Cảnh báo các chuyến bay thương mại

Giới chức Mỹ ngày 18/5 cảnh báo rằng các chuyến bay thương mại bay qua khu vực Vịnh Ba Tư có thể đối mặt với nguy cơ bị “nhận dạng nhầm” trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Iran. Cảnh báo được đăng tải trên trang của Cơ quan hàng không dân dụng Mỹ, nhấn mạnh rủi ro mà căng thẳng hiện nay dấy lên trong khu vực đối với hàng không toàn cầu. Trước đó một ủy ban của Anh cũng đã cảnh báo nguy cơ gia tăng đối với vận tải hàng hải trong khu vực.

my_am_tham_tim_cach_chien_tranh_voi_iran_gsfa.jpg
Một chiếc F-18 Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln trên biển Arab. Ảnh: AP

Trong khi đó, tập đoàn dầu mỏ ExxonMobil của Mỹ đã bắt đầu sơ tán nhân viên từ Basra, Iraq, nơi lãnh sự quán Mỹ đã đóng cửa nhiều tháng qua sau một cuộc tấn công rocket mà Mỹ đổ lỗi do các tay súng Shiite được Iran ủng hộ tiến hành. Bahrain cũng ra lệnh cho công dân sơ tán khỏi Iraq và Iran do những căng thẳng trong khu vực.

Cảnh báo đối với các chuyến bay thương mại xuất phát từ một sự kiện đã từng diễn ra cách đây 30 năm, trong Chiến dịch cầu nguyện cho Mantis (Operation Praying Mantis). Sau một trận hải chiến kéo dài suốt một ngày trên Vịnh Ba Tư giữa các lực lượng Mỹ và Iran trong cuộc chiến tranh của Iran với Iraq, ngày 3/7/1988, tàu USS Vincennes đuổi theo tàu cao tốc Iran và định khai hỏa nhằm vào một trực thăng Iran. Tuy nhiên, do có sự nhầm lẫn tàu Vincennes đã phóng 2 tên lửa vào một máy bay thương mại của Iran Air trên đường tới Dubai thay vì chiếc F-14 của Iran, khiến toàn bộ số người trên chuyến bay thiệt mạng.

Kịch bản sử dụng thẩm quyền tiến hành chiến tranh

Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ không cần sự đồng ý của Quốc hội để tiến hành chiến tranh với Iran. Đó là kịch bản các “tướng, tá” của ông đã âm thầm xây dựng khi căng thẳng giữa 2 nước leo thang.

Các yếu tố chủ chốt bao gồm cả việc vẽ ra các mối liên kết giữa al Qaeda và Iran, coi Iran là một mối đe dọa khủng bố đối với Mỹ. Những yếu tố này có thể cho Tổng thống Trump lý lẽ mà ông cần để tiến hành chiến tranh với Iran theo Đạo luật cho phép sử dụng lực lượng quân sự (AUMF) 2001 mà không cần sự phê duyệt của Quốc hội.

Viễn cảnh đó sẽ không nhận được sự ủng hộ của hầu hết đảng Dân chủ, và thậm chí cả đảng Cộng hòa, một phần là vì Iran không liên quan tới vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 nhằm vào Mỹ, một phần là vì có sự miễn cưỡng khi đưa các lực lượng Mỹ vào một chiến trường khác, và một phần lý do là vì nhiều nghị sỹ tin rằng Quốc hội đã trao quá nhiều thẩm quyền quyết định chiến tranh cho Tổng thống trong những năm qua.

Quốc hội chưa chắc đã muốn trao cho Tổng thống thẩm quyền mới để tiến hành chiến tranh với Iran dưới điều kiện hiện nay. Trong bối cảnh chiến dịch “sức ép tối đa” nhằm vào chính quyền Iran đã làm căng thẳng leo thang giữa 2 nước, chính quyền Trump đã gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ rằng họ đã sẵn sàng đưa ra quyết định cuối cùng “vòng” qua Quốc hội, bằng cách sử dụng đạo luật AUMF 2001, về sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Đạo luật AUMF 2001 cho phép Tổng thống có quyền sử dụng vũ lực nhằm vào “các quốc gia, các tổ chức hoặc cá nhân mà Tổng thống nhận thấy là đã lên kế hoạch, cho phép, thực hiện hoặc hỗ trợ các cuộc tấn công khủng bố đã từng xảy ra ngày 11/9/2001, hoặc che giấu các tổ chức, cá nhân khủng bố đó, nhằm ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào của khủng bố quốc tế nhằm vào Mỹ trong tương lai”.

