Truyền thông 2 miền Triều Tiên lạc quan
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 28/4 đăng tải nội dung Tuyên bố Bàn Môn Điếm trong đó nêu rõ, lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên và nhất trí sẽ sớm đạt được mục tiêu này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
KCNA nêu rõ: “Tại các cuộc hội đàm, hai bên đã chia sẻ thẳng thắn và cởi mở về quan điểm của các bên trong những vấn đề quan tâm chung như cải thiện quan hệ 2 miền Triều Tiên, đảm bảo hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.
Các phương tiện truyền thông khác của Triều Tiên cũng nhiều lần đề cập đến các cuộc đối thoại nhằm hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều.
Tuy nhiên, truyền thông Triều Tiên không nêu chi tiết nội dung nói trên mà tập trung nhấn mạnh đến những chủ đề khác như hòa bình, thịnh vượng và sự thống nhất 2 miền Triều Tiên.
Truyền thông Hàn Quốc cũng liên tục phát lại những hình ảnh được coi là “lịch sử” trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhiều tờ báo lớn của Hàn Quốc còn dành nhiều trang đăng tải tới 60 bức hình của 2 nhà lãnh đạo.
Những thông tin đầy tích cực và lạc quan từ 2 miền Triều Tiên được rất nhiều nhà lãnh đạo quốc tế hoan nghênh. Tổng thống Mỹ Donald Trump dù tuyên bố, “chỉ có thời gian mới có thể trả lời được câu hỏi về tương lai quan hệ liên Triều” vẫn nhận định, ông Kim Jong-un “rất thật tâm” trong vấn đề này.
5 điểm chính trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều
“Gáo nước lạnh” từ Tổng thống Trump
Dù vậy, Tổng thống Trump khẳng định, ông vẫn sẽ duy trì áp lực lên phía Triều Tiên và sẽ không “lặp lại sai lầm từ các chính quyền tiền nhiệm”.
Tuyên bố trên của ông Trump có phần gây bất ngờ bởi chính ông trước đó cho biết: “Tôi đã có một cuộc trao đổi rất tích cực với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và thời điểm diễn ra cuộc Thượng đỉnh Mỹ-Triều đang được ấn định”. Một quan chức Mỹ cho biết, địa điểm này nhiều khả năng sẽ là Singapore.
Nhà Trắng sau đó cũng xác nhận, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Trump đã “nhấn mạnh về một tương lai thịnh vượng cho Triều Tiên nếu nước này thực thi đầy đủ yêu cầu về phi hạt nhân hóa”.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã lên tiếng ca ngợi “sự cứng rắn” của Tổng thống Trump trong vấn đề Triều Tiên là cần thiết để có được kết quả tích cực từ Thượng đỉnh liên Triều.
“Tổng thống Donald Trump có quan điểm hết sức mạnh mẽ và cứng rắn về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và ông ấy đã nhận được sự ủng hộ cần thiết của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc [nước có ảnh hưởng rất lớn đến Triều Tiên-ND]”, ông Turnbull nhấn mạnh.
Cũng theo ông Turnbull, điều mà cộng đồng quốc tế cần làm là “không được nới lỏng áp lực nhằm vào Triều Tiên cho đến khi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên được hoàn tất”.
Ông Turnbull cam kết, Australia sẽ điều máy bay quân sự để giám sát mọi tàu thuyền của Triều Tiên tình nghi vận chuyển hàng hóa bị cấm theo các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Thượng đỉnh liên Triều: Toàn văn Tuyên bố Bàn Môn Điếm
Irannghi ngờ “sự tin cậy” của Mỹ
Trong khi đó, Iran- nước hiện phải đối mặt với nguy cơ Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà nước này ký hồi năm 2015- lên tiếng hoan nghênh kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều nhưng bày tỏ nghi ngờ về việc Mỹ là “đối tác đáng tin cậy” trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nhấn mạnh: “Iran coi Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều là bước đi quan trọng và đúng hướng đóng góp vào hòa bình và an ninh lâu dài trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ không phải là một đối tác đáng tin cậy khi họ không muốn tuân thủ các cam kết quốc tế và chính vì thế, không nên tiếp tục tham gia vào các cuộc đối thoại giữa 2 miền Triều Tiên”.
Trong một diễn biến có liên quan, tờ China Daily của Trung Quốc lại cho rằng, vai trò của Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là không thể bỏ qua. Tờ báo này nhận định: “Vấn đề phi hạt nhân hóa được nêu trong tuyên bố Bàn Môn Điếm chỉ nên được coi là triển vọng do chưa có được một kế hoạch hành động cụ thể. Điều này xuất phát từ việc, những chi tiết của kế hoạch này chỉ có thể đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên”./.
Những hình ảnh ấn tượng về Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lịch sử