Dù các nước châu Âu vẫn đang chia rẽ, nhưng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng EU hy vọng có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga trước năm 2027.
Theo các chuyên gia và giới chức, Israel có thể tận dụng cơ hội này để xây dựng một hay nhiều đường ống, qua Hy Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc tăng lượng khí đốt vận chuyển tới Ai Cập để hóa lỏng và sau đó vận chuyển bằng tàu tới châu Âu.
Xung đột Nga-Ukraine làm thay đổi thị trường năng lượng
Sau chuyến thăm gần đây tới Athens (Hy Lạp), Ngoại trưởng Israel Yair Lapid nói rằng “cuộc chiến ở Ukraine làm thay đổi cấu trúc thị trường năng lượng châu Âu và Trung Đông”.
“Chúng tôi cũng đang xem xét việc tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt chú trọng vào thị trường năng lượng”, ông Lapid nói.
Từ nhiều năm qua, Israel tìm cách xây dựng các tuyến đường xuất khẩu khí đốt và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Thổ Nhĩ Kỳ, thời gian gần đây đã làm tan băng mối quan hệ với Israel sau hơn 1 thập kỷ đứt gãy, cũng bày tỏ quan tâm tới một dự án đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu và Bộ trưởng Năng lượng nước này dự kiến tới Israel trong những tuần tới.
Trong những năm quan hệ ngoại giao lạnh nhạt với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel đã ký kết một hiệp ước với Hy Lạp và Cộng hòa Síp nhằm xây dựng đường ống EastMed từ Israel đi qua 2 nước này tới châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối dự án, trong khi một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tuần trước nói rằng dự án này có thể quá tốn kém và mất nhiều thời gian để xây dựng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Israel Karine Elharrar nhấn mạnh Israel có tiềm năng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và nước này đang tìm cách để biến điều này thành hiện thực.
Tiềm năng của Israel
Việc phát hiện mỏ khí đốt gần 1.000 tỷ mét khối ở Đông Địa Trung Hải trong thập kỷ qua đã đưa Israel từ nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên thành nước xuất khẩu.
Hiện nước Israel xuất khẩu khí đốt với số lượng nhỏ từ 2 mỏ ngoài khơi là Leviathan và Tamar tới Ai Cập và Jordan.
Theo ông Yuval Steinitz, nghị sỹ đối lập, cựu Bộ trưởng Năng lượng Israel, trừ lượng tiêu thụ nội địa trong 30 năm tới, nước này vẫn còn khoảng 600 tỷ mét khối cho xuất khẩu.
“Năm 2016, dự án đường ống dẫn khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ đã được xem xét chi tiết cùng với phía Ankara và các công ty thương mại. Tuy nhiên, dự án không đạt được kết quả khả quan chủ yếu vì các lý do kinh tế”, ông Orit Ganor, Giám đốc bộ phận thương mại quốc tế khí đốt tự nhiên thuộc Bộ Năng lượng Israel, cho biết.
Trong bối cảnh cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang cạnh tranh để đặt đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu, Israel cũng phải cân nhắc rất thận trọng giữa các đồng minh khu vực mà nước này mong muốn lựa chọn hợp tác.
Theo ông Ganor, “EastMed vẫn là lựa chọn khả thi. Công ty thúc đẩy dự án này, Poseidon, hiện đang thực hiện giai đoạn cuối các khảo sát địa vật lý và kỹ thuật của lộ trình đường ống trong lãnh hải Israel cũng như Hy Lạp và CH Síp”.
Theo cựu Bộ trưởng Năng lượng Israel Steinitz, vẫn chưa có đảm bảo tài chính cho dự án, ước tính có thể lên tới 6 tỷ USD và mất khoảng 4 năm để hoàn thành.
Dù vậy, Israel vẫn còn thỏa thuận với phía Ai Cập về một đường ống dưới đáy biển từ mỏ Leviathan tới các nhà máy hóa lỏng của Ai Cập, cho phép nâng khối lượng xuất khẩu sang châu Âu.
Thách thức trước mắt
Mỏ khí đốt Leviathan của Israel, có thể là nguồn xuất khẩu sang châu Âu, hiện do một liên doanh gồm NewMed Energy của Israel và Chevron của Mỹ vận hành.
Giám đốc điều hành NewMed Energy, ông Yossi Abu gần đây đã khẳng định tham vọng “đưa khí đốt Israel tới châu Âu và châu Á”.
Các chuyên gia nói rằng các mỏ khí đốt hiện tại của Israel tương đương khoảng 1/3 trữ lượng tiềm năng của nước này, nhưng Israel vẫn cần phải có phương thức bán nguồn khí đốt mới phát hiện trong tương lai để khuyến khích hoạt động khai thác của các công ty tư nhân.
Israel cấp giấy phép khai thác và hỗ trợ thủ tục pháp lý, nhưng không thực hiện hoạt động khoan khai thác khí đốt hoặc xây các đường ống vận chuyển.
“Chúng tôi đang ở trong tình huống tiến thoái lưỡng nan, cần phải tìm được khách hàng đồng ý chi tiền cho đường ống rất đắt đỏ này. Họ sẽ không làm điều đó cho đến khi bạn chứng minh được là mình có đủ khí đốt để vận hành đường ống đó. Mặt khác, bạn sẽ không huy động được đủ nguồn khí đốt để vận hành nếu không thể tìm được khách hàng mua khí đốt” ông Elai Rettig, nhà khoa học chính trị tại Đại học Bar-Ilan ở Tel Aviv, cho biết.
Cơ hội cho EastMed
Trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, khi người dân châu Âu phải trải qua mùa đông giá lạnh với giá khí đốt tăng cao đáng kể, lục địa này đã nỗ lực tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt. Điều này trở thành cơ hội của Israel.
Theo cựu Bộ trưởng Steinitz, Israel “chắc chắn có thể là một yếu tố quan trọng góp phần vào chiến lược độc lập và đa dạng hóa nguồn năng lượng của châu Âu”.
EastMed dự kiến vận chuyển khí đốt từ Israel và CH Síp qua Hy Lạp và Italy tới châu Âu bằng đường ống dưới đáy biển dài 1.900km, công suất 10 tỷ mét khối mỗi năm.
“Dự án có tầm quan trọng địa chiến lược vì nó có thể khiến Israel, Hy Lạp và CH Síp xích lại gần nhau”, ông Michael Harari, nhà nghiên cứu chính scsh tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Israel, đồng thời là cựu đại sứ Israel tại Síp cho biết.
Cựu Bộ trưởng Năng lượng Steinitz cho rằng Israel cũng cần sự cân bằng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, “tiếp tục đối thoại với cả 2 bên nhằm trấn an Ankara và Athens rằng bên này sẽ không bị đánh đổi với bên kia trong các dự án năng lượng.
Theo ông Steinitz, Israel có thể tìm cách xuất khẩu đồng thời qua cả Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập vì nước này “có đủ khí đốt để xuất khẩu qua cả 3 kênh”./.