Cuộc nội chiến nồi da nấu thịt hơn 2 năm qua ở Syria đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương chưa có hồi kết, thì nay lại đang tăng thêm những thách đố mới khiến tình hình nước này càng nóng bỏng và nguy cấp hơn. Ngày 21/8 vừa qua, phe nổi dậy ở Syria đã tố cáo chính quyền của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học làm chết tới 1.300 người tại vùng ngoại ô của Thủ đô Damascus.
Tổng thống Syria al-Assad trong một buổi thăm binh sĩ (Ảnh: Reuters) |
Đã vậy, sự kiện này diễn ra đúng lúc các thanh sát viên của Liên Hợp quốc đang ở Syria để điều tra việc tố cáo sử dụng vũ khí hóa học ở nước này trước đó. Sử dụng vũ khí hóa học là điều hết sức cấm kỵ, là giới hạn cuối cùng và là lý do để các nước phương Tây có thể ngang nhiên can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria.
Trong khi chuyện điều tra, xem xét của các thanh sát viên Liên Hợp quốc chưa có kết luận rõ ràng nhưng báo chí và dư luận phương Tây đã rộ lên một thông tin thống nhất, coi đích danh thủ phạm là Chính phủ Syria. Rồi nữa, chính khách phương Tây rất nhanh chóng xem xét việc chuẩn bị lực lượng và phương án để tấn công Syria.
Trái ngược với luồng dư luận trên, Chính phủ Syria và quan điểm của một số nước, trong đó có Nga lại cho rằng không thể có chuyện quân đội Chính phủ Syria làm điều tệ hại đó vì họ đang ở thế thắng; Chính phủ lại đang bị tố cáo sử dụng vũ khí hóa học nay dại gì khi có mặt các thanh sát viên Liên Hợp quốc, lại tự gây sự kiện để mang vạ vào thân.
Cũng theo lý lẽ ấy thì đây chẳng qua là một màn kịch được dàn dựng để có cớ cho phương Tây can thiệp vào Syria, giúp đỡ phe nổi dậy lật đổ Tổng thống Assad và Chính phủ đương nhiệm.
Những động thái của phương Tây vừa qua cho thấy, lực lượng nổi dậy ở Syria tới đây có thể được do phương Tây chi viện đắc lực bằng cả sự can thiệp quân sự. Trái lại, Chính phủ Syria phải đối mặt với nhiều tình huống phức tạp mới.
Dù phải đối phó với tình hình nguy kịch, Chính phủ Syria cũng đã cảnh báo: phương Tây chớ dùng biện pháp quân sự vì điều này sẽ làm bùng cháy cả vùng Trung Đông, hành động như vậy chỉ kích động thêm bạo lực toàn khu vực. Hậu quả chính sẽ là “quả cầu lửa” không chỉ cháy ở Syria mà còn ở cả khu vực Trung Đông.
Mọi việc không hề đơn giản, phương Tây có muốn can thiệp sâu để giúp cho lực lượng nổi dậy thì cũng sẽ không biết giúp cho phe phái nào. Hiện lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Assad thuộc nhiều hệ phái tư tưởng, luôn đụng độ, thậm chí từng giao tranh quyết liệt với nhau để giành những khoản viện trợ của phương Tây trong thời gian qua.
Theo kênh Truyền hình Al-Jazera, chỉ trong vòng hơn một tuần đầu tháng 8, đã có 5 cuộc đụng độ vũ trang giữa các phe nổi dậy. Kết cục của những cuộc giao đấu này là hầu như toàn bộ khu vực kiểm soát và các loại vũ khí rơi vào tay lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Vậy nên có nhiều ý kiến cho rằng, không khác “gậy ông lại đập lưng ông”, phương Tây giúp cho lực lượng sau này lại gây họa cho chính họ.
Tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, nhưng điều chắc chắn là Syria đứng trước những thách thức và hiểm họa mới. Từ những kết cục ở Ai Cập, đến Libya cũng như tình hình Iraq trong những năm qua, tất cả các bên và các lực lượng có liên quan đều phải cân nhắc để tìm ra giải pháp và hành động thích hợp./.