Cả thế giới đang hướng về Quốc đảo Singapore xinh đẹp-nơi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử sẽ diễn ra vào ngày mai (12/6). Hy vọng nhưng vẫn hoài nghi, tích cực xen lẫn thận trọng đó là những từ được dư luận nhắc nhiều đến cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hội nghị Thưởng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử sẽ diễn ra tại Singapore ngày 12/6. Ảnh: The Korea Times |
Các nước láng giềng Đông Á của Triều Tiên đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đều chia sẻ mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhưng kết quả cuộc gặp Mỹ-Triều lần này được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích địa chính trị kinh tế và an ninh của các quốc gia trong khu vực.
Hôm qua (10/6), một quan chức văn phòng Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ khá lạc quan vào cuộc gặp Mỹ-Triều. Theo quan chức Hàn Quốc, hội nghị sẽ đạt được kết quả tích cực, vì cả Mỹ và Triều Tiên đều có thành ý mạnh mẽ khi ngồi xuống bàn đối thoại. Trong khi đó, Nhật Bản- một quốc gia luôn có lập trường cứng rắn nhằm vào Triều Tiên cũng khẳng định ủng hộ thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Phát biểu với báo giới tại sân bay Changi của Singapore hôm qua, trưởng phái đoàn Nhật Bản, Cục trưởng Cục Châu Á-châu Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao, ông Kenji Kanasugi cho biết, chính sách của Chính phủ Nhật Bản là ủng hộ thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh.
Theo giới chức và chuyên gia Nhật Bản, Tokyo mong muốn kết quả thành công của hội nghị tại Singapore lần này sẽ dẫn đến một thỏa thuận với Triều Tiên, không chỉ về vấn đề tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ mà cả những tên lửa tầm ngắn có thể bắn tới Nhật Bản.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh thì cho rằng, cuộc gặp sẽ là một bước đi quan trọng trên con đường đúng đắn tìm ra giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên: “Trung Quốc cho rằng, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang ở thời điểm lịch sử. Con đường phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài có thể được tìm thấy đều phụ thuộc vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trung Quốc hi vọng Mỹ và Triều Tiên có thể hợp tác, thể hiện thiện chí hướng đến một kết quả mà cộng đồng quốc tế mong đợi, đóng góp tích cực vào việc mở ra một kỉ nguyên mới của hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên”.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Tiến trình phi hạt nhân mới chỉ bắt đầu
Kỳ vọng là vậy nhưng các nước đều hiểu rằng để kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ là một con đường dài đầy khó khăn và trắc trở. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop nhận định, việc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán đã là một “kỳ tích”. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng đã từng không giữ các cam kết của mình trong quá khứ, nên Australia không quá mong đợi vào những chiến thắng ngoại giao đột phá trong cuộc gặp giữa Mỹ và Triều Tiên lần này. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull còn cảnh báo “có những ánh bình minh giả” trên Bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan cũng cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều chỉ có thể thành công khi các bên hướng đến mục tiêu là một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể xác minh trên Bán đảo Triều Tiên.
“Nếu Triều Tiên thay đổi sẽ tạo ra nền tảng tương lai tốt hơn, miễn là nước này cam kết từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, mamg lại sự ổn định cho khu vực. Canada tin rằng, một giải pháp ngoại giao và hòa bình là cần thiết và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho ta thấy cộng đồng quốc tế cần phải hành động một cách thận trọng”, Bộ trưởng Singh Sajjan nói.
Trong khi đó, giới chuyên gia và phân tích cũng nhấn mạnh những khó khăn trong cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, khi hai nước có cái nhìn khác nhau về tiến trình phi hạt nhân hóa, với những cảnh báo nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra không thành công sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước.
Mặc dù vẫn còn nghi ngờ và thận trọng, nhưng với các tuyên bố tích cực trước Hội nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khiến nhiều nước kì vọng, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ mang lại kết quả như dư luận mong đợi, đúng như tên của nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử "Sentosa", trong tiếng Malaysia có nghĩa là “hòa bình và yên bình”./.