Những lời lẽ ngụy biện của Trung Quốc

Theo AFP, không những vậy, ông Tôn còn lớn tiếng bác bỏ những chỉ trích của phía Mỹ về những hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông và lên tiếng bao biện rằng, việc cải tạo đảo là nhằm “cung cấp các dịch vụ dân sự cho cộng đồng quốc tế”.

Cũng theo ông Tôn: “Tình hình trên Biển Đông nhìn chung là hòa bình và ổn định, và chưa có vụ nào xảy ra liên quan đến tự do hàng hải”.

ton_kjji.jpg
Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc tại Shangri-La (Ảnh Reuters)

Ông Tôn thừa nhận: “Trung Quốc có xây dựng nhiều công trình trên các đảo và bãi đá ở Biển Đông”, tuy nhiên lại bao biện rằng, “việc xây dựng này chủ yếu để cải thiện điều kiện sống và làm việc của những người đang sống trên đó”.

“Không chỉ là nhằm mục đích phòng thủ cần thiết, các công trình này được xây dựng nhằm thực thi tốt hơn trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc liên quan đến các vấn đề như tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn thiên tai, nghiên cứu về đại dương, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn hàng hải và các dịch vụ khác”, ông Tôn biện bạch thêm.

Ông Tôn thậm chí còn khẳng định: “Khi có tranh chấp trên biển với các nước có liên quan, Trung Quốc luôn đặt lợi ích về an ninh hàng hải trong khu vực lên hàng đầu”.

“Bất chấp việc có đủ chứng cứ lịch sử và bằng chứng pháp lý không thể chối cãi được về chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã cực kỳ kiềm chế và có những đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới”, ông Tôn vẫn tiếp tục những lời lẽ ngụy biện của mình.

Cuối cùng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc ngang nhiên kêu gọi các bên “thay đối đầu bằng hợp tác”.

Mỹ quyết chặn đứng tham vọng của Trung Quốc

Theo VOA, tuyên bố của ông Tôn được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, Trung Quốc đã vượt quá chuẩn mực quốc tế khi tiến hành cải tạo các bãi đá ở Biển Đông với tốc độ "chóng mặt" và nhấn mạnh: “Không thể biết được tham vọng của Trung Quốc còn lớn đến đâu”.

Ông Carter cũng cho rằng, hành động này của Trung Quốc có thể “làm leo thang những toan tính sai lầm có thể dẫn đến xung đột”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, Mỹ không bao giờ chấp thuận việc Trung Quốc áp đặt chủ quyền 12 hải lý trên các bãi đá mà nước này cải tạo thành các đảo nhân tạo.

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đưa nhiều máy móc đến cải tạo bãi Xu Bi (Ảnh Reuters)

Trong khi đó, Ông Triệu Hiểu Trác, Đại tá thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã lớn tiếng cáo buộc tuyên bố của ông Carter là “vô căn cứ và không có tính xây dựng”.

“Tự do hàng hải tại Biển Đông không phải là vấn đề đáng quan tâm bởi điều này chưa bao giờ bị ảnh hưởng. Sẽ là sai lầm khi chỉ trích Trung Quốc gây ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực thông qua các hoạt động cải tạo nói trên”.

Để đáp lại, ông Carter đã tuyên bố một sáng kiến hàng hải trong khu vực trị giá 425 triệu USD nhằm hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á cải thiện năng lực Hải quân và tuần duyên của mình.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo nhân tuyên bố của ông Carter, các nghị sĩ hai viện Quốc hội Mỹ tham gia chuyến công du trong khu vực đã lên tiếng ủng hộ ông Carter.

“Chúng tôi tin rằng những gì mà ông Carter nói ngày hôm nay là cực kỳ quan trọng và chúng tôi muốn nhìn thấy những lời lẽ này biến thành hành động thực sự”, Thượng Nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tuyên bố.

“Mỹ sẽ không dễ bỏ cuộc”, Thượng Nghị sĩ Mazie Hirono khẳng định trong chuyến thăm đến Hawaii nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.

Trung Quốc cần hành xử có trách nhiệm hơn

Cũng tại Đối thoại Shangri- La, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani lên tiếng cho rằng Trung Quốc phải “hành xử như một nước lớn có trách nhiệm” và không được lờ đi việc sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

“Trung Quốc cần phải nói đi đôi với làm chứ đừng nói một đằng làm một nẻo”, ông Nakatani nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen tại Đối thoại Shangri- La (Ảnh Reuters)

Trước đó, trong bài phát biểu trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La ngày 29/5, Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long cũng đã kêu gọi Trung Quốc và ASEAN cần phá vỡ tình trạng bế tắc hiện nay, tuân thủ luật pháp quốc tế và sớm tiến tới thông qua COC.

Cũng tại Đối thoại Shangri- La các đại biểu đã được nghe Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris mô tả việc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông là hành động “xây Vạn lý trường thành trên cát”.

Khi bị một đại biểu Trung Quốc chất vấn về lời nói của mình, ông Harris đã khẳng định: “Tôi không nghĩ mình đã quá lời”./.