Thái Lan đang trải qua tình trạng hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 30 năm qua tại nước này. Theo thống kê, sản xuất nông nghiệp tại 22 tỉnh dọc theo lưu vực sông Chao Phraya đã bị ảnh hưởng nặng nề, nông dân không thể trồng lúa trên những thửa ruộng truyền thống bởi nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp đã dần khô kiệt.

vov_beung_15_fabt.jpg
Nhiều khu vực rộng lớn của hồ Bueng Boraphet giờ cạn trơ đáy.

Đi bộ giữa lòng “Biển Bắc”

Bueng Boraphet hay còn được gọi là “Biển Bắc”, “Hồ vĩ đại” - là vùng đầm lầy và hồ nước ngọt lớn nhất của Thái Lan nằm ở phía Đông tỉnh Nakhon Sawan, phía Nam giáp sông Nan hợp lưu với sông Ping với diện tích lên tới hơn 200km². Bueng Boraphet có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp của 3 huyện xung quanh vùng hồ.

Ngoài vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, Bueng Boraphet còn là một khu vực có hệ sinh thái đặc hữu. Theo thống kê ở khu vực hộ có gần 200 loài động thực vật, trong đó có những loài quý hiếm như chim nhạn sông mắt trắng và cá hổ Thái.

Nếu chỉ qua những thông tin trên, người đọc có thể hình dung về một vùng hồ rộng lớn với diện tích mặt nước mênh mang vượt ngoài tầm mắt. Tuy nhiên, trong chuyến đi thực tế vừa qua tại Bueng Boraphet, nhóm phóng viên VOV có thể đi bộ một cách thoải mái ngay giữa lòng của hồ vĩ đại này mà chẳng sợ ướt bởi Bueng Boraphet đang khát cháy vì… hạn hán.

Dẫn chúng tôi đi thực tế tại Bueng Boraphet, ông Bunyun Phuesachok - Trưởng phòng Thủy sản tỉnh Nakhon Sawan cho biết nếu như trước đây khu vực lòng hồ ngập sâu dưới 6m nước thì giờ đây mực nước đo được chỉ còn khoảng 2m. Nhiều khu vực rộng lớn của hồ giờ cạn trơ đáy, thảm thực vật đặc hữu của vùng đầm lầy ngập nước giờ khô trắng và cháy xém nham nhở dưới cái nắng bỏng rát.

Thảm thực vật đặc hữu của vùng đầm lầy ngập nước giờ khô trắng, cháy xém.

Cũng theo ông Bunyun Phuesachok, bình thường những năm trước đây lượng nước trong hồ là 180 triệu m3 nhưng do hạn hán gay gắt liên tiếp trong 2 năm qua khiến trữ lượng nước trong hồ chỉ còn khoảng 10 triệu m3.

Nuôi trồng thủy sản tại Beung Boraphet cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi diện tích mặt nước thu hẹp. Nếu như trước đây vùng hồ này có thể cho thu hoạch không dưới 1.000 tấn cá mỗi năm thì nay đã bị giảm đi đáng kể. Không chỉ là những ảnh hưởng trước mắt, người ta cũng đang lo ngại rằng sự đa dạng sinh thái của vùng đất ngập nước ở Bueng Boraphet sẽ dần mất đi nếu hạn hán tiếp tục kéo dài.

Hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người nông dân

Trong chuyến đi thực tế tại 2 tỉnh Nakhon Sawan và Phitsanulok (Thái Lan) vừa qua, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những cánh đồng khô trắng, nứt nẻ. Lãnh đạo các địa phương này cho biết, trong vòng 2 năm trở lại đây nông dân không thể trồng lúa trong mùa khô và phải tìm mọi cách khác để mưu sinh.

Beung Boraphet khát cháy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Theo thống kê, nguồn nước cạn kiệt đã khiến 100% làng, xã trên toàn tỉnh Nakhon Sawan thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Đối với một tỉnh được coi là vựa lúa tại miền Trung Thái Lan như Nakhon Sawan hậu quả của hạn hán là rất nặng nề.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Apisun Sangasri - Phó tỉnh trưởng tỉnh Nakhon Sawan cho biết, phần lớn dân số của tỉnh làm nông nghiệp trong đó có trồng lúa, rau màu, trồng cọ làm dầu và nuôi trồng thủy sản. Trong liên tiếp 2 năm qua, hạn hán khốc liệt đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tình trạng thiếu nước trầm trọng đã khiến tỉnh phải áp dụng các giải pháp tình thế trước mắt, trong đó ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt đồng thời kêu gọi người dân sử dụng nước một cách tiết kiệm nhất, trồng các loại cây sử dụng ít nước...

Nakhon Sawan cũng phải tiến hành chương trình làm mưa nhân tạo để giải quyết nhu cầu nước ngọt cho người dân (năm 2015 tỉnh này đã tiến hành làm được 330 cơn mưa nhân tạo), đồng thời tiến hành khoan giếng và huy động lực lượng vũ trang đưa nước sạch đến cho người dân (5.370 chuyến với tổng cộng khoảng 39 triệu lít nước sạch được cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân trong tỉnh). Ngoài ra để đối phó với tình trạng nguồn nước ngày càng khan hiếm, tỉnh cũng yêu cầu người dân hạn chế nuôi cá để tránh làm ô nhiễm nguồn nước, hạn chế hút nước trực tiếp bơm lên đồng ruộng và cấm xả nước thải xuống sông hồ...

Những cánh đồng khô trắng, nứt nẻ vì hạn hán.

Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan (RID) đã cảnh báo người dân thuộc 22 tỉnh trong lưu vực sông Chao Phraya không nên trồng lúa trong mùa khô, tuy nhiên vì sinh kế nhiều nông dân vẫn bất chấp cảnh báo bởi theo họ đây là nguồn thu nhập chính của gia đình dù biết rằng có thể mất trắng vì không đủ nguồn nước cho cây lúa.

Tài liệu mà Cục quan hệ công chúng Thái Lan (PRD) cung cấp cho chúng tôi có trích lời của bà Wassana Gromtu - một nông dân ở huyện Bang Rakam, tỉnh Phitsanulok - cho biết bà vẫn sẽ trồng lúa trong suốt mùa khô tiếp theo ngay cả khi không có nước từ hệ thống thủy lợi vì bà có một cái giếng trong ruộng của mình. Tuy nhiên, bà thừa nhận hạn hán có thể làm cho cái giếng cũng cạn khô và phá hủy các cây trồng.

Theo nghiên cứu của Trung tâm dự báo Kinh tế và Xã hội thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Thái  Lan, tình trạng hạn hán nghiêm trọng và kéo dài nhất trong vòng gần 30 năm qua tại nước này sẽ khiến GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á giảm tới 0,85%. Thiệt hại trong các lĩnh vực công, nông nghiệp khoảng 119 tỷ bath, tương đương 3,4 tỷ USD. Mức thiệt hại đối với nền kinh tế Thái Lan sẽ lên tới 154 tỷ bath nếu hạn hán còn tiếp diễn đến tháng 10/2016.

Để đối phó với hạn hán khốc liệt, hiện chính quyền Thái Lan mà trực tiếp là những người nông dân đang áp dụng nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra đồng thời đảm bảo sinh kế cho người dân./.

Bài 2: Hạn hán khốc liệt tại Thái Lan: Chính quyền và nông dân cùng xoay xở