Theo Hãng tin Iran, hôm qua 17/12, Bộ trưởng Ngoại giao Iran tuyên bố cần phải tìm ra được giải pháp giải quyết bế tắc với các cường quốc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, tuy nhiên ông không đưa ra sáng kiến ​​mới nào về việc làm thế nào để đạt được điều này.

Tuyên bố của ông Ali Akbar Salehi được đưa ra trước nỗ lực ngoại giao nhằm chống lại nguy cơ cuộc tranh cãi về hạt nhân kéo dài 10 năm qua trở thành cuộc chiến Trung Đông, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới vốn đã mong manh.

salehi.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Akbar Salehi (Ảnh Reuters)

Tháo gỡ bế tắc- người tám lạng, kẻ nửa cân

Israel vốn được coi là cường quốc vũ khí hạt nhân duy nhất ở Trung Đông, luôn bị đe dọa tấn công quân sự nếu sở hữu vũ khí hạt nhân. Đáp lại, Iran nói rằng nước này sẽ kiên quyết đánh lại nếu bị tấn công.

Hãng Thông tấn Sinh viên trích dẫn lời ông Salehi nói: "Hai bên (Iran và các cường quốc) đã đạt được thỏa thuận rằng họ phải thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay".

Phương Tây nghi ngờ Iran đang cố gắng phát triển chương trình hạt nhân nhằm chế tạo bom nguyên tử dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân dân sự. Còn nước Cộng hòa Hồi giáo này luôn khẳng định rằng chương trình làm giàu uranium của mình là chương trình năng lượng dân sự, chứ không phải nhằm chế tạo bom.

Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh và Đức) - đã bày tỏ nỗ lực để tìm một giải pháp dung hòa. Nhưng Ngoại trưởng Iran Salehi nói ông không biết khi nào cuộc gặp gỡ tiếp theo sẽ được tổ chức.

Tuần trước, nhóm P5 +1 cho biết họ hy vọng sớm thỏa thuận được với Iran thời gian và địa điểm của cuộc gặp tiếp theo. Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết, đã có đề xuất cho cuộc gặp gỡ trong tháng này, nhưng đến nay thì nhiều khả năng là cuộc gặp sẽ được tổ chức vào tháng 1/2013 tới.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã từng đưa ra đề nghị cụ thể với Iran về ngày và địa điểm tổ chức cuộc gặp tiếp theo nhưng họ chưa nhận được hồi đáp.

"Chúng tôi đang duy trì liên lạc với Iran. Chúng tôi đã đưa ra một đề nghị về địa điểm và thời gian cho vòng đàm phán tiếp theo, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi của Iran", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói.

"Thực tế là trái bóng đang trên sân của Iran. Nếu họ muốn quay trở lại bàn đàm phán, chúng tôi đã sẵn sàng, nhưng chúng tôi muốn thấy họ thể hiện sự nghiêm túc", bà Nuland phát biểu trong một cuộc họp báo.

Theo các nhà phân tích và ngoại giao, luôn có cánh cửa cơ hội mở ra cho sáng kiến ​​ngoại giao mới với Iran sau khi Tổng thống Obama tái đắc cử hồi tháng trước.

Các cường quốc mong muốn Iran cân nhắc lại chương trình làm giàu uranium của mình và hợp tác toàn phần với thanh tra hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Quyền lợi cho Iran là phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang ngày càng làm tổn thương nền kinh tế nước này.

Ba vòng đàm phán đầu năm nay – lần cuối cùng là hồi tháng 6 ở Moscow- đều thất bại.

Các cường quốc đã chuẩn bị một “gói” các điều kiện và đã bị Tehran từ chối, các nhà ngoại giao phương Tây cho biết nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

Yêu cầu trước mắt của phương Tây là Iran ngừng làm giàu nguyên liệu hạt nhân cấp độ cao để sản xuất bom, đóng cửa cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất và vận chuyển nguyên liệu ra các kho dự trữ.

Đóng cửa cơ sở Fordow là “không đủ”

Iran từng ám chỉ rằng nước này đã thành công trong làm giàu uranium ở độ tinh khiết 20%, nhưng nước này muốn được giảm các lệnh trừng phạt trước khi nhượng bộ.

Iran cũng muốn các nước công nhận “quyền” làm giàu uranium có thể vì cả 2 mục đích quân sự và dân sự. Ngoại trưởng Salehi nói: “Iran yêu cầu có quyền bất khả xâm phạm, quyền hợp pháp và chính đáng của mình và không muốn gì hơn".

Một quan chức phương Tây cho rằng vẫn còn quá sớm để nói liệu các nỗ lực ngoại giao mới có thể mang lại kết quả hay không. "Chúng tôi thấy các lệnh trừng phạt đã tác động kinh tế đối với Iran và đó là một vấn đề để Iran xem xét lời đề nghị này một cách nghiêm túc".

Chủ Nhật vừa qua (16/12), báo chí đã trích dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Iran nói rằng doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của nước này đã giảm một nửa do các biện pháp trừng phạt.

Một nhà ngoại giao phương Tây khác cho biết, các cường quốc ngày càng lo ngại về khả năng Iran mở rộng chương trình làm giàu uranum tại Fordow và muốn có đề xuất mới giải quyết vấn đề này. Đề xuất này là, ông cho biết, yêu cầu Iran tháo dỡ một phần cơ sở Fordow.

"Đóng cửa Fordow là không đủ", nhà ngoại giao cho biết, ông nói thêm rằng sẽ chỉ mất thời gian để khởi động lại cơ sở nếu hệ thống thiết bị làm giàu uranium bị tháo rời.

Các cường quốc hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Iran bằng "các biện pháp xây dựng lòng tin" trước khi tiếp cận một thỏa thuận cuối cùng sau này, các nhà ngoại giao nói.

Họ nói rằng các cường quốc sẽ xem xét tháo gỡ một số biện pháp trừng phạt đối với Iran nhưng có giới hạn.

Ông Herman Nackaerts (giữa), trưởng đoàn đại biểu của IAEA tới Vienna ngày 14/12  sau chuyến đi tới Iran. Hai bên đều bày tỏ rằng đã có tiến bộ trong đàm phán (Ảnh Reuters)

Tuyên bố của Ngoại trưởng Salehi đưa ra một vài ngày sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Iran đều nói rằng đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc đàm phán hôm thứ Năm tuần trước (13/12) về việc IAEA tiếp tục điều tra tại các cơ sở nghi là nghiên cứu bom nguyên tử trên lãnh thổ nước này.

Hôm qua (17/12) một nhà lập pháp cấp cao Iran cho biết, Iran đang trông đợi phương Tây gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt để đổi lấy quyền tiếp cận cơ sở Parchin của IAEA.

IAEA tin rằng Iran có thể đã tiến hành thử nghiệm chất nổ với các ứng dụng hạt nhân tại Parchin, một cơ sở phía đông nam của thủ đô Iran, và đã nhiều lần yêu cầu đến thanh sát cơ sở này.

"Họ chắc chắn phải đáp lại bằng một số điều khoản, và theo tôi, điều khoản hợp lý và công bằng là sẽ được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt", ông Alaeddin Boroujerdi, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại của Quốc hội Iran nói./.