Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã bị bắt tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) vào sáng 11/4 (theo giờ địa phương).

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã xác nhận trên Twitter cá nhân rằng đất nước của ông đã thu hồi quyền tị nạn của Julian Assange với lý do người này đã "vi phạm nhiều lần các công ước quốc tế". Ecuador đã cho phép cảnh sát Anh bắt giữ người sáng lập WikiLeaks tại đại sứ quán nước này tại London.

Trước thông tin này, người tiền nhiệm của Moreno, cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa, người đã đồng ý cấp cho Assange quyền tị nạn vào năm 2012, đã tuyên bố trên mạng xã hội rằng Tổng thống nước này là "kẻ phản bội lớn nhất trong lịch sử Ecuador và Mỹ Latinh" vì đã cho phép cảnh sát Anh bắt giữ Assange tại Đại sứ quán.

Trước vụ việc, các nước trên thế giới đã có những phản ứng rất khác nhau.

Anh

Sau khi tin tức về vụ bắt giữ được loan ra, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt đã cảm ơn Tổng thống Moreno vì đã phá vỡ bế tắc 7 năm và đăng dòng trạng thái trên Twitter cá nhân rằng Assange "không phải là anh hùng và không ai có thể đứng trên luật pháp".

Ông Jeremy Hunt cũng tuyên bố rằng chính quyền Anh không "đưa ra bất kỳ phán xét" nào về sự vô tội hay tội lỗi của người sáng lập WikiLeaks, và trường hợp của ông Assange sẽ được quyết định bởi hệ thống pháp lý "độc lập" của Anh.

Về phần mình, Chính trị gia đảng Bảo thủ Anh Alan Duncan nhấn mạnh rằng sức khỏe của Assange là ưu tiên hàng đầu. Và khi được hỏi về khả năng dẫn độ “người thổi còi” tới Mỹ, nơi ông bị truy nã vì tội đã để lộ nhiều tài liệu mật của quân đội, Alan Duncan nói rằng London không dẫn độ người sáng lập WikiLeaks đến bất kỳ quốc gia nào, nơi mà ông ta có thể phải đối mặt với án tử hình.

"Đó là chính sách rộng rãi của chúng tôi trong mọi trường hợp, vì vậy nó cũng áp dụng tương tự với Julian Assange, rằng ông ta sẽ không bị dẫn độ đến nơi mà ông ta sẽ đối mặt với án tử hình", Duncan nói với Sky News.

Thủ tướng Theresa May cũng phát biểu trước Quốc hội Anh rằng: "Tôi chắc chắn rằng cả đất nước sẽ hoan nghênh tin tức sáng nay rằng cảnh sát đã bắt giữ Julian Assange vì vi phạm quyền bảo lãnh, sau gần 7 năm trú tại Đại sứ quán Ecuador. Điều này cho thấy rằng ở Vương quốc Anh, không có ai sống trên luật pháp".

Đức

Sevim Dagdelen, một thành viên cao cấp của đảng đối lập Đức Die Linke, trong một tuyên bố đã nói rằng, chính phủ Đức sẽ có “nghĩa vụ” ngăn chặn nước Anh dẫn độ Assange sang Mỹ "nơi ông phải đối mặt với án tù chung thân hoặc thậm chí là tử hình vì đã phơi bày tội ác chiến tranh của Mỹ".

Bà Sevim Dagdelen cũng chỉ trích quyết định của Ecuador về thu hồi quyền tị nạn của Assange và vụ bắt giữ ông ta là một "vụ bê bối, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời giáng một đòn nặng nề vào báo chí độc lập".

Pháp

Ông Jean-Luc Mélenchon, người đứng đầu đảng cánh tả Pháp, đã tweet trên trang cá nhân rằng Pháp "phải cấp quyền tị nạn cho Assange".

Trong dòng trạng thái của mình, Mélenchon viết: "Assange đã hành động vì sự tự do và độc lập của Pháp bằng cách tiết lộ các hành vi chống lại chúng tôi. Vì Danh dự của đất nước, chúng ta phải trao cho ông ta quyền tị nạn chính trị vào thời điểm mà quyền tự do của ông ta bị đe dọa".

Julian Assange (Ảnh: Twitter Meslechon).

Italia

Bộ trưởng Ngoại giao Italia Manlio Di Stefano đã kêu gọi "những người bạn Anh" của mình thả tự do cho Julian Assange.

Ông Stefano đã tweet trên trang cá nhân: "Sau 7 năm tước quyền tự do một cách không công bằng, việc bắt giữ Assange là một biểu hiện đáng lo ngại, không khoan dung đối với những người thúc đẩy sự minh bạch và tự do như #WikiLeaks. Các bạn Anh, thế giới đang theo dõi các bạn, Ý đang theo dõi các bạn”.

Tây Ban Nha

Ông Pablo Iglesias, lãnh đạo đảng Tây Ban Nha Podemos, đã lặp lại lời kêu gọi của Di Stefano yêu cầu trả tự do cho người sáng lập WikiLeaks.

Những người ủng hộ người sáng lập WikiLeaks kêu gọi trả tự do cho ông (Ảnh: Sputnik).

Thụy Điển

Hay tin vụ bắt giữ, công tố viên Thụy Điển đang xem xét mở lại cuộc điều tra về việc một phụ nữ nước này đã cáo buộc Assange tấn công tình dục vào năm 2010. Công tố viên trưởng nói rằng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn tiến sự kiện.

Nga

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Moscow muốn quyền của Assange được tuân thủ sau khi ông bị bắt giữ. Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova đã lên Facebook đăng dòng chỉ trích về quyết định tước bỏ quyền tị nạn của người sáng lập WikiLeaks.

Australia

Bình luận về tin tức bắt giữ, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne tuyên bố rằng nước này đang tìm kiếm sự tiếp cận lãnh sự với Assange, một công dân Australia.

"Ông Assange sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ lãnh sự từ Chính phủ Australia. Các viên chức lãnh sự sẽ tìm cách đến thăm ông Assange tại nơi ông ta bị giam giữ", bà Marise Payne nói và nói rằng bà "tự tin" rằng ông "sẽ nhận được hỗ trợ pháp lý trong thủ tục tố tụng mà ông phải đối mặt ở Vương quốc Anh. Vì đây là vấn đề thực thi pháp luật và tố tụng, chúng tôi sẽ không đưa ra bình luận".

Assange, người sáng lập trang mạng WikiLeaks đã trở thành người nổi tiếng sau khi để rò rỉ một số tài liệu mật về các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Ông đã được cấp quyền tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London vào năm 2012 khi ông cố gắng trốn tránh bị chính quyền Thụy Điển truy tố với cáo buộc hai vụ tấn công tình dục riêng biệt.

Người sáng lập WikiLeaks đã tố các cáo buộc là có động cơ chính trị khi trang mạng này theo dõi các tài liệu bí mật của quân đội Mỹ. Mặc dù vụ kiện Thụy Điển chống lại ông ta cuối cùng đã bị hủy bỏ, ông ta vẫn ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador do vẫn có nguy cơ bị cảnh sát Anh bắt giữ vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh trước đó và có thể bị dẫn độ sang Mỹ./.