Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/2 tuyên bố, Mỹ đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt "lớn chưa từng có" đối với Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân, đồng thời cảnh báo nếu các biện pháp trừng phạt mới không hiệu quả, Washington sẽ tiến tới giai đoạn hai rất "khắc nghiệt” đối với Triều Tiên. Tuyên bố cứng rắn này của Tổng thống Donald Trump đã làm lu mờ triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, vốn được nhen nhóm tại kỳ Thế vận hội Olympic Pyeongchang 2018.
Tổng thống Donald Trump công bố gói trừng phạt lớn nhất đối với Triều Tiên. Ảnh: Fox News. |
Gói trừng phạt gồm những gì ?
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp này sẽ nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên "lách" các biện pháp trừng phạt hiện hành. Những công ty và thực thể này có đăng ký hoặc đóng trụ sở tại những nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Singaporre, Tanzania và Panama, quần đảo Marshall và quần đảo Comoros. Tài sản và lợi ích của các công ty và thực thể này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia của Mỹ, mọi hoạt động giao dịch giữa các bên cũng bị phong tỏa.
Cùng ngày, Mỹ đã đề xuất bổ sung vào danh sách đen một loạt thực thể của Triều Tiên trong khuôn khổ những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc - một động thái mà Washington cho biết là "nhằm mục tiêu chấm dứt những hoạt động buôn lậu bằng đường biển của Triều Tiên để có được dầu lửa và bán than".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh các biện pháp này nhằm ngăn cản các hoạt động vận tải đường biển và kinh doanh của các công ty này, qua đó cô lập hơn nữa Triều Tiên. Theo ông Mnuchin, Tổng thống Mỹ muốn cảnh báo rằng những công ty trên thế giới nếu chọn hỗ trợ tài chính để phục vụ tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, sẽ không được phép kinh doanh với Mỹ.
“Chính phủ Mỹ đã ban bố cảnh báo công chúng rằng bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tiếp tục vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên sẽ bị trừng phạt nghiêm trọng”, ông nói. Các biện pháp này nằm một phần trong chiến dịch do Mỹ đứng đầu nhằm "gây áp lực tối đa" với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng đồng ý thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã áp đặt hơn 450 biện pháp trừng phạt Triều Tiên, với khoảng một nửa số trong đó được áp dụng trong năm 2017.
Phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Donald Trump khẳng định về một lựa chọn quân sự mà Mỹ sẽ áp đặt đối với Triều Tiên, hiện vẫn đang được xem xét. “Nếu các biện pháp trừng phạt không đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ phải tiến hành giai đoạn 2. Giai đoạn 2 có thể là một điều rất khắc nghiệt, không may mắn cho cả Triều Tiên và thế giới.”
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump có những lời lẽ đe dọa cứng rắn đối với Triều Tiên. Trước đó vào tháng 8/2017, nhà lãnh đạo Mỹ từng cảnh báo, bất cứ hành động khiêu khích nào từ Triều Tiên cũng sẽ bị đáp trả bằng “lửa và sự giận dữ” mà thế giới chưa từng được chứng kiến.
Thế vận hội Olympics 2018 – ván cờ cân não trên bán đảo Triều Tiên
Một quan chức trong chính quyền ông Donald Trump cho rằng: “Tổng thống rõ ràng rất thất vọng và nản lòng vì những nỗ lực không thành công trong thời gian qua về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cũng như những tiến bộ trong chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên mà chúng ta đang chứng kiến.”
Theo nhiều nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn có thể làm tổn hại quan hệ nồng ấm gần đây giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong bối cảnh hai bên đang chuẩn bị điều kiện phù hợp để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Tìm kiếm sự đồng thuận từ Hàn Quốc
Việc công bố các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra trong bối cảnh Ivanka Trump con gái đồng thời là cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump đang có chuyến thăm Hàn Quốc. Phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Chae-in tại Nhà Xanh, cố vấn Ivanka Trump cho biết, chuyến thăm này nhằm mục đích khẳng định cam kết bền vững và lâu dài của Mỹ đối với đồng minh Hàn Quốc, đồng thời “gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thành hiện thực.”
Cố vấn Ivanka Trump thưởng thức bữa tối cùng Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Toronto Star. |
Về phía Hàn Quốc, người phát ngôn của Tổng thống Moon Chae-in cho biết, tại cuộc gặp, ông Moon Chae-in khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình an ninh trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh, Hàn Quốc là quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc không thừa nhận Triều Tiên là một “cường quốc hạt nhân”. Ông cũng cho biết, các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều cần phải diễn ra đồng thời.
Một số chuyên gia cho rằng, Tổng thống Trump cắt cử con gái ruột, người đóng vai trò là cố vấn cấp cao của ông, tới Hàn Quốc là để đối trọng "chiến dịch quyến rũ" vốn rất thành công của Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong lễ khai mạc Olympic. Hơn nữa, chuyến thăm này cũng mang thông điệp nhắc nhở Hàn Quốc cần tỉnh táo và cẩn trọng trước “nhành ôliu” mà Triều Tiên đưa ra tại Thế vận hội Olympic.
