Mặc dù lo ngại việc Nga tăng cường điều động binh sỹ tại biên giới với Ukraine có thể khơi mào một cuộc xung đột quân sự, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn âm thầm vận động các đồng minh Dân chủ tại Quốc hội Mỹ loại bỏ biện pháp trừng phạt đối với Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
Hành động cứu vãn thể diện?
Theo Foreign Policy, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các trợ lý cấp cao đã gọi điện tới văn phòng Thượng viện vào tuần trước, hối thúc họ hủy bỏ đề xuất sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2022, trong đó đề ra các biện pháp trừng phạt đối với một loạt tổ chức liên quan đến Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 mà không cho phép sự miễn trừ từ Nhà Trắng. Đề xuất này được một nhóm thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ do Nghị sĩ Jim Risch dẫn đầu, đưa ra hồi đầu tháng 11.
Các trợ lý cho biết, chính quyền Biden đang cố gắng ngăn cản nỗ lực trừng phạt các công ty Đức liên quan việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức – một động thái khiến các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội tức giận. Đảng Dân chủ tin rằng những sửa đổi nói trên có thể cản trở đáng kể khả năng của nhánh hành pháp trong việc áp đặt, thực thi, gia hạn hoặc miễn trừ các biện pháp trừng phạt.
Một phụ tá của đảng Dân chủ nhấn mạnh: “Đề xuất nói trên đang vũ khí hóa các điều khoản theo cách chưa từng được thực hiện trước đây. Tất cả hoạt động tại Thượng viện có thể bị cản trở mỗi khi những báo cáo này được đệ trình vài tháng một lần. Tác động của nó không chỉ dừng lại ở Dòng chảy phương Bắc 2 mà còn vượt xa hơn”.
Tháng 9 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự thảo Đạo luật Ủy quyền quốc phòng cho năm tài khóa 2022, với khoản chi 780 tỷ USD, trong đó đề xuất trừng phạt đối với những người lập kế hoạch, xây dựng và vận hành đường ống dẫn khí đốt nhưng không nêu cụ thể cá nhân hoặc tổ chức bị nhắm đến.
Ngoại trưởng Blinken và ông Amos Hochstein, cố vấn năng lượng cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nhiều quan chức khác trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên hệ với các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Dân chủ, trong đó có Thượng nghị sỹ Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và nữ thượng nghị sỹ Jeanne Shaheen – nhân vật ủng hộ Ukraine, nhằm thuyết phục việc từ bỏ biện pháp trừng phạt.
Các quan chức chính quyền Biden nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh gây căng thẳng với Đức – một đồng minh quan trọng góp phần quyết định phản ứng của phương Tây trong trường hợp Nga có hành động quân sự với Ukraine. Trước đó, Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã làm rạn nứt quan hệ giữa Washington và Berlin. Một số nhân vật tại Đức cho rằng, việc Mỹ phản đối đường ống này hoàn toàn mang tính chất kinh tế và là nỗ lực buộc châu Âu mua khí đốt tự nhiên của Mỹ thay vì của Nga.
Phát biểu với Foreign Policy, Hạ nghị sĩ Mike Rogers – thành viên đảng Cộng hòa tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ cho rằng, chính quyền Biden đang vận động hành lang để cứu vãn thể diện khi lưỡng đảng Mỹ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt.
“Chính quyền Biden đang cố gắng che đậy quyết định sai lầm của họ nhằm làm hài lòng Nga và xa rời các đồng minh. Họ biết rằng lưỡng đảng ủng hộ mạnh mẽ các lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2 vì thế họ đã thực hiện chiến thuật phòng thủ để giữ thể diện”.
Không muốn làm gia tăng rạn nứt với đồng minh chủ chốt
Theo một số chuyên gia, động thái của chính quyền Biden là điều dễ hiểu. Dù nhiều lần phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 với lo ngại dự án có thể khiến châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, nhưng theo thỏa thuận đạt được với Đức vào tháng 7 vừa qua, ông Biden cam kết sẽ không gây áp lực đối với dự án, trừ khi nhận thấy “Nga vũ khí hóa năng lượng hoặc thực hiện hành động gây hấn đối với Ukraine”.
Giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tại châu Âu. Nhiều chính trị gia phương Tây cáo buộc Nga làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng bằng cách hạn chế nguồn cung cho châu Âu. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cho biết sẵn sàng đẩy mạnh việc cung cấp khí đốt cho châu Âu một khi dự án được cấp phép.
Một số trợ lý tại Quốc hội cho rằng, chính quyền Biden dường như đang cố gắng xoay chuyển tình thế trong một cuộc chiến mà họ biết là nhiều khả năng thua cuộc trên Đồi Capitol để chấm dứt các biện pháp trừng phạt.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, được dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang Đức là một thách thức lớn trong chính sách của chính quyền Biden nhằm sửa chữa quan hệ với Berlin khi Mỹ tìm cách tập hợp đồng minh giữa lúc sự cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền đã miễn trừ lệnh trừng phạt mới đối với Nord Stream 2 AG - nhà điều hành tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 và Giám đốc điều hành của công ty Matthias Warnig.
Tổng thống Biden và nhiều quan chức cấp cao của Mỹ từng lên tiếng phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc vốn được hoàn thành 95% kể từ khi ông nhậm chức. Nhưng sau đó, chính quyền đã thay đổi nỗ lực cố gắng loại bỏ hoàn toàn dự án – điều mà các nhà phân tích cho rằng phải tăng cường trừng phạt các công ty Đức – nhằm giảm thiểu rủi ro đối với các đồng minh châu Âu. Tuy vậy, nhiều nhân vật tại Quốc hội đã phản đối cách tiếp cận của chính quyền. Một trợ lý tại Quốc hội cho biết: “Họ thừa hưởng một giải pháp dưới hình thức trừng phạt có sự đồng thuận lưỡng đảng vốn rất phổ biến và có hiệu quả. Nhưng họ lại cố gắng từ bỏ giải pháp đó. Điều này gây khó hiểu cho rất nhiều người”./.