3 triệu chữ ký yêu cầu trưng cầu ý dân lần 2
Một lời kêu gọi được gửi lên trang web của Quốc hội Anh, yêu cầu có một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về việc Anh sẽ ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu. Tác giả của kiến nghị này cho rằng đối với một quyết định hệ trọng như Brexit thì cần ít nhất 75% cử tri đi bỏ phiếu và kết quả phải đạt trên 60%. Cả hai tiêu chí này đều không đạt được trong vụ trưng cầu dân ý hôm 23/6 vừa qua khi số cử tri đi bỏ phiếu ở mức trên 72% và số người ủng hộ Brexit là 52%.
Thùng phiếu được kiểm ở Gibraltar (Ảnh: Getty). |
Điều đáng nói ở đây là chỉ sau một ngày khi kiến nghị này được gửi lên trang web của Quốc hội Anh, đã có gần 3 triệu chữ ký ủng hộ, yêu cầu có một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit.
Dù hãng thông tấn BBC sau đó có đặt ra nghi ngờ có sự gian lận về số lượng chữ ký nhưng thực tế cho thấy là vẫn có quá nhiều người thất vọng với Brexit và muốn cứu vãn tình thế.
Theo luật của Anh thì một kiến nghị chỉ cần có 100.000 chữ ký là Quốc hội Anh buộc phải xem xét vấn đề, vì thế với gần 3 triệu chữ ký, kể cả có gian lận, thì cũng đã quá đủ để Quốc hội Anh phải bàn thảo lại về Brexit.
Tuy nhiên, tất cả những phân tích trên là về mặt lý thuyết còn trên thực tế, mặc dù đúng là Quốc hội Anh có quyền đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu dân ý 23/6, nhất là khi cuộc trưng cầu này không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng các nhà phân tích đều cho rằng rất khó có khả năng đó xảy ra bởi lẽ cốt lõi của vấn đề là các đảng phái chính trị, từ đảng cầm quyền cho đến các đảng đối lập đều đã tuyên bố từ trước là sẽ tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.
Hậu Brexit: Vương quốc Anh sẽ “tan đàn xẻ nghé”?
Khả năng đảo ngược Brexit là rất nhỏ.
Về mặt lý thuyết, nếu muốn thì chính phủ và Quốc hội Anh hoàn toàn có thể hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 và tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý khác hoặc chỉ đơn giản là không xem kết quả đó là bắt buộc. Xin nhắc lại là kết quả trưng cầu dân ý hôm 23/6 không có tính chất ràng buộc pháp lý nên nước Anh vẫn có thể bỏ qua kết quả này để ở lại với EU.
Tuy nhiên, về mặt chính trị, đó là việc không khả thi. Dù người Anh có hối hận thế nào thì thực tế vẫn là đã có hơn 17 triệu người Anh bỏ phiếu muốn rời EU và đó là một quyết định dân chủ mà một nhà nước dân chủ lâu đời bậc nhất thế giới như Anh quốc phải tôn trọng.
Brexit là việc khó có thể đảo ngược và cũng rất khó để EU có thể chấp nhận nếu người Anh muốn ở lại bởi hậu quả mà Brexit gây ra đã thành hiện thực.
Vì sao EU muốn Anh rời đi “càng sớm càng tốt”?
Nước Anh hiện nay đang thực sự rối bời. Hai quan chức cao cấp của Anh là Thủ tướng David Cameron và Bộ trưởng Tài chính, đại diện của Anh trong Ủy ban EU Jonathan Hill cũng đã thông báo ý định từ chức.
Trong bối cảnh người Anh hoang mang như vậy thì 4 nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Liên minh Châu Âu cũng thẳng thừng tuyên bố mong muốn Anh sớm bắt đầu tiến trình đàm phán rút ra khỏi EU.
Nước Anh hiện nay đang rối bời vì Brexit. (ảnh: Getty). |
Bốn nhà lãnh đạo cao nhất của Liên minh Châu Âu gồm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu, Nghị viện Châu Âu và chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu đã có tuyên bố khá cứng rắn khi thúc giục Anh sớm tiến hành quy trình để rời khỏi EU “càng sớm càng tốt”. Phản ứng này trái với những tuyên bố trước cuộc trưng cầu ý dân của các nhà lãnh đạo này.
Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, tất cả các lãnh đạo châu Âu đều tuyên bố ủng hộ nước Anh ở lại với EU và trên thực tế, dù đã có lường đến tình huống tồi tệ nhất, các nhà lãnh đạo này đều tin rằng khả năng Brexit xảy ra là không cao. Vì thế, khi Brexit trở thành sự thực, đó là một thực tế ác mộng với giới lãnh đạo EU.
Tác động lớn nhất mà Brexit mang lại đối với châu Âu trong ngắn hạn là nó tạo ra một khoảng thời gian bất định với rất nhiều rủi ro, có thể kích hoạt hiệu ứng domino khó lường ở các nước thành viên khác. Chính vì thế, các lãnh đạo châu Âu đều muốn khoảng thời gian bất định này chấm dứt càng sớm càng tốt.
Anh: 11 thành viên rút lại sự ủng hộ với lãnh đạo Công đảng đối lập
Theo quy định của EU, phải mất ít nhất 2 năm thì các thủ tục để một thành viên rời khỏi EU mới hoàn tất. Trên thực tế thì thời gian có thể lâu hơn, mà càng lâu thì sự bất định, tình trạng lơ lửng càng kéo dài, càng bất lợi cho châu Âu. Đó là lí do mà các lãnh đạo châu Âu đều muốn nước Anh nếu đã quyết định ra khỏi EU thì phải hoàn tất các thủ tục càng sớm càng tốt.
Xung đột lợi ích giữa Anh và EU
Trong tình huống này có sự xung đột lợi ích rất rõ ràng: trong khi lãnh đạo châu Âu muốn Anh ra khỏi EU càng nhanh càng tốt thì các lãnh đạo Anh, từ chính phủ hiện tại đến các đảng đối lập, lại muốn kéo dài thời gian rút khỏi EU càng lâu càng tốt.
Lợi ích của Anh và EU xung đột. |
Minh chứng rõ rệt là việc Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ để lại quyền tuyên bố nước Anh rút khỏi EU cho người kế nhiệm, mà người này sớm nhất phải đến tháng 10 năm nay nước Anh mới bầu ra, sau đại hội của đảng Bảo thủ.
Các thủ lĩnh của Brexit như Boris Johnson thì cũng tuyên bố là “không nên vội vã” với tiến trình Anh rút khỏi EU.
Tại sao lại có việc đó?
Đó là vì về mặt nguyên tắc, theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chỉ khi nào chính phủ Anh tuyên bố chính thức với Hội đồng châu Âu là muốn rút khỏi EU thì các thủ tục mới được khởi động, mà ông Cameron thì lại không muốn kích hoạt điều khoản này.
Các tác động mãnh liệt của sự kiện Brexit, như sự sụt giảm của đồng bảng Anh và các chỉ số chứng khoán, tâm lý bi quan của giới đầu tư và cả sự thất vọng, ân hận của cử tri Anh… đang khiến giới lãnh đạo Anh, kể cả những người ủng hộ Brexit choáng váng. Vì thế, họ muốn kéo dài thời gian Anh ở lại EU để làm giảm tác động tiêu cực, cũng như muốn có thời gian đàm phán những điều khoản ra đi có lợi hơn.
Mà điều này thì hoàn toàn không phải là lợi ích của EU. Nước Anh chia tay Châu Âu-Cú đấm trực diện giúp EU tìm lại chính mình?
Bài học từ Brexit – Không thể đùa với lửa
Một trong những lí do EU muốn đoạn tuyệt với nước Anh càng sớm càng tốt chính là để tránh hệ lụy không mong muốn từ hiệu ứng domino. Cách tốt nhất để các lãnh đạo EU dập tắt nguy cơ có những sự ra đi của các nước thành viên khác là cứng rắn ở mức cao nhất với nước Anh.
Nói cách khác là phải “trừng phạt” nước Anh vì quyết định Brexit. Điều này được thể hiện rất rõ qua các quan điểm của đại đa số các lãnh đạo châu Âu, mà cốt lõi là Ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU.
Nếu EU không cứng rắn với Anh thì sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm để các đảng dân túy và bài châu Âu ở các nước khác lợi dụng. Nguy cơ lớn nhất mà Brexit mang lại chính là điều này, đó là tạo điều kiện cho các đảng cực đoan, ví dụ như Mặt trận quốc gia ở Pháp, nổi lên nắm quyền và qua đó làm thay đổi cục diện chính trị châu lục, làm tan vỡ Liên minh châu Âu. Sau vụ Brexit, EU sẽ mất thêm nhiều nước nếu không cải cách
Bài học từ Brexit trước hết là không được đùa với lửa. Thủ tướng Anh David Cameron đã chơi canh bạc quá lớn với Brexit khiến nó không chỉ hủy hoại tương lai chính trị của ông mà còn có nguy cơ phá vỡ nước Anh và châu Âu. Sẽ có rất ít chính trị gia đang cầm quyền nào ở EU dám làm theo ông David Cameron khi đã nhìn thấy những hậu quả nhãn tiền như hiện nay. Bài học tiếp theo, đó là EU phải dùng sức mạnh của mình để siết chặt lại đội ngũ và cảnh báo bất cứ ý định ly khai nào.
Nếu không, Brexit có thể là điểm khởi đầu của sự sụp đổ trên diện rộng ở châu Âu./.