Ivanka có sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ đồng minh có chút rạn nứt giữa Mỹ và Hàn Quốc sau khi quan hệ liên Triều bất ngờ “ấm lên”. Là người có những ảnh hưởng lớn đến các quyết sách của Tổng thống Donald Trump, Ivanka hội tụ đầy đủ lý do để có thể truyền tải thực chất nhất thông điệp của chính quyền Trump đối với vấn đề Triều Tiên.
Chuyến thăm của bà Ivanka Trump diễn ra đúng thời điểm Triều Tiên thông báo cũng cử một phái đoàn cấp cao đến cao đến Hàn Quốc dự lễ bế mạc Olympic vào ngày 25/2 tới. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phái đoàn Triều Tiên gồm 8 người, do ông Kim Yong-chol, Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Đảng Lao động Triều Tiên, dẫn đầu và sẽ có chuyến thăm kéo dài 3 ngày. Nhà Xanh cho rằng còn quá sớm để dự báo một cuộc tiếp xúc giữa hai bên, song cho biết "Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực đưa hai bên ngồi vào bàn đối thoại".
Cũng trong ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố nêu rõ, gói trừng phạt mới của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ giúp tăng cường hiệu lực các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm mục đích buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Bộ này khẳng định, Hàn Quốc và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ để đạt được tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Trừng phạt có thành công?
Chính quyền Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền với quyết tâm ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump cho rằng kỷ nguyên kiên nhẫn chiếc lược đã qua, giờ là lúc phải gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên. Sách lược của nhà lãnh đạo Mỹ đã đạt được một số thành công ban đầu như buộc Trung Quốc đưa ra quyết định cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong nửa cuối năm 2017, Ấn Độ ngừng mọi giao dịch đối với Triều Tiên, cũng như thúc đẩy các nỗ lực của một số nước Châu Âu và Châu Phi ngăn chặn “mạng lưới bất hợp pháp ở nước ngoài mà Triều Tiên sử dụng để vận chuyển vũ khí và tạo ra tiền mặt".
Tuy nhiên trên thực tế, Triều Tiên vẫn tiếp tục các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ vượt bậc chưa từng có. Triều Tiên thậm chí còn tuyên bố chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này đã đạt được những tiến bộ vượt bậc với phạm vi bao trùm tới tận lãnh thổ Mỹ.
Ông Daryl Kimball, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ không đủ để chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Trả lời phỏng vấn báo chí tại Washington, ông khẳng định: “Chỉ riêng biện pháp trừng phạt sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng. Đây chỉ là một trong số các biện pháp mà chúng ta cần thực thi. Điều cần thiết bây giờ là đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán và buộc nước này chấp nhận những điều khoản nhằm hạn chế tiến bộ về chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên đây không phải công việc đơn giản bởi Triều Tiên nay luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vấn đề "không thể thương lượng".
Ông cho biết thêm “Triều Tiên từ trước đến nay luôn xem chương trình hạt nhân là rào chắn trước mọi đe dọa về an ninh,trong đó bao gồm cả một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng từ phía Mỹ. Các biện pháp trừng phạt chỉ đơn thuần đánh vào khía cạnh kinh tế, tuy nhiên Triều Tiên sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để duy trì chương trình hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên có thể tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo hoặc máy bay trang bị hạt nhân để đối phó với lệnh trừng phạt bổ sung”.
Một số chuyên gia khác cho rằng, Mỹ và Liên Hợp Quốc chưa cân nhắc các yếu tố quan trọng để phát huy hiệu quả tối đa của các biện pháp trừng phạt, trong đó bao gồm 1 chiến lược với các mục tiêu rõ ràng, chuẩn mực, lộ trình ngoại giao lâu dài và các điều khoản đàm phán đi kèm. Ngay cả khi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bị chậm lại vì biện pháp trừng phạt thì ý chí của Triều Tiên chống lại sự đe dọa của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn luôn mạnh mẽ, và khát vọng theo đuổi chính sách phát triển kinh tế song song với tăng cường tiềm lực quân sự vẫn luôn hiện diện.
Tiếp đến, các biện pháp trừng phạt khó phát huy hiệu quả là bởi từ trước đến nay hầu như đều thiếu sự đồng thuận mạnh mẽ từ các bên liên quan, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ cần phối hợp với Hàn Quốc và Nhật Bản, giải quyết các bất đồng với Trung Quốc và Nga trước khi đưa ra bất cứ quyết sách nào đối với Triều Tiên. Sự hợp tác chính là chìa khóa để buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, hạn chế các hành vi “khiêu khích”. Điều này đòi hỏi Mỹ phải tích cực thực hiện hoạt động ngoại giao cả song phương lẫn đa phương. Nhà phân tích Meghan O'Sullivan thuộc Đại học Harvard nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt phải là công cụ của “một chiến lược gắn kết” kèm theo lộ trình dài hạn về bình thường hóa quan hệ song phương./.