Ngày 1/5, Hàn Quốc và Triều Tiên bắt đầu tiến hành gỡ bỏ hệ thống loa phóng thanh dọc biên giới giữa hai nước, từng được sử dụng tuyên truyền chống phá lẫn nhau trong nhiều thập kỷ qua.

14_scls_gyom.jpg
Hàn-Triều bắt tay thực hiện các cam kết của Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Ảnh: AFP

Đây là hành động “cụ thể” đầu tiên của hai nước trong việc thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 27/4.

Ngày 1/5, truyền thông Hàn Quốc dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này xác nhận, Triều Tiên đã bắt đầu gỡ bỏ hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền dọc biên giới với Hàn Quốc vào sáng cùng ngày (theo giờ địa phương). Phía Hàn Quốc cũng đã có động thái tương tự vào buổi chiều cùng ngày.

Một số hoạt động tháo gỡ đã được báo giới Hàn Quốc và quốc tế đến ghi hình và đưa tin. Khoảng 40 trạm loa phóng thanh từ phía Hàn Quốc, bao gồm cả di động và cố định, sẽ được di chuyển đi chỗ khác hoặc bị phá hủy hoàn toàn.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo, đây là bước đi đầu tiên của 2 nước trong việc thực hiện tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh liên Triều và là hành động củng cố “niềm tin” giữa hai nước:

“Quân đội của chúng tôi đã bắt đầu dỡ bỏ các thiết bị của loa phóng thanh tại các khu vực dọc theo đường ranh giới quân sự (MDL) từ ngày 1/5. Đây là bước đầu tiên thực hiện Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Bước đi này dựa theo điều khoản ngừng tất cả các hành động thù địch giữa hai nước, bao gồm chương trình phát thanh và phát truyền đơn chống phá”, người phát ngôn Choi Hyun-soo nhấn mạnh.

Năm 1963, Hàn Quốc bắt đầu sử dụng hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền thông tin chống phá Triều Tiên tại khu vực biên giới, với 40 trạm loa phát. Tuy nhiên, tại thời điểm trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều, phía Hàn Quốc đã quyết định tạm ngừng hoạt động hệ thống loa phóng thanh này. 

Cùng với động thái gỡ bỏ loa phóng thanh tại khu vực biên giới, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên ngày 30/4 thông báo sẽ thống nhất múi giờ với phía Hàn Quốc từ ngày 5/5 tới, nhằm thúc đẩy sự hòa giải và thống nhất.

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo nước này đã nhận ra “sự tổn thương đau đớn” khi nhìn thấy hai chiếc đồng hồ hiển thị giờ Bình Nhưỡng và Seoul treo trên tường tại nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, nên ông đã đề xuất thống nhất múi giờ giữa hai miền Triều Tiên. Theo đó, múi giờ của Triều Tiên sẽ được đẩy nhanh lên 30 phút so với múi giờ hiện tại.

Liên quan đến các cam kết đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 1/5 đã đề nghị Liên Hợp Quốc tham gia vào quá trình kiểm chứng cam kết của Triều Tiên về phi hạt nhân hóa và kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, lời đề nghị trên được ông Moon Jae-in đưa ra trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Moon Jae-in đề nghị Tổng Thư ký Guterres cho phép các quan chức Liên Hợp Quốc tới tham gia giám sát và xác nhận việc đóng cửa bãi thử hạt nhân này.

Phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên cũng sẽ là nội dung chính trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới. Những diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, với việc hai bên bước đầu thực thi các cam kết của mình, đang tạo ra những điều kiện thuận lợi và tạo dựng niềm tin cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - nhiều khả năng sẽ lại diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm theo như gợi ý mới nhất từ người đứng đầu nước Mỹ./.