu vực mà Trung Quốc tự “vạch ra” là thuộc chủ quyền hoặc quyền quản lý, kiểm soát của mình.. 

Và dường như tất cả đều khẳng định sự lo ngại về những diễn biến tình hình sẽ ngày càng căng thẳng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động ngang ngược.

Đại Nam nhất thống toàn đồ của Việt Nam triều Minh mạng (Năm 1834) ghi rõ chủ quyền của Việt Nam về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trưng bày tại Hội thảo bàn tròn

Ủng hộ quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông 

Tham luận của bà Umnova mang tên “Những cơ chế chính trị-pháp lý giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và vai trò của Nga như một hòa giải viên chủ chốt trong chính sách hòa bình” đã đưa ra những khuyến nghị cho việc tìm kiếm một cơ chế giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông, gợi mở những thiết chế và những giải pháp pháp lý cho việc giải quyết những vấn đề tại Biển Đông, trong đó đặt Nga ở vị trí then chốt trong quá trình hòa giải.

Đặc biệt, bà cũng bày tỏ ủng hộ việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, đưa ra những cơ chế pháp lý cụ thể để giải quyết, trong đó có việc đệ đơn lên Tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc, Tòa án công minh khu vực ASEAN, tòa án của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tác giả thậm chí còn cho rằng cần phải tiến xa hơn Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, và cần ký kết Hiệp ước trung lập tại Biển Đông và phải xây dựng một "Lộ trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông".

 Và như vậy, việc hợp tác giữa các bên tranh chấp tại nơi mà họ là những thành viên bình đẳng, tất cả các vấn đề đều giải quyết bằng đồng thuận là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất. Trong đó nước Nga là một nước then chốt trong vai trò hòa giải của quá trình này, đã có kinh nghiệm tích cực trong việc giải quyết hòa bình các xung đột trên trường quốc tế.

Tấm bản đồ cổ có đánh dấu các đài khí tượng của Đông Dương, trong đó có 2 đài khí tượng ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Quan điểm của Nga

Tham luận của ông Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Viễn Đông Liên bang Nga có nhan đề “Khủng hoảng mới tại Biển Đông và những biện pháp giải quyết: Quan điểm của Nga”. Trong đó có những vấn đề như  “Đường lối của Nga nhằm củng cố an ninh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, “Quan điểm của Nga đối với vấn đề tranh chấp tại Biển Đông”.

Theo đó Nga chủ trương đứng trên quan điểm: tất cả các quốc gia liên quan cần phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, tiếp tục kiên trì tìm kiếm giải pháp chính trị - ngoại giao để giải quyết các vấn đề tồn tại trên cơ sở những chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trước hết là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, tuyên bố ứng xử các bên tại Biển Đông 2002.

GS, TS Mosyakov với tham luận tại Hội thảo nhận được sự tán thưởng mạnh mẽ

“Trung Quốc phải thay đổi đường lối” 

Tham luận của Giáo sư, tiến sỹ Mosyakov - Phó giám đốc Viện nghiên cứu Phương Đông - Viện hàn lâm khoa học Nga có nhan đề “Tình hình tại Biển Đông - mối đe doạ tới ổn định và an ninh khu vực” thì đưa ra kết luận cho rằng lối thoát duy nhất từ tất cả những tiêu cực hiện nay là Trung Quốc phải thay đổi đường lối của mình, trở lại với ý tưởng hợp tác với các nước láng giềng, có tính đến lợi ích hợp pháp của họ, tìm kiếm và đạt được một thỏa hiệp trên cơ sở luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

Tham luận nhắc lại rằng, dù Công ước này không phải hoàn toàn hoàn thiện, nhưng nó là nền tảng duy nhất tin cậy và hợp pháp để đạt được thỏa hiệp khi xem xét khiếu nại lẫn nhau trong khu vực lãnh thổ biển.

Các chuyên gia đầu ngành của một số học viên, Đại học tham gia Hội thảo

Giáo sư, tiến sỹ Trigubenko, thuộc Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á, Viện kinh tế, Viện hàn lâm khoa học Nga có tham luận đưa ra nhiều dẫn chứng, cứ liệu cụ thể trong những thời gian gần đây để thấy rằng, Trung Quốc đang quyết tâm củng cố các vị trí mà họ chiếm một cách bất hợp pháp. 

Những quan điểm được nêu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 về an ninh ở châu Á, " Đối thoại Shangri-La" được tổ chức tại Singapore mới đây cũng được sử dụng trong tham luận của bà. Tham luận cũng gửi một thông điệp về việc Trung Quốc cần phải ngay lập tức và vĩnh viễn ngừng xây dựng các hòn đảo ở Biển Đông.

GS, TS Loksshin với tham luận tại hội thảo bàn tròn ngày 5/6

Sau khi các tham luận được trình bày, các đại biểu tham dự hội thảo còn tiếp tục trao đổi ý kiến xung quanh những diễn biến căng thẳng này và đều thống nhất ở một ý rằng, mọi xung đột bạo lực cần phải sớm được loại bỏ và các tranh chấp cần được giải quyết bằng hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế mà cụ thể ở đây là Công ước khung của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.

Bà Irina Umnova - đồng Hiệu trưởng trường Đại học Nhân văn (Moscow) 

Còn tiếp tục tổ chức các hội thảo tương tự

Kết thúc cuộc hội thảo, đánh giá về hoạt động này, bà Irna Umnova- đồng Hiệu trưởng trường Đại học Nhân văn (Moscow)  khẳng định: “Thành công trước hết của Hội thảo là đã tạo ra được một diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi các quan điểm của mình. Ấn tượng rõ ràng nhất là việc các nhà khoa học đã sẵn sàng ngồi lại với các nhà chính trị để trao đổi với nhau những vấn đề cùng quan tâm".

Bà Ummova cũng cho biết trong thời gian tới, có thể sẽ tổ chức các cuộc hội thảo kiểu này với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, thậm chí cả Bộ Quốc phòng.

"Tôi cho rằng, những vấn đề phức tạp, mới nảy sinh cần có sự phối hợp hành động để giải quyết”, bà nhấn mạnh.

Sau cuộc hội thảo bàn tròn về vấn đề ở Biển Đông, các tham luận sẽ được tập hợp trong tạp chí của Trường Đại học Nhân văn mang tên “Dự báo” và cả trên trang mạng chung. Với cách đó, hy vọng những thông tin, những quan điểm của các nhà nghiên cứu sẽ được giới thiệu rộng rãi. Điều đó là rất có ích trong việc giữ gìn sự ổn định cho mỗi nước, cho khu vực và cả thế giới vốn liên tục có những biến động thời gian gần đây./.