Mỹ “dội gáo nước lạnh” vào thiện chí đối thoại liên Triều
Theo Reuters, việc Triều Tiên nối lại liên lạc biên giới với Hàn Quốc được đánh giá là tín hiệu tốt lành, mở ra khả năng đối thoại song phương trong Năm mới 2018.
Hành động đầy thiện chí này trong ngày 3/1 xuất phát từ việc, chỉ 2 ngày trước đó, Hàn Quốc đề xuất đối thoại song phương sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong dịp năm mới 2018 rằng, ông “để ngỏ cánh cửa đối thoại” với Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã ngay lập tức “dội gáo nước lạnh” vào khả năng các bên có thể đạt được những thiện chí trong tương lai. Bà Haley nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không đàm phán gì hết nếu các nước không chịu hành động để cấm hoàn toàn việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân”.
Thông điệp cứng rắn của bà Haley cho thấy quan điểm đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Triều Tiên là rất rõ ràng: Đối thoại chỉ là phí thời gian. Mỹ sẽ chỉ đối thoại với đối phương nếu họ chấp nhận mọi điều kiện mà Mỹ đưa ra.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, cách tiếp cận này hiếm khi thành công và chính quyền Mỹ cần hiểu rằng, dù đối thoại có lúc thất bại nhưng việc chỉ tung ra những lời lẽ dọa dẫm đối phương sẽ chẳng mang lại lợi ích gì ngoài việc càng khiến họ phản ứng dữ dội hơn.
Trong vấn đề Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần học hỏi cách hành xử của người tiền nhiệm Barack Obama trong cách tiếp cận với Iran. Trước thời ông Obama, chính quyền Mỹ đã mất hàng chục năm chỉ để đọa dẫm và đưa ra những đòi hỏi vô lý mà chẳng quan tâm đến việc cần đối thoại với Iran.
Chiến lược “chỉ dùng cây gậy mà không đưa ra củ cà rốt” đã khiến Iran càng thêm cứng rắn và thù địch với Mỹ cũng như quyết tâm mở rộng chương trình hạt nhân của mình. Chỉ đến khi Tổng thống Obama chấp thuận nhượng bộ để Iran phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự và nới lỏng trừng phạt với Iran thì Tehran mới chịu ngồi vào bàn đàm phán và ký vào thỏa thuận hạt nhân lịch sử”.
Vậy lý do gì mà ông Trump lại phớt lờ việc theo gương người tiền nhiệm? Theo các chuyên gia, rất có thể, lý lẽ của chính quyền Mỹ thời điểm này là Mỹ đã nhượng bộ Triều Tiên rất nhiều trong những năm 90 của thế kỷ trước, mà đổi lại Triều Tiên vẫn đẩy nhanh việc phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo, lý lẽ này là không phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Triều Tiên - Bài toán đau đầu nhất của Mỹ trong năm 2018
Những nghi kỵ từ quá khứ
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nỗ lực để đạt được Thỏa thuận khung với Triều Tiên vào năm 1994. Theo đó, Bình Nhưỡng đồng ý dừng việc làm giàu plutoni để chế tạo bom hạt nhân và mở cửa cho các thanh sát viên quốc tế để đổi lấy những nhượng bộ về kinh tế và ngoại giao từ Washington.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Siegfried S. Hecker thuộc Đại học Stanford, rất nhiều nghị sĩ Mỹ đã phản đối thỏa thuận này và “không chấp thuận việc cấp tiền cho Chính quyền Mỹ thực hiện cam kết với Triều Tiên”. Thỏa thuận khung vì thế bị “chết yểu”.
Không những thế, Triều Tiên cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy họ “cần một kế hoạch dự phòng”. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống George W. Bush lại cho rằng, Triều Tiên đang “ngấm ngầm” làm giàu urani để phát triển vũ khí hạt nhân, phá vỡ cam kết trong Thỏa thuận khung và đáp trả bằng cách rút khỏi thỏa thuận này. Triều Tiên phản ứng lại bằng cách trục xuất các thanh sát viên quốc tế.
Tình hình càng tệ hơn khi vào năm 2002, Tổng thống Mỹ lúc đó George W. Bush đặt Triều Tiên vào “Trục Ác quỷ”- đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tìm cách thay đổi chế độ ở Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và chỉ vài năm sau, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên.
Dù vậy, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), những nỗ lực ngoại giao của cả Mỹ và Triều Tiên trong suốt 25 năm qua dù ít ỏi nhưng vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực bất chấp việc đã có những lúc Triều Tiên phản ứng dữ dội trước sự o ép của Mỹ. Theo CSIS, trong những thời điểm hai bên thực hiện các nỗ lực ngoại giao, tần suất Triều Tiên tiến hành các hành động khiêu khích giảm đi trông thấy.
Tấn công mạng- vũ khí đáng sợ của Triều Tiên
Cứng rắn với Triều Tiên, Mỹ “thiệt đơn thiệt kép”
CSIS cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phạm sai lầm khi tỏ ra cứng rắn với Triều Tiên. Những lời đe dọa và gây áp lực của Mỹ đã không khiến Triều Tiên chùn bước. Thậm chí, theo các chuyên gia, chi phí để phát động chiến tranh với Triều Tiên “cao đến mức điên rồ” và nhiều khả năng sẽ không qua được cửa Quốc hội Mỹ.
Hơn thế nữa, CIA nhận định: “Các lệnh trừng phạt về kinh tế nhằm vào Triều Tiên dù có nặng nề đến đâu cũng sẽ không thể buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân mà ông vẫn theo đuổi”.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ thừa nhận, các giải pháp ngoại giao đối với Triều Tiên sẽ đạt được những hiệu quả tích cực. Một số quan chức từng tham gia các cuộc đối thoại với Triều Tiên nhiều lần khẳng định, Triều Tiên rất có thiện chí muốn đàm phán với Mỹ.
Ngoài ra, cả Nga và Trung Quốc từ lâu đã cho rằng, bước đi tốt nhất cho việc xây dựng một giải pháp ngoại giao mang tính xây dựng cho vấn đề Triều Tiên là cả Mỹ và Triều Tiên chấp thuận thỏa thuận “cùng đóng băng”. Theo đó, Triều Tiên sẽ dừng việc thử nghiệm vũ khí của mình để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung.
Dù tướng lĩnh Mỹ không đồng ý dừng hoàn toàn các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, giới chức Hàn Quốc lại cho rằng, Mỹ nên chấp thuận hoãn các cuộc tập trận chung này lại đến sau kỳ Olympic mùa Đông diễn ra tại Hàn Quốc. Ngoài ra, theo Seoul, Washington cũng nên dừng các chuyến bay quân sự ngang bán đảo Triều Tiên- một hành động mà theo phía Triều Tiên là “đầy tính khiêu khích”.
Chi tiết về một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ phải mất một thời gian để hình thành sau khi hai bên đối thoại và nêu rõ những kỳ vọng cũng như khả năng nhượng bộ đối phương đến đâu. Tuy nhiên, Mỹ hoàn toàn có thể đáp ứng những đòi hỏi của phía Triều Tiên để đổi lấy sự nhượng bộ của Triều Tiên. Cách tiếp cận mang tính ngoại giao vì thế được đánh giá là phù hợp và có hiệu quả hơn nhiều so với những lời lẽ dọa dẫm và “những nắm đấm”./.
“Khủng hoảng Triều Tiên không thể giải quyết bằng chiến tranh”