Phá vỡ tiền lệ của những “cái tôi”
Theo CSM, thông thường, không quá khó đoán nội dung diễn văn nhậm chức của một Tổng thống Mỹ lần đầu nhậm chức. Hầu hết trong số họ đề cập đến tầm nhìn của cá nhân đối với quốc gia và việc họ sẽ đại diện cho nước Mỹ như thế nào.
Diễn văn nhậm chức Tổng thống của ông Trump được cho là sẽ có nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm. Ảnh: Reuters
Các Tổng thống cũng không quên thể hiện sự lạc quan cá nhân mạnh mẽ trong bài phát biểu nhậm chức của mình. Cả thế giới không quên câu nói bất hủ của Tổng thống John F. Kennedy: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho các bạn mà phải hỏi các bạn đã làm gì cho Tổ quốc”.
Theo các chuyên gia, cho đến nay, hầu hết các diễn văn của Tổng thống đắc cử Donald Trump đều mang màu sắc tăm tối và chỉ chủ yếu tập trung vào bản thân. Trong bài phát biểu chấp nhận trở thành ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa tại Đại hội Toàn quốc của đảng này, ông Trump đã liệt kê một loạt những vấn đề của nước Mỹ và nhấn mạnh: “Chỉ mình tôi cũng có thể giải quyết được vấn đề này”.
Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ hoàn toàn khác trong ngày lễ nhậm chức Tổng thống của ông Trump. Thay vì đề cao cái tôi cá nhân, ông Trump sẽ đề cập đến yếu tố chúng ta nhiều hơn.
Theo ông John Baldoni- người chuyên huấn luyện các nhà lãnh đạo của Mỹ- ông Trump nên dùng đại từ “Chúng ta” thay vì “Tôi” như các Tổng thống tiền nhiệm.
“Tôi” là một đại từ thiên về sự thể hiện quyền lực bản thân. Việc một nhà lãnh đạo các tập đoàn xưng “Tôi” là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, một nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là một Tổng thống Mỹ luôn cần sự ủng hộ của đông đảo người dân để có thể hoàn thành công việc của mình”, ông Baldoni nói.
“Một Tổng thống luôn phải “khắc cốt ghi tâm” rằng, họ là gương mặt đại diện cho toàn thể quốc gia”, ông Baldoni nói: “Vận mệnh của họ gắn liền với vận mệnh dân tộc. Việc họ dùng đại từ “Chúng ta” sẽ giúp họ có được sự gắn kết chặt chẽ với người dân Mỹ”.
Ông Trump bắt đầu các hoạt động trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Khi ông Trump biết “lắng nghe” người khác
Theo các trợ lý của ông Trump, lời tư vấn này của ông Baldoni được ông Trump “quán triệt sâu sắc”. Diễn văn nhậm chức của ông Trump sẽ không chỉ toàn những lời lẽ chỉ trích đối thủ của ông hay danh sách công việc mà ông Trump muốn Quốc hội Mỹ phải thực hiện.
Thay vì thế, theo người phát ngôn của ông Trump Sean Spicer, diễn văn của ông Trump sẽ chủ yếu tập trung đề cập đến tương lai của nước Mỹ, ý nghĩa của việc trở thành một công dân Mỹ và các thách thức mà tầng lợp trung lưu của nước Mỹ phải đối mặt.
Nhà sử học Douglas Brinkley- người từng được ông Trump mời đến tham vấn về những bài diễn văn nhậm chức Tổng thống từ trước đến nay- cho biết, ông Trump không muốn những người tham dự lễ nhậm chức của ông phải đứng quá lâu trong tuyết lạnh: “Ông ấy sẽ không nói quá dài”.
Hơn thế nữa, theo ông Brinkley, ông Trump cũng không nên quá lo lắng về việc diễn văn của ông nhàm chán hơn những người tiền nhiệm. Lịch sử Mỹ chứng kiến tổng cộng 57 diễn văn nhậm chức Tổng thống, hầu hết đều rất nhàm chán.
Cho đến tận cuối thế kỷ 19, nhiều Tổng thống vẫn ưa thích “tầm chương trích cú” những nội dung dài dằng dặc và “không mấy liên quan” của lịch sử Hy Lạp và La Mã trong nội dung diễn văn nhậm chức của mình.
“Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”- chìa khóa vạn năng của ông Trump
4 diễn văn nhậm chức để đời của các Tổng thống Mỹ
Trên thực tế, vẫn có 4 bài diễn văn nhậm chức Tổng thống được coi là “kinh điển” của nước Mỹ. Cả 4 bài diễn văn này đều được viết khi nước Mỹ lâm vào khủng hoảng. Trong 4 diễn văn này có 2 của Abraham Lincoln, một của Franklin Delano Roosevelt và một của John Kenedy.
Trước viễn cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh sắp diễn ra, diễn văn nhậm chức của Tổng thống John Kenedy được ca ngợi là có rất nhiều ý nghĩa về mặt địa chính trị thế giới: “Hãy để cho mọi quốc gia hiểu rằng, dù họ muốn chúng ta gặp điều tốt lành hay tồi tệ, chúng ta sẽ vẫn chấp nhận trả mọi giá, chấp nhận mọi gánh nặng, đối mặt với mọi khó khăn, ủng hộ mọi người bạn, chống lại mọi đối thủ để đảm bảo rằng sự tư do của nước Mỹ vẫn tồn tại. Chúng ta cam kết sẽ làm điều này và hơn thế nữa”.
Những lời lẽ hùng hồn nhưng vẫn rất uyển chuyển này của ông Kenedy thực sự là bài học vô giá cho ông Trump. Tuy nhiên, ông Trump cũng cần phải nhớ rằng, những đoạn văn ngắn dạng này ngày nay chỉ còn phù hợp để chia sẻ trên Twitter hay trong các cuộc tranh luận trên truyền hình. Người dân Mỹ và các nước trên thế giới không chỉ quan tâm đến từng đoạn riêng lẻ mà còn chú ý từng câu từng chữ trong toàn bộ diễn văn.
Phó Giáo sư Kathryn Cramer Brownell tại Đại học Purdue nhận định: “Nếu ông Trump chỉ đơn thuần “lắp ghép” từng đoạn Twitter đặc sắc lại với nhau để làm thành một diễn văn hoàn chỉnh, ông ấy sẽ bỏ lỡ cơ hội để “dập tắt” mọi lời chỉ trích nhằm vào ông về tầm nhìn đối với nước Mỹ”./.