Ngày 10/10, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã đưa ra lời cảnh báo rằng, hàng trăm dân thường bị mắc kẹt trong thành phố Kobani gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hàng ngàn người ở khu vực gần đó có khả năng sẽ bị tàn sát nếu phiến quân IS chiếm được thành phố này từ tay các chiến binh người Kurd.
Trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), đặc phái viên Staffan de Mistura đã gợi lại những cuộc diệt chủng tồi tệ nhất của thế kỷ 20 nhằm nhấn mạnh những quan ngại khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Kobani từ phía nam và phía đông.
"Bạn có nhớ những gì xảy ra tại Srebrenica? Chúng tôi thì không bao giờ quên và có lẽ chúng tôi không bao giờ tha thứ cho mình vì điều đó," ông Staffan de Mistura nói, đề cập đến vụ quân đội Serbia trong thành phần Bosnia-Herzegovina giết hại 8.000 người Hồi giáo Bosnia tháng 7/1995.
Thành phố Kobani đang bị vây khốn
Trong cuộc họp báo tại Geneva, ông Staffan de Mistura đã đưa ra một tấm bản đồ thành phố Kobani và cho biết, theo phân tích của Liên Hợp Quốc, hiện chỉ có một hành lang rất hẹp cho phép người ta có thể ra vào thành phố này.
Các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ngày 10/10 đã chiếm được "tổng hành dinh" của lực lượng người Kurd tại thành phố Kobani. Đây là khu vực có nhiều cơ quan quan trọng như trụ sở an ninh, đồn cảnh sát, trụ sở Hội đồng địa phương...
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura cho biết, hiện có khoảng 500-700 thường dân đang ở trong thành phố Kobani, trong khi đó có khoảng 10.000 - 13.000 người khác vẫn còn mắc kẹt tại một khu vực gần đó.
"Thành phố đang gặp nguy hiểm", Farhad Shami, một nhà hoạt động người Kurd ở Kobani cho biết qua điện thoại. Ông cũng cho biết các cuộc giao tranh ác liệt vẫn diễn ra tại phía phía nam và phía đông thành phố và phiến quân Nhà nước Hồi giáo đang tăng cường thêm lực lượng tiếp viện để bao vây Kobani.
Lực lượng dân quân người Kurd ở Kobani đang nỗ lực để ngăn chặn các chiến binh thánh chiến chặn nốt lối thoát cuối cùng cho dân thường vẫn còn mắc kẹt trong khu vực này, đồng thời kêu gọi hỗ trợ quân sự khẩn cấp.
Các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu dường như đã thất bại trong việc ngăn chặn bước tiến của phiến quân IS tại Kobani. Đài quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, hiện tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã giành quyền kiểm soát 40% diện tích thành phố Kobani.
"Việc chiếm được tổng hành dinh của người Kurd tại Kobani sẽ cho phép các chiến binh thánh chiến tiến về phía bắc của thành phố giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ", giám đốc Đài quan sát nhân quyền Syria Rami Abdel Rahman nói với AFP.
"Nếu họ thực hiện được điều đó, lực lượng người Kurd tại Kobani sẽ hoàn toàn bị bao vây".
Cũng theo Đài quan sát nhân quyền Syria, một chiến binh IS đã tiến hành vụ đánh bom xe tự sát ở phía Tây tổng hành dinh của người Kurd tại Kobani, giết chết 2 người.10 người Kurd khác cũng đã thiệt mạng trong một cuộc phục kích của IS ở phía nam thành phố.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn án binh bất động
Ngày 10/10, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết trong một tuyên bố, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành 9 cuộc không kích tại Syria vào thứ Năm và thứ Sáu. CENTCOM cũng cho biết, các cuộc không kích gần Kobani đã phá hủy hai cơ sở huấn luyện cùng các phương tiện chiến đấu và xe tăng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo..
Trong khi đó, hôm 10/10, phiến quân IS đã nã đạn cối vào Thổ Nhĩ Kỳ trong một nỗ lực để bao vây Kobani, một quan chức địa phương cho biết. Theo lời ông này, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đang muốn siết chặt thòng lọng quanh các tay súng người Kurd đang ở trong thành phố cũng như ngăn chặn bất cứ ai ra vào Kobani.
Các thường dân ở Kobani "rất có thể sẽ bị tàn sát", đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura nói. "Khi có một mối đe dọa sắp xảy ra cho dân thường, chúng ta không thể đứng nhìn và chúng ta không nên im lặng".
Ông de Mistura kêu gọi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các thiết bị quân sự cũng như những người tình nguyện vào Kobani giúp bảo vệ người Kurd tại Syria cũng như ngăn bước tiến của các chiến binh Hồi giáo cực đoan.
"Chúng ta cần phải làm điều đó bởi nếu không tất cả chúng ta, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hối hận vì chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội", ông de Mistura nói.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai quân đội và xe tăng đến khu vực biên giới gần Kobani, nhưng bất chấp áp lực của Mỹ, Ankara vẫn khẳng định họ sẽ không tham gia cuộc chiến trừ khi viêc này nằm trong một sự điều chỉnh chiến lược rộng lớn hơn của liên minh nhằm giúp phe đối lập tại Syria lật đổ Tổng thống Bashar Assad.
Sự chậm trễ này của chính quyền Ankara đã gây ra làn sóng biểu tình ở các khu vực mà người Kurd sinh sống ở nước này. Người biểu tình cáo buộc chính phủ mặc dù đã triển khai xe tăng tới sát biên giới, song lại không làm gì để bảo vệ thị trấn.
Bất chấp lệnh giới nghiêm được ban bố tại 6 tỉnh, ngày 9/10 người biểu tình, trong đó hầu hết là người Kurd tiếp tục đổ ra các đường phố ở tỉnh Cizre phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đốt cháy xe hơi và đụng độ với cảnh sát. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình người Kurd tại tỉnh Bingol miền Đông nước này đã khiến 2 nhân viên cảnh sát thiệt mạng và một người bị thương nặng, trong khi các cuộc đụng độ ở nhiều khu vực khác trong cả nước đã khiến 4 người biểu tình thiệt mạng.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dậm chân tại chỗ trong cuộc chiến chống IS không chỉ khiến nước này phải chịu sức ép lớn từ dư luận trong nước mà còn gây ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa Ankara và các đồng minh quốc tế. Trong bối cảnh IS đã tấn công thị trấn biên giới Kobani của Syria, Anh cho biết nước này sẽ cùng các đồng minh gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS. Hiện các quan chức Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có mặt tại Ankara để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự cho liên minh quốc tế chống IS.
Ngày 9/10, Iran cũng cho biết đã bắt đầu cuộc thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục Ankara ngăn cản lực lượng thánh chiến IS chiếm Kobani, thị trấn then chốt ở vùng biên giới Syria.
Ankara hiện đang thúc đẩy việc thành lập một vùng đệm và một khu vực cấm bay giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ người tị nạn và dân thường. Tuy nhiên, trong cuộc gặp ngày 10/10 với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh rằng, để làm được điều này cần có sự "phối hợp quốc tế chặt chẽ". Trong khi đó, Mỹ cho biết không sẵn sàng xem xét đề nghị này.
Hiện Mỹ đang muốn sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành các cuộc không kích chống ISvà. Đây là một phần trong các nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo, hiện đang chiếm cứ nhiều phần lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria./.