Đầu tháng này, Mỹ đã triển khai tàu sân bay và nhóm máy bay ném bom chiến lược B-52 tới Trung Đông. Ba quan chức Mỹ nói với NBC rằng, việc gia tăng lực lượng Mỹ trong khu vực là để phản ứng trước các thông tin tình báo thu thập được cho thấy Itran đã bật đèn xanh cho các lực lượng ủy nhiệm tấn công vào người và tài sản của Mỹ trong khu vực.

Trong những tuần gần đây, chính quyền Trump đã cáo buộc Iran hỗ trợ al Qaeda, liệt Lực lượng vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố nước ngoài và cáo buộc Iran có liên kết với một mối đe dọa khủng bố nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq.

Các quan chức Hội đồng an ninh quốc gia từ chối xác nhận với NBC News về việc liệu những yếu tố kể trên có thể đáp ứng những điều kiện pháp lý cần thiết để Tổng thống quyết định sử dụng vũ lực nhằm vào Iran mà không cần sự thông qua của Quốc hội hay không.

Tuy nhiên các cựu luật sư từng làm việc cho chính phủ và từng thân cận với đạo luật 2001 nói rằng, rõ ràng những động thái gần đây cho thấy chính quyền Trump đang cố làm điều đó.

“Toàn bộ sự việc là xây dựng một kịch bản chiến tranh không cần sự phê duyệt của Quốc hội”, giáo sư luật Harold Koh, đại học Yale, người từng là luật sư hàng đầu của Bộ Ngoại giao dưới thời Ngoại trưởng Hillary Clinton trả lời phỏng vấn qua điện thoại với NBC News.

Thẩm quyền là của Quốc hội

Để sử dụng đạo luật AUMF 2001, Tổng thống phải chứng minh được 2 điều: một đất nước, nhóm hay cá nhân nào đó đã hỗ trợ Al Qaeda và việc sử dụng vũ lực là cần thiết để ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ từ các thực thể vừa nêu.

Câu hỏi về mối liên hệ của Iran với al Qaeda là rất thực tế. “Họ đã từng chứa chấp Al Qaeda, họ đã cho phép al Qaeda quá cảnh ở đất nước của họ. Vi thế không còn nghi ngờ gì việc có mối liên hệ giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran với Al Qaeda”. Ngoại trưởng Pompeo nói trong phiên điều trần của Ủy ban quan hệ đối ngoại [Thượng viện].

Đã có những tranh luận gay gắt ở Mỹ những năm gần đây về việc những kẻ tàn dư của Al Qaeda nhận được bao nhiêu hỗ trợ ở Iran. Những người có quan điểm cứng rắn với Iran thì cho rằng các mối quan hệ là khá sâu sắc và đáng kể. Trong khi đó, nhiều người khác cho rằng, những nỗ kết nối một chính quyền Shia với chủ nghĩa khủng bố do các nhóm Sunni tiến hành là sai lầm và quá quắt.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuần trước nói rằng bà đánh giá cao việc ông Trump tỏ ra miễn cưỡng chiến tranh và coi các cố vấn của mình như những người đang “lèo lái” căng thẳng gia tăng hiện nay. Bà nói rằng Tổng thống hiện không có thẩm quyền tiến hành chiến tranh với Iran.

“Trách nhiệm là ở Quốc hội khi tuyên bố chiến tranh”, bà nói. “Tôi hy vọng các cố vấn của Tổng thống thừa nhận rằng họ không có thẩm quyền đi đến chiến tranh theo bất cứ cách nào. Họ không thể dùng đến thẩm quyền AUMF, thẩm quyền sử dụng vũ lực đã được thông qua năm 2001, cũng như bất thẩm quyền nào để tiến hành chiến tranh ở Trung Đông hiện nay”.

Bản thân Tổng thống Trump vẫn để ngỏ quyết định. Khi được hỏi về khả năng chiến tranh, ông nói: “Tôi hy vọng là không”.

Tuy nhiên, có rất ít người nghi ngờ việc chính quyền của ông đã sẵn sàng để tự quyết định kịch bản chiến tranh với Iran./.