Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố cuộc bùng phát Covid-19 (virus corona chủng mới - nCoV) ở Trung Quốc là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thừa nhận rằng bệnh dịch này sẽ ảnh hưởng lên toàn bộ nềnkinh tế toàn cầu. Đối với nước Nga, sự lây lan của virus chưa có vaccine đặc trị này sẽ có tác động lớn vì thị trường Trung Quốc chiếm tới hơn 12% toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Nga. Vấn đề chủ yếu ở đây là đợt bùng phát này sẽ có làm tổn thương nền kinh tế Nga đến mức độ nào?
(Ảnh: Legion media). |
Giá dầu giảm, đồng ruble trượt giá
Giá dầu là thứ phản ứng đầu tiên do Trung Quốc là một trong các khách hàng lớn nhất tiêu thụ dầu thô của Nga. Nhu cầu của Trung Quốc đối với nhiên liệu đã giảm và giá dầu theo USD cũng rớt mạnh. Hồi tháng 1/2020, dầu Brent rớt 12,6%, còn dầu Urals của Nga giảm giá tính theo cả USD và đồng ruble. Đến ngày 10/2, dầu Urals chạm mức thấp nhất trong 2 năm, giảm xuống dưới mức 3.400 ruble (56 USD) một thùng dầu. Kết quả là, tỷ giá đồng ruble đã thay đổi. Kể từ đầu tháng 1, đồng ruble đã mất giá 3,35% trước đồng USD.
Người bán lẻ từ chối mua sản phẩm thực phẩm Trung Quốc
Nga mua 50 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc mỗi năm và khoảng một nửa là ô tô, máy tính cá nhân, và điện thoại thông minh. Cho tới nay, các công ty Nga chưa nhận bất cứ thông báo trì hoãn nào trong giao hàng từ Trung Quốc. Thị phần sản phẩm lương thực Trung Quốc ở Nga chiếm không quá 2%.
Các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu chính là gừng, tỏi, cà chua, hạt tiêu, quýt, nho, và bưởi. Nhưng theo các nhà bán lẻ, các mặt hàng này có thể dễ dàng bị thay thế bởi hàng hóa từ các nước khác. Do vậy vào ngày 3/2, Magnit – một trong các chuỗi bán lẻ chính ở Nga, tuyên bố họ không còn nhập rau quả từ Trung Quốc, do mối đe dọa từ sự lan truyền của virus Covid-19 (nCoV) và những hậu quả phức tạp khác liên quan đến tiếp vận hậu cần. Thay cho Trung Quốc, hiện nay công ty này sẽ nhập hoa quả và rau củ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Marốc.
Thực phẩm Trung Quốc. Ảnh: TASS. |
Tập đoàn bán lẻ X5, một ông lớn khác nữa trong lĩnh vực này, cũng vừa cho hay họ đang tìm kiếm các nhà cung ứng mới. Tuy nhiên, Lenta và Metro không có kế hoạch ngừng nhận hàng do Trung Quốc cung cấp, còn các nhà bán lẻ còn lại chưa bình luận về tình hình hiện nay.
Vấn đề là hầu hết các mặt hàng từ nguồn cung Trung Quốc được đưa tới Viễn Đông và Khu vực Liên bang Siberia – những vùng phụ thuộc lớn vào hàng nhập khẩu, còn các kệ hàng rau củ ở đó đã bị cạn kiệt hàng. Theo truyền thông địa phương, dưa chuột và cà chua đã tăng giá đột ngột, và các cửa hàng thực phẩm ở Vladivostok, Khabarovsk and Ussuriysk đều đang khan hiếm một số loại mặt hàng. Riêng chuối là “nạn nhân” đầu tiên của Covid-19 (nCoV) ở Vladivostok – có ai đó đã tung tin đồn cho rằng chuối bị nhiễm virus. Thế là hàng hóa chuối bị bỏ nẫu.
Ngành du lịch tổn thất 100 triệu USD
Đây là dự đoán của Hiệp hội Nhà tổ chức Tour ở Nga cho thời kỳ tháng 1-3/2020 trong bối cảnh các biện pháp cách ly phòng dịch truyền nhiễm Covid-19 được thực hiện. Trung Quốc là “nhà cung ứng” du khách lớn nhất cho Nga, và hiện nay Nga đang bị mất ít nhất 1,3 triệu du khách từ Trung Quốc.
Du khách nước ngoài ở Nga. Ảnh: Legion media. |
Kết nối bằng đường hàng không giữa Nga và Trung Quốc đã bị ngừng một phần kể từ ngày 1/2. Hiện chỉ còn 4 tuyến bay, do hãng Aeroflot và các đối tác thực hiện tới Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Hong Kong.
Nhu cầu về khẩu trang tăng vọt thêm 220%
Cho tới này, các công ty dược phẩm đã thu lợi lớn từ tình hình dịch bệnh. Việc bán một số sản phẩm và thuốc kháng virus đã bùng nổ. Do chưa có thuốc đặc trị virus Covid-19, người dân đổ xô đi mua bất cứ thứ gì có thể, theo nguyên tắc “tôi sẽ mua bất cứ thứ gì và mọi thứ”. Theo OFD Platform, lượng khẩu trang bán ra đã tăng tới 220%.
Còn gì nữa?
Cho tới nay ít ai ở Nga coi tác động của Covid-19 đến từ Trung Quốc là ở mức đại dịch. Lãnh đạo của Sberbank – ngân hàng lớn nhất của Nga, đánh giá rằng tác động đó chưa lớn lắm.
Tuy nhiên mọi thứ có thể thay đổi nếu dịch Covid-19 cứ lây lan mãi và không bị ngăn chặn. Trong bối cảnh đó, kinh tế Nga sẽ gặp nhiều trở ngại lớn. Hãng sản xuất ô tô Nissan đã cảnh báo rằng hãng sẽ ngừng hoạt động sản xuất ô tô ở Nga nếu như tình hình không thay đổi vào tháng 3 tới./.