Trong thời gian gần đây tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, giờ đây Mỹ lại tuyên bố chấm dứt đối thoại với Nga về vấn đề Syria, đẩy mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây trở nên xấu nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.
Các chuyên gia nhận định, Nga và Mỹ hiện vẫn đang tồn tại một nguy cơ xung đột vũ trang, nhưng liệu có tồn tại một mối nguy hiểm thực sự trong cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ?
Đổ lỗi cho nhau
Ngày 3/10, Mỹ tuyên bố chấm dứt đối thoại với Nga về vấn đề Syria, ngay sau khi Moscow tuyên bố tạm dừng thỏa thuận loại bỏ plutonium cấp độ vũ khí đạt được với Washington trước đó. Để đáp trả, ngày 5/10, Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng và hạt nhân với Mỹ và xem đây là một “biện pháp trả đũa” những bước đi thiếu thiện chí của Mỹ.
Pháp đã lập tức có động thái cứu vãn tình hình khi yêu cầu hai bên ngừng bắn và cấm máy bay chiến đấu bay trên vùng trời Aleppo để hàng cứu trợ có thể đến được các vùng bị nạn. Tuy nhiên, Nga đã yêu cầu có thời gian để nghiên cứu trong khi Mỹ thì tỏ thái độ ngập ngừng vì cho rằng đề xuất này có trong thỏa thuận ngày 9/9 và đã bị vô hiệu hóa.
Theo giới chức quân sự Nga, Mỹ đã phá hoại thỏa thuận vừa đạt được ngày 9/9 khi họ không chấp nhận chia tách lực lượng và không hợp tác với Nga trong nỗ lực chống khủng bố. Washington còn đe dọa Moscow rằng, “nếu không thì quân khủng bố sẽ tấn công Nga không chỉ ở Syria mà ngay trên lãnh thổ Nga”.
Lời cảnh báo trên được dư luận Nga và thế giới coi là tín hiệu chỉ huy của Mỹ đối với quân khủng bố. Tuyên bố đó không chỉ chứng tỏ Mỹ là quốc gia nuôi dưỡng mà còn là nhà tài trợ cho lực lượng khủng bố. Điều này khiến cả thế giới cảm thấy như rơi vào sự nguy hiểm và đáng sợ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nói rằng, “giờ đây, sau khi đã không thể đạt được thỏa thuận mà họ tự đưa ra, họ lại cố đẩy trách nhiệm cho người khác”. Moscow “cảm thấy tiếc” cho quyết định của Mỹ. Đồng thời, cáo buộc Washington không thể thuyết phục lực lượng nổi dậy ở Syria cắt đứt liên hệ với các nhóm cực đoan.
Trước đó, Mỹ đã đồng ý giải tán các nhóm nổi dậy nhưng cũng lưu ý rằng đó là một quá trình mất nhiều thời gian.
Trong khi đó, phía Mỹ lại tố cáo Nga không thực hiện đúng cam kết tháng trước về khôi phục thỏa thuận ngừng bắn cũng như duy trì công tác cứu trợ nhân đạo tại các thành phố bị chiếm đóng như Aleppo. Mỹ cho rằng các đợt không kích tại đây là do lực lượng Nga và chính phủ Syria thực hiện.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest. (Ảnh: Getty) |
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: “Rõ ràng là không còn gì để Mỹ và Nga bàn trong việc đi đến một thỏa thuận có thể giúp giảm bạo lực ở Syria và đó là một bi kịch”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phản hồi rằng, đây không phải một quyết định “hời hợt” khi Nga đã không giữ đúng cam kết của mình... và cũng không thiện chí hoặc không thể đảm bảo chính quyền Syria tuân thủ những gì mà Moscow đã đồng ý.
Cùng với đó, Mỹ còn cáo buộc Nga và chính phủ Syria đã theo đuổi các hoạt động quân sự vi phạm thỏa thuận ngừng bắn với mục tiêu nhằm vào các bệnh viện và đề cập đến vụ không kích đoàn cứu trợ của Liên Hợp Quốc ngày 19/9 mới đây.
Gia tăng thách đố
Theo giới phân tích, sắp tới Mỹ sẽ tăng cường vũ khí cho phiến quân như tên lửa vác vai chống máy bay (MANPAD), tên lửa chống tăng (TOW) với hy vọng Nga sẽ bị sa lầy như Liên Xô trước đây ở Afghanistan. Và có thể Mỹ sẽ sử dụng con bài cuối cùng là áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, Mỹ tuy đã có kinh nghiệm thực hiện vùng cấm bay ở Iraq, Lybia, Afghanistan trước đây theo trình tự 3 bước nhưng nay tại Syria thì khó có thể ứng dụng kinh nghiệm này.
Dự thảo nghị quyết của Pháp và Nga bị Hội đồng Bảo an bác bỏ càng khiến tình hình tại Syria thêm phức tạp. (Ảnh: AP) |
Hệ thống phòng không Syria do Nga đảm nhiệm là hợp pháp. Do đó, việc Mỹ áp đặt vùng cấm bay tại Syria là trực tiếp đối đầu với Nga. Trên thực tế Nga đã triển khai S-300, S-400; Nga có sân bay Hmeymim, tuần dương hạm Kuznetsov ở Đông Địa Trung Hải; có hệ thống tác chiến điện tử mạnh; có tên lửa hành trình sẵn sàng từ vùng biển Caspi; có máy bay tiêm kích đánh chặn đáng gờm…
Hãng tin tức Fox News dẫn lời quan chức Mỹ nói rằng, các thành phần của hệ thống phòng không và chống tên lửa SA-23 Gladiator có tầm bắn khoảng 250km, đã xuất hiện vào cuối tuần qua “trên các bến tàu” của một căn cứ hải quân Nga dọc thành phố Tartus của Syria bên bờ Địa Trung Hải.
Nga cũng đưa tới Syrianhững vũ khí hiện đại như xe tăng T-90, các hệ thống phun lửa hạng nặng như TOS-1, bom áp nhiệt thermobaric… Ngoài ra Nga còn triển khai lực lượng mặt đất thiện chiến như “quân đoàn Slav” thuộc quản lý của GRU và tác chiến dưới sự phối hợp chỉ huy Nga - Syria. Vì thế, nếu Mỹ cố tình thiết lập vùng cấm bay ở Syria đồng nghĩa với tuyên bố chiến tranh với Nga.
Ngày 7/10, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashekov đã đưa ra lời cảnh báo với Mỹ về kế hoạch không kích quân đội Syria rằng: “Tôi sẽ khuyến cáo các đồng nghiệp của chúng tôi ở Washington cân nhắc kỹ lưỡng về hậu quả có thể xảy ra khi thực hiện kế hoạch đó”.
Và dự báo không ngờ
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov phản bác Mỹ bằng tuyên bố: “Chúng tôi biết chính xác có bao nhiêu chuyên gia ngầm đang hoạt động ở đó với nhiệm vụ lên kế hoạch chiến dịch và chỉ huy lực lượng chiến binh”.
Chiến sự ở Aleppo, Syria đang diễn ra rất ác liệt. (Ảnh: CNN) |
Nhà phân tích chính trị Marwa Osman cho rằng, những lời lẽ của Nhà Trắng cho thấy viễn cảnh chiến tranh toàn diện Nga - Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra, do Mỹ đã mất kiên nhẫn với lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lệnh ngừng bắn Syria bị phá vỡ là điều cần thiết bởi nếu hòa bình tiếp diễn, hợp tác Nga-Mỹ là điều bắt buộc, bao gồm cả chia sẻ thông tin tình báo. Đây không phải là những gì Lầu Năm Góc muốn. Cái họ muốn là chính là sự “phác họa chân dung” để biến Nga thành một đối thủ, mối đe dọa tiềm tàng nhằm yêu cầu “tăng thêm ngân sách” và mua sắm “các vũ khí đắt tiền”.
Theo ông Marwa Osman, Lầu Năm Góc đang chơi với lửa. Bởi thông qua chính sách quân sự của Mỹ, nội chiến Syria đang ngày càng trở nên tồi tệ, vượt khỏi tầm kiểm soát. Phe đối lập “ôn hòa” không nghe theo Mỹ, IS và các nhóm cực đoan như Jabhat Fateh al-Sham áp đặt đạo luật Sharia hà khắc ở Syria càng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, ngày 13/10 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề xuất cuộc đàm phán hai bên về Syria sẽ tiếp tục vào ngày 15/10.
Như vậy, xét về lực lượng mặt đất thì lực lượng ủy nhiệm Mỹ do Mỹ chỉ huy hoàn toàn mất lợi thế và nguy cơ bị tiêu diệt bởi lực lượng lực lượng ủy nhiệm Nga do Nga chỉ huy là hoàn toàn có thể xảy ra, vấn đề chỉ là thời gian. Việc áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria là sự việc đã được định đoạt từ phía Nga và quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Vì thế, theo giới phân tích, chiến tranh Nga-Mỹ ở Trung Đông khó có thể xảy ra và sẽ chỉ dừng lại ở nguy cơ mà thôi./.