Một cá tính đặc biệt
Theo BBC, ông Macron là một người được đánh giá là luôn có những quyết định gây sốc. Ở tuổi 39, chính ông là người có dũng khí từ bỏ Chính phủ đang nắm quyền, quay lưng lại với chính người bảo trợ mình Tổng thống Francois Hollande- một hành động được coi là “tự sát về chính trị”- và thành lập ra một phong trào chính trị mới là En Marche [tạm dịch là Tiến bước-ND] và quyết định ra tranh cử Tổng thống.
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Macron đang được lòng rất nhiều cử tri trẻ. Ảnh: Getty Images
Quyết định của ông Macron được coi là hết sức liều lĩnh bởi ông không có kinh nghiệm vận động tranh cử, ông cũng không được một đảng lớn nào “chống lưng” dù là Đảng Xã hội, Đảng Cộng hòa hay thậm chí chỉ là Đảng Mặt trận Quốc gia.
Dù vậy, ông Macron vẫn giành được những kết quả hết sức thuận lợi. Điều này là bởi, ông đã biết khơi gợi sự ủng hộ vô bờ bến của các thanh niên trẻ những người hết sức lạc quan dù đã “vỡ mộng” trước những bê bối của các chính trị gia gạo cội của nước Pháp.
Nhờ tinh thần chiến đấu không biết mệt mỏi, tuổi trẻ và khả năng thuyết phục được đám đông người dân- đặc biệt là các thanh niên Pháp, ông Macron “lội ngược dòng” ngoạn mục lật đổ một loạt các chính trị gia “tai to mặt lớn” của Pháp. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng, may mắn đã “đứng về phía” ông Macron.
Luôn biết chiếm lĩnh thời cơ
Thời cơ đầu tiên đến từ việc hai chính đảng lớn nhất của Pháp là Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa lựa chọn 2 ứng viên Tổng thống là Benoit Hamon theo xu hướng thiên tả và François Fillon theo xu hướng thiên hữu.
Điều này tạo cơ hội cho một người theo đường lối trung dung như ông Macron dễ dàng giành được sự chú ý của phần đông dân chúng Pháp và nhanh chóng trở thành tâm điểm trong cuộc bầu cử Pháp năm 2017.
Thậm chí, ông Macron được cho là “không thể may mắn hơn” khi đối thủ nặng ký nhất là cựu Thủ tướng Fillon lại dính vào bê bối liên quan đến công việc của vợ mình và việc “nhập nhèm” tiền bạc khi ông còn đương chức.
Trong số những “bại tướng” dưới tay bà Le Pen và ông Macron, người cảm thấy cay đắng nhất chính là ông Fillon bởi đây không chỉ là thất bại mang tính cá nhân mà còn là “vết nhơ” khó có thể gột rửa đối với Đảng Cộng hòa.
Hơn thế nữa, khi lựa chọn các ứng viên của mình, cả hai Đảng Xã hội và Cộng hòa đều tính toán rằng, 2 ứng viên của họ sẽ giành khoảng 30% số phiếu bầu trong vòng 1, số còn lại sẽ được “chia đều” cho gần chục ứng viên còn lại.
Tuy nhiên, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, không những không đạt được 30% số phiếu bầu như tính toán, 2 ứng viên của Đảng Xã hội và Cộng hòa thậm chí còn chịu cảnh xếp sau ông Macron và bà Marie Le Pen của Đảng Mặt trận Quốc gia.
Theo các chuyên gia, ông Macron đang có ưu thế cực lớn so với đối thủ Le Pen trước khi bước vào cuộc bỏ phiếu vòng 2 ngày 7/5 tới. Chắc chắn bà Le Pen sẽ chiến đấu đến cùng và tỷ lệ bỏ phiếu cho bà có thể tăng lên đôi chút (giống như cha bà- ông Jean-Marie Le Pen hồi năm 2002), tuy nhiên, cơ hội chiến thắng của bà Le Pen được đánh giá là “vẫn còn nhưng cực thấp”.
Sau bầu cử Tổng thống vòng 1, Pháp kêu gọi đoàn kết chống cực hữu
Pháp đi về đâu nếu ông Macron làm Tổng thống?
Chiến thắng dù đang “nằm trong tầm tay” nhưng việc ông Macron sẽ điều hành đất nước như thế nào vẫn còn là “một câu hỏi lớn”. Điều này là bởi, phong trào En Marche của ông chỉ đóng vai trò hết sức mờ nhạt trong Quốc hội Pháp.
Chính vì thế, ông Macron được cho là sẽ phải dấn thân vào “một vùng nước lạ” khi lên nắm quyền bởi chưa có một Tổng thống nào của Pháp lại xuất thân từ một phong trào gần như vô danh trong chính giới Pháp đến vậy.
Người dân Pháp khi bầu cho ông Macron hầu như chắc chắn sẽ chọn đa số các ứng viên cho vị trí nghị sĩ Quốc hội Pháp từ những thành viên thuộc phong trào En Marche bởi điều này “hoàn toàn phù hợp với logic thông thường”. Ông Macron đủ thông minh để hiểu rằng, đó chỉ là “những lời lẽ trấn an” những người ủng hộ mình.
Hơn thế nữa, sau “cú sảy chân đau đớn” của cựu Thủ tướng Fillon, đảng cánh hữu Cộng hòa rất muốn “báo thù” và chắc chắn sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng họ sẽ chiếm đa số trong Quốc hội Pháp để có thể khiến thời gian nắm quyền của ông Macron (nếu ông có thể trở thành Tổng thống)- trở thành ác mộng.
Chính vì thế, ngay từ bây giờ, dù chưa hoàn toàn chắc chắn 100% rằng mình sẽ trở thành Tổng thống Pháp, ông Macron đã phải vắt óc tính toán xem mình sẽ phải điều đình với các chính đảng lớn như thế nào để những chính sách của ông có thể được Quốc hội chấp thuận.
Khi đó, vai trò của cựu Thủ tướng Fillon đối với sự thành bại của ông Macron là “không thể không tính đến”. Cán cân quyền lực khi đó sẽ thay đổi và nền chính trị Pháp sẽ thay đổi rất nhiều trong nền Cộng hòa thứ 5 này./.
Sau bầu cử Tổng thống vòng 1, Pháp kêu gọi đoàn kết chống cực hữu