Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vừa diễn ra tại Anh đã cho kết quả: 51,9% dân chúng đồng ý rời khỏi EU. Đây là một quyết định khá sốc đối với cộng đồng quốc tế và với Khối liên minh 28 nước châu Âu này.

trung_cau_2_qksm.jpg
Thùng phiếu được kiểm ở Gibraltar (Ảnh: Getty).

Không chỉ dừng lại ở đó, quyết định Brexit còn gây một mối lo ngại hơn cho các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Các cuộc thăm dò tại nhiều quốc gia cho thấy người dân các nước như CH Czech, Italy hay Pháp đa số đang muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự nước Anh. Nhiều nhà phân tích dự đoán Brexit có thể sẽ tạo hiệu ứng domino, kéo theo Czexit (CH Czech rời EU) hay Slovexit (Slovenia rời EU) và thậm chí là Frexit (Pháp rời EU, dù nguy cơ không cao).

Uy tín của EU suy giảm

Điều nghiêm trọng nhất của Brexit là sự kiện này sẽ khiến uy tín và sức mạnh của EU bị suy giảm nghiêm trọng, khiến các phong trào bài châu Âu được tiếp thêm sức mạnh và có thể tạo đà cho các đảng cực đoan lên nắm quyền tại các quốc gia thành viên EU và đó có thể là khởi đầu của sự sụp đổ của EU.

Trước mắt, việc Vương quốc Anh rời EU sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong khối. Anh là nước đứng đầu khối các nước theo đường lối kinh tế tự do (gồm các nước khác như Hà Lan, CH Czech...) nên việc Anh rời bỏ EU sẽ khiến sức mạnh của nhóm này trong Hội đồng châu Âu suy giảm, đặc biệt trong các tranh luận về đường lối kinh tế.

Theo quy định mới đưa ra tháng 11/2014 về việc bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu, một thiểu số có quyền phong tỏa một quyết định của Hội đồng nếu thiểu số đó bao gồm ít nhất 4 quốc gia thành viên và chiếm ít nhất 35% dân số của khối. Khi Anh rời EU, nhóm “tự do” sẽ mất đi thành viên đông dân nhất và dân số của nhóm này (Anh, Hà Lan, CH Czech) sẽ giảm từ 25% xuống còn 15% dân số EU. Khi đó, nhóm “tự do” sẽ cần sự ủng hộ của những nước lớn vốn có truyền thống “bảo thủ” như Đức nếu muốn thông qua các chính sách kinh tế theo hướng mong muốn.

Về tổng thể, việc Anh rời EU sẽ đem lại thêm quyền lực cho hai cường quốc khác trong khối là Đức và Pháp. Trước đây, cuộc chơi trên bàn cờ kinh tế EU là giữa 3 nước Đức-Pháp-Anh nên nay khi Anh rút đi, Đức-Pháp sẽ là bộ đôi nắm quyền điều khiển và tiếng nói của Berlin, Paris sẽ có sức nặng hơn.

Gần 47 triệu cử tri Anh đã đi bỏ phiếu (Ảnh: Reuters).

Khả năng Scotland tách khỏi Vương quốc Anh

Trong khi người dân Vương quốc Anh lựa chọn Brexit thì đa số cử tri Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ mạnh mẽ việc ở lại trong Liên minh châu Âu. Giải quyết mâu thuẫn này ra sao là việc không đơn giản với chính quyền London bởi thủ lĩnh của đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon từng tuyên bố nếu Vương quốc Anh ra khỏi EU thì đảng SNP sẽ phát động yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh để trở thành quốc gia độc lập.

“Việc Scotland phải đứng ngoài EU dù chúng tôi đã bỏ phiếu ở lại sẽ là một hành động phi dân chủ căn bản", bà Sturgeon tuyên bố.

Năm 2015, Scotland đã tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập nhưng khi đó đa số người dân Scotland đã chọn phương án ở lại trong Vương quốc Anh. Tuy nhiên, với việc Brexit diễn ra, kịch bản về một Scotland độc lập lại được đặt ra và nguy cơ Vương quốc Anh phải đối mặt với sự tan rã trong nội bộ là điều hoàn toàn khả thi